Hãy là người dẫn đầu sự thay đổi

Vào ngày 20/06/2013 vừa qua, Trường Doanh Nhân PACE cùng Dự án Sách Hay đã phối hợp tổ chức buổi tọa đàm Talk&Think kỳ tháng 06/2013 với chủ đề “Lãnh Đạo Doanh Nghiệp Tại Châu Á Trong Thời Kỳ Mới: Thích ứng với nền kinh tế khu vực và thế giới nhiều thay đổi”, dưới sự chủ trì của GS. TS. Philip Hallinger.

 Hơn 25 năm sống, làm việc và nghiên cứu tại Châu Á (đặc biệt tại các Quốc gia Đông Nam Á) là khoảng thời gian đủ dài để ông chiêm nghiệm những biến đổi thăng trầm của nền kinh tế trong khu vực. Và cũng từng đó thời gian, cũng đủ để ông có thể hiểu được văn hóa và truyền tải tới những người tham dự một cách gần gũi và sinh động hơn. Tại buổi tọa đàm, GS đã biến những vấn đề kinh tế, lãnh đạo khô khan thành sự chia sẻ hai chiều, để từ đó, dẫn dắt những ý kiến, những câu chuyện của ông và của cả người tham dự thành một câu chuyện phong phú, đa dạng và phản ánh vấn đề dưới nhiều góc cạnh.

Sự thay đổi của nền kinh tế toàn cầu và khu vực diễn ra liên tục

Như Peter Drucker đã từng nói “Học sinh ngày nay khi bắt đầu học tiểu học không thể hình dung ra thế giới mà ông bà của các em sống cũng như thời đại cha mẹ các em cách đây 25 năm.”

GS-Philip-Hallinger

Thực vậy, “Nền kinh tế thế giới đang thay đổi liên tục, Việt Nam trước đây giống nhu một hòn đảo, nhưng rồi đã thay đổi không ngừng kể từ khi đất nước mở cửa. Cách đây 20 năm, bạn có từng nghĩ ai cũng sẽ cầm trên tay một chiếc điện thoại? Còn bây giờ, bạn có nghĩ sẽ sống như thế nào nào nếu không có một chiếc điện thoại cầm tay?” – GS Philip Hallinger. Hay câu chuyện về Ngân hàng đầu tiên sử dụng dịch vụ E-Banking mà GS đã tham gia trong vai trò Tư vấn… Đó là một vài những ví dụ ngắn và rất thiết thực mà Ông đã chia sẻ với người tham dự để hiểu rõ hơn về sự thay đổi nhanh chóng của thời đại. Việc từ chối thay đổi là hoàn toàn tự nhiên, bởi lẽ trong một thời đại thay đổi liên tục như vậy, việc chúng ta thay đổi quá nhanh sẽ dẫn đến tình trạng lúng túng cho Doanh nghiệp. Còn nếu không thay đổi hoặc chậm thay đổi, thì lại bị lạc hậu so với thị trường. Vậy mỗi nhà lãnh đạo phải lãnh đạo sự thay đổi đó như thế nào cho phù hợp với tình hình thực tế của Doanh nghiệp?

Xây dựng tầm nhìn và lãnh đạo bằng trái tim

Mỗi nhà quản lý, lãnh đạo hiện này ngoài việc xây dựng cho mình một tầm nhìn xa còn phải biến tầm nhìn đó thành một tầm nhìn chung cho Doanh nghiệp và cho tất cả mọi người. Mội trường thay đổi, mỗi người trong môi trường Doanh nghiệp đều có những động lực làm việc khác nhau.  Trong bối cảnh nào cũng vậy, “con người” vẫn luôn là nguồn lực quý giá nhất của mỗi Doanh nghiệp. Công việc của nhà lãnh đạo là lãnh đạo những “con người” và quản lý “công việc”.

Vì lẽ đó, để lãnh đạo một cách hiệu quả trong bối cảnh hiện nay, nhà lãnh đạo không chỉ lãnh đạo thông qua cái mình nghĩ, mà còn phải đặt mình vào nhân viên. Chỉ khi thực sự hiểu được động lực và tạo động lực làm việc, người lãnh đạo mới có thể giúp đỡ họ đạt được thành công, và hỗ trợ về mặt tinh thần làm việc, để từ đó hướng họ về mục tiêu chung của Tổ chức. Ngoài ra, GS còn đề cao việc xây dựng kỹ năng, hoạch định tương lai cho nhân viên và tạo ra những nhóm chiến thắng trong chính Doanh nghiệp của mình.

Thay đổi đến từ tôi

GS-Philip-Hallinger

Dẫn chứng câu nói của Mahatma Gandhi: “Chính bạn phải là sự đổi thay mà bạn mong được nhìn thấy trong xã hội”. GS cho rằng, để thay đổi và thích ứng trong bối cảnh hiện nay, không ai khác chính là các nhà lãnh đạo. Tại hầu hết các nước Châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng, người lãnh đạo vẫn còn mang nhiều “cái uy quyền lực” của chính họ, chứ chưa thực sự dựa trên niềm tin và sự ủng hộ hoàn toàn của nhân viên để đạt được hiệu quả.

Để thay đổi trong bối cảnh thay đổi, mỗi nhà lãnh đạo tại Châu Á trong bối cảnh hiện nay cần thiết phải trao đổi nhiều hơn về tầm nhìn và mục tiêu của Doanh nghiệp, đưa ra những mong muốn rõ ràng, những thời hạn để đạt được kết quả. Song song với đó là việc hỗ trợ nhân viên xây dựng và đạt được mục tiêu cá nhân trên cơ sở kiểm soát thông qua áp lực chéo. Đánh giá sự tiến bộ, thậm chí yêu cầu nhân viên chứng minh hay dạy những kĩ năng cho người khác,. Đồng thời, không quên việc ghi nhận sự cố gắng và duy trì động lực làm việc của nhân viên.

Cuối chương trình, rất nhiều các chia sẻ, câu hỏi thảo luận được người tham dự đưa ra dựa trên tình tình thực tế tại Doanh nghiệp. Vì vậy, không chỉ riêng Diễn giả mà chính những người tham dự đã góp phần gợi mở, khơi gợi những điểm cũ một cách hoàn toàn mới, những điểm mới một cách đầy thú vị, để từ đó, góp phần cho buổi tọa đàm thêm phần ý nghĩa.

 

Từ mục tiêu và định hướng của Diễn đàn Talk&Think – Chia sẻ để suy ngẫm, với mong muốn góp phần “làm cho mọi người phải suy nghĩ” về những đề căn cốt có liên quan đến kinh tế-kinh doanh, quản lý-lãnh đạo, văn hóa-giáo dục… và cũng là cơ hội để lan tỏa, chia sẻ tri thức tới cộng đồng Giới doanh nhân; Giới nhân sự; Giới nghiên cứu, giảng dạy về quản trị... do đó, toàn bộ thông tin và video của buổi tọa đàm trên sẽ được đăng tải tại trang web www. PACE.edu.vn để Quý vị tiện theo dõi lại.

Tài liệu của buổi tọa đàm Quý vị có thể tham khảo Tại đây.

Tin tức liên quan

Trang trên 71