Ngày "thôi nôi", nghĩ về lễ "trưởng thành"

TT - Một năm gia nhập WTO, nhiều người nói vui: vậy là Việt Nam đã tròn một tuổi tính theo "lịch toàn cầu hóa". Một năm tuổi, người Việt ta hay gọi là ngày thôi nôi.

Theo tập tục, đây là thời điểm mà đứa trẻ phải chọn lựa cho mình một hình ảnh tượng trưng cho công việc hay sự nghiệp của mình khi trưởng thành. Đứa trẻ sẽ bốc món đồ nào trong số những món vật được bày trên mâm: cây bút, ống nghe phổi hay cái máy tính...

Chọn lựa đầu đời này mang một ý nghĩa ước lệ: định vị tương lai của đứa trẻ ngay từ ngày thôi không còn được (hay phải) sống tựa vào một cái nôi ấm áp nữa, mà phải thật sự bước vào một môi trường sống rộng lớn và khắc nghiệt hơn.

Điều đó có nghĩa là đứa trẻ phải bắt đầu một quá trình tập đi, tập chạy, tập vượt rào, học cách đứng dậy khi vấp ngã... để khẳng định mình và thỏa kỳ vọng của mọi người.

Hình dung về sinh nhật với ổ bánh kem mang hình WTO và một ngọn nến, dễ liên tưởng đến một tác phẩm nổi tiếng: Cuộc phiêu lưu của Alice vào thế giới thần tiên.

Câu chuyện này có một đoạn mà càng đọc càng thấy phải suy ngẫm nhiều hơn: "Alice hỏi con mèo: Tớ đi đường nào bây giờ? Con mèo trả lời: Điều đó tùy thuộc vào việc cậu muốn đến đâu chứ. Alice: Tớ thật sự chẳng quan tâm lắm về cái nơi mà mình muốn đến. Con mèo: Thế thì cậu cũng không cần quan tâm là nên đi đường nào!".

Quả thật, chẳng phải con mèo chịu thua trong việc chỉ đường cho Alice, mà ngay cả những người thông thái nhất cũng đành lắc đầu khi phải chỉ đường cho một người mà người đó không hề biết rõ đích đến của mình là nơi đâu.

Sự lúng túng của Alice làm ta chợt giật mình. Có đích đến thì mới có con đường! Sinh nhật một năm, nếu nghĩ đến chuyện sinh nhật 10 năm, sinh nhật 20 năm hoặc 50 năm thì sao nhỉ?

Ngày ấy, VN sẽ là một kỹ sư của thế giới để giải quyết vấn đề điện tử toàn cầu? Ngày ấy, VN sẽ là một người anh lớn, nằm trong top những quốc gia giàu mạnh và văn minh nhất? Hay ngày ấy, VN vẫn còn là một người sống mãi với hào quang quá khứ là một "ngôi sao đang lên"...

Những câu hỏi này, từ nhiều năm trước và từ trước khi hội nhập đến nay, vẫn còn là một dấu hỏi to, rất to và lời đáp vẫn còn lẩn khuất đâu đó.

Sự lẩn khuất ấy nằm sâu trong mỗi con người, mỗi doanh nghiệp, mỗi địa phương và cả trong lòng dân tộc. Một năm đứng trên biển lớn mênh mông, bài toán định vị vẫn còn nguyên vẹn giá trị thời sự của nó.

Không còn là thời gian để chuẩn bị nữa, mà đã trở thành thời khắc để đua tranh. Đua tranh, không thể chỉ là hoạt động đơn lẻ của mỗi cá nhân, mỗi doanh nghiệp, mỗi địa phương, mà cả dân tộc cũng phải nằm trong đường đua cùng với nhiều dân tộc khác.

Đích đến của cuộc đua này chính là một hình ảnh rõ nét mà mỗi thành tố nói trên của quốc gia và mỗi quốc gia đều phải mô tả một cách cẩn trọng. Đó là một hình ảnh của tương lai mà ta muốn tạo dựng, nhưng phải xác định ngay từ bây giờ.

Và hẳn nhiên, hình ảnh ấy không thể tách rời trong môi trường toàn cầu vốn dĩ đã được nhận thức một cách rõ rệt, đầy đủ và sâu sắc hơn. "Hội nhập" là khái niệm mà Google có thể tìm ra đến gần 4 triệu tài liệu liên quan. "Toàn cầu hóa" cũng xuất hiện với một tần số gần 3 triệu lần.

Đi đến đâu, ta cũng có thể nghe thấy những câu chuyện cửa miệng về WTO. Thêm nữa, AFTA - Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - cũng đang từng bước được hình thành.

Khi đó, cả Đông Nam Á sẽ là quốc gia duy nhất về mặt thương mại và "thị trường nhà” của doanh nghiệp VN không chỉ là hơn 85 triệu dân như lâu nay, mà sẽ là hơn 500 triệu người. Mọi thứ đã hòa vào nhau và không có cách thức nào khác ngoài việc phải "thôi" cái "nôi"...

Cái nôi ấy chính là những "vũ khí” tối thượng một thời để duy trì một nền kinh tế bảo hộ (về cơ bản là "tự cung tự cấp", "tự sản tự tiêu") như là hàng rào thuế quan, chính sách cho đầu tư nước ngoài….

Và cái nôi ấy cũng là những lá chắn vẫn bao bọc lấy tầm nhìn, cuộc sống và công cuộc kinh doanh của ta. Chính vì thế, câu chuyện về hành trang để vững tiến trên con đường mới cho đến "lễ trưởng thành" theo đúng mong đợi lại là nhu cầu bức thiết hơn bao giờ hết.

Vấn đề tài chính không còn là việc quá lo ngại, khi ta đã chủ trương liên thông với nền tài chính toàn cầu, có thể lấy tiền của toàn dân và cả thế giới để phục vụ việc kinh doanh và cho nền kinh tế của mình.

Cũng như thế, bài toán công nghệ đã có lời giải khi mà hằng năm, doanh nhân VN vẫn ngược xuôi các chợ công nghệ lớn nhất thế giới để mang về cho doanh nghiệp của mình những công nghệ mới nhất, hiện đại nhất, không thua kém bất kỳ doanh nghiệp quốc tế nào.

Như vậy, hai vấn đề lớn nhất trên con đường đi đến định vị của mình chính là vấn đề "chiến lược" - con đường đi trong bối cảnh thế giới mở, và vấn đề "con người" - những con người có thể sống một cách đàng hoàng và làm việc thành công trong môi trường toàn cầu.

Cả hai điều này cho dù ở góc độ vi mô của từng doanh nghiệp hay góc độ vĩ mô của cả nền kinh tế đều xuất phát từ nhân tố "lãnh đạo".

GIẢN TƯ TRUNG - (Theo Tuổi Trẻ)

Bài viết được quan tâm

Bài viết mới nhất

Trang trên 328