3 CÁCH GIÚP CÁC CEO LÀM VIỆC HIỆU QUẢ CÙNG BỘ PHẬN NHÂN SỰ

Trong những năm gần đây, bộ phận nhân sự đã đóng một vị trí quan trọng trong Ban Lãnh Đạo. Tuy nhiên cũng không vì thế mà bộ phận này được đánh giá đúng so với giá trị tạo ra. Một cuộc khảo sát đã chỉ ra rằng, hơn 1/5 các chuyên gia nhân sự không cảm nhận được tầm quan trọng của họ trong tổ chức. 

Lý do chính có thể là vì bộ phận nhân sự không trực tiếp tạo ra lợi nhuận như những bộ phận khác. Tuy nhiên, nguồn nhân lực tài năng mà họ mang về lại là một trong những yếu tố giúp tăng lợi nhuận, hiệu suất và năng suất. Chính vì thế, các CEO cần nhìn nhận đúng hơn về bộ phận này, về những đóng góp vào trải nghiệm của nhân viên và sự cải thiện của công ty.    

Alex Sampson, thuộc Hiệp hội Y tế đã chia sẻ rằng: “Những CEO coi trọng Giám đốc Nhân sự (CHRO) thường có mối quan hệ tốt với nhân viên trong doanh nghiệp”.

Dưới đây là 3 cách giúp các CEO truyền cảm hứng nhiều hơn cho CHRO và bộ phận Nhân sự trong doanh nghiệp:

 

 

Thay đổi tư duy để nhìn nhận đúng giá trị

Nhân sự thường được xem là bộ phận chỉ lấy đi lợi nhuận của công ty. Chính vì tâm lý này đã làm giảm các đánh giá tổng thể về những giá trị mà bộ phận Nhân sự tạo ra. Trong tương lai, nhân sự sẽ là bộ phận cốt lõi của tổ chức nhằm hạn chế các nền văn hóa độc hại có thể xảy ra trong doanh nghiệp.

 

Làm việc với các giám đốc nhân sự như các đối tác trong quá trình ra quyết định

Thông thường, các CEO sẽ đưa ra quyết định về nhân sự mà không cần thông qua bộ phận Nhân sự. Nhưng khi mọi việc trở nên sai lệch, thì bộ phận Nhân sự sẽ phải là người chịu trách nhiệm. 

Julie Jensen, người sáng lập và hiệu trưởng tại Movie HR Strategy đã chia sẻ rằng: “Theo kinh nghiệm của tôi, có quá nhiều CEO không hiểu đầy đủ giá trị mà bộ phận Nhân sự mang lại cho doanh nghiệp. Những kinh nghiệm hạn chế và thành kiến cá nhân đã khiến họ không thể nhận ra việc bộ phận Nhân sự có thể xác định và xây dựng những thế hệ lãnh đạo tiếp theo, đổi mới và tạo ra chiến lược để tuyển dụng và giữ chân nhân tài”.

David Hogan, nhà sáng lập của Confideli, đã chia sẻ theo kinh nghiệm của một CEO rằng: “Thông qua các nhận xét và hành động của CEO, họ có xu hướng tin tưởng vào khả năng điều hành tổ chức theo cách mà họ thấy phù hợp và chỉ tìm kiếm phản hồi để tạo ấn tượng với đội ngũ lãnh đạo”. 

Thật không tốt nếu một CEO cho rằng họ hiểu biết hết các công việc liên quan đến nhân sự. Chính vì thế, họ cần thay đổi tư duy để coi các CHRO như một người cố vấn chiến lược hoặc đối tác thay vì là rào cản. Và nếu họ không làm như vậy thì công ty sẽ có nguy cơ chịu tổn thất nặng nề.

 

Ủng hộ và tin tưởng vào những đề xuất của bộ phận Nhân sự

Bộ phận Nhân sự được xem là “mạch máu” của tổ chức. Đây là trung tâm phản hồi để nhân viên nói lên mối quan tâm, ý tưởng và quan điểm của họ. Từ đó, bộ phận Nhân sự sẽ có biện pháp điều chỉnh và thay đổi để nâng cao trải nghiệm tại nơi làm việc. Và nếu CEO hoặc các bộ phận khác không coi trọng bộ phận Nhân sự thì nhân viên cũng sẽ đánh giá không cao bộ phận này, dẫn đến việc họ không mạnh dạn đưa ra các ý kiến, ý tưởng của mình. 

Mặc dù Nhân sự là bộ phận quan trọng trong sự thành công của công ty, là tiếng nói chung của công ty, là đại sứ định hướng văn hóa doanh nghiệp, nhưng hầu hết mọi người đều hiểu lầm công việc của họ chỉ xoay quanh tuyển dụng. Mặc dù tuyển dụng là một phần quan trọng của Nhân sự, nhưng theo EY, 86% thời gian của Nhân sự dành cho các nhiệm vụ quản trị và hoạt động bao gồm: 

Đảm bảo pháp chế.

Xây dựng không gian làm việc an toàn.

Đào tạo.

Cập nhật và bảo mật tài liệu, hồ sơ.

Thực thi các giá trị cốt lõi trong các quyết định.

Làm “cầu nối” giữa quản lý và nhân viên.

Xây dựng mối quan hệ với đối tác.

Duy trì sự hài lòng và gắn bó của nhân viên. 

Bước vào thời kỳ mới, nhân viên được xem là tài sản quý giá của công ty. Và bộ phận Nhân sự được xem là chiếc “chìa khóa” nắm giữ điều này. Chính vì thế, CEO cần hỗ trợ, hợp tác và truyền cảm hứng nhiều hơn cho bộ phận Nhân sự của doanh nghiệp mình. Trong khi đó, các CHRO cũng cần nỗ lực phát huy tốt vai trò của mình để tạo được tiếng nói riêng trong doanh nghiệp.

 Nguồn: Forbes

Bài viết được quan tâm

Bài viết mới nhất

Trang trên 383