Bỏ việc để theo đuổi ước mơ đa phần là ý tưởng cực kỳ ngu xuẩn!

“Tôi chỉ dũng cảm và làm liều thôi”. Thông thường bạn sẽ được nghe phát ngôn này từ những doanh nhân giàu có, ngôi sao hàng đầu hay những nghệ sĩ thành công. Nhưng thực tế, đây chỉ là lời nói dối!

Không lâu trước đây, bạn của tôi là Bryan đã quyết định từ bỏ công việc technical writer (công việc liên quan tới viết lách như: Viết tài liệu nội bộ, tạo ra các tài liệu hỗ trợ khách hàng hoặc chịu trách nhiệm phát triển nội dung blog) tại một tập đoàn nằm trong danh sách Fortune 500 với mong muốn làm một điều gì đó mới mẻ.

Trong ngày làm việc cuối cùng, các đồng nghiệp của Bryan có suy nghĩ lẫn lộn, người thì tỏ ra ghen tị, một số khác lại bày tỏ sự ngạc nhiên. Họ không thể tin nổi Bryan lại nghỉ việc - một quyết định thực lớn lao và quan trọng trong sự nghiệp của anh ấy. Tuy nhiên sự thật là Bryan đã lên kế hoạch cho khoảnh khắc này từ... 10 năm trước.

Với bất kỳ ai, nếu từng đọc qua một vài cuốn sách kinh doanh, lắng nghe được câu chuyện tự thân lập nghiệp của những những bậc thầy trên thương trường hay gặp lại một người bạn cũ thành đạt, rất có thể bạn sẽ được nghe cùng một cụm từ đó là: “Tôi chỉ dũng cảm và làm liều thôi”.

Cụm từ này được nhắc đi nhắc lại nhiều lần khi nói về những câu chuyện thành công điển hình. Đây là vấn đề liên quan tới việc dám chấp nhận rủi ro, mạo hiểm và nhận lại thành quả.

Thông thường bạn sẽ được nghe phát ngôn này từ những doanh nhân giàu có, ngôi sao hàng đầu hay những nghệ sĩ thành công. Nhưng thực tế, đây chỉ là lời nói dối!

Thành công thường đến rất muộn

Trong một buổi phỏng vấn mới đây, tôi đã được hỏi rằng anh đã trở thành một cây viết toàn thời gian như thế nào? Người phóng viên muốn biết lý do lớn nhất để tôi theo đuổi đam mê của mình là gì?

Ngay lập tức tôi trả lời: “Không có. Không có điều gì quá to lớn cả. Chỉ đơn giản là sự cộng hưởng của hàng loạt những thứ nhỏ bé qua thời gian".

Tôi không có khoảnh khắc giống như Jerry Maguire (Một nhân vật trong bộ phim điện ảnh cùng tên khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp, Jerry Maguire quyết định từ bỏ mọi thứ để có thể sống và hành động theo đúng với cảm nhận của mình), cũng không có những tuyên bố hùng hồn với cả thế giới rằng mình đã thay đổi mọi thứ.

Tuy nhiên khi bắt đầu nhìn nhận một cách chân thực về thành công, tôi nhận ra rằng để đạt được một điều gì đó, luôn cần đến những chiến lược chậm và chắc.

Vào năm 1975, Bill Gates thành lập nên Microsoft. Tuy nhiên phải tới 6 năm sau đó, ông mới ký được hợp đồng với IBM.

Tiếp theo phải mất 5 năm nữa công ty mới IPO và giúp Bill Gates trở thành triệu phú, kết quả ông được cả thế giới tung hô là vĩ nhân đạt được “thành công chỉ qua một đêm”.

Với Steve Jobs, thành công thậm chí đến với ông muộn hơn rất nhiều. Khởi nghiệp cùng Steve Wozniak và thành lập nên Apple Computer vào năm 1976 nhưng không có gì nổi bật cho tới năm 1984 với sự ra đời của Macintosh. Sau đó, Steve Jobs thậm chí đã bị đuổi khỏi Apple và khi quay trở lại ông mới tìm được thành công cho mình.

Một câu chuyện khác trong giới công nghệ là về 2 nhà sáng lập Google là Larry Page và Sergey Brin. Họ khởi nghiệp công ty vào năm 1996 và phải 8 năm sau đó công cụ tìm kiếm Google mới đánh bại tất cả đối thủ cạnh tranh và hoàn thành thương vụ IPO với vốn hoá thị trường lên tới 23 tỉ USD.

Cả 3 câu chuyện kể trên đều phù hợp với những gì nhà nghiên cứu K. Anders Ericsson gọi là học thuyết “luyện tập thận trọng” và “quy luật 10.000 giờ”.

Trong nghiên cứu của mình, Ericsson đã tranh luận rằng với những ai muốn trở thành một chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó, họ cần ít nhất 10.000 giờ luyện tập và thực hành.

Nói cách khác, trước khi bỏ việc hay tạo ra một bước thay đổi mới trong sự nghiệp của mình, hãy dành một khoảng thời gian để xây dựng và rèn luyện tất cả những kỹ năng cần thiết để làm tốt công việc đó.

Tuy nhiên hiện nay, với sự gia tăng không ngừng của những công ty khởi nghiệp công nghệ cùng việc dễ dàng khởi đầu một doanh nghiệp trực tuyến - chúng ta vẫn bị ám ảnh bởi suy nghĩ dám liều lĩnh, dũng cảm là có thể thành công.

Tại sao ư? Bởi tất cả mọi người xung quanh chúng ta đều có cùng suy nghĩ cho rằng để có được một sự nghiệp thành công rực rỡ, chắc chắn người đó đã dám “đánh cược” với cuộc đời mình và sau đó nhận lại thành quả to lớn. Tuy nhiên, thực tế không phải lúc nào cũng diễn ra như vậy!

Tiến sỹ Robert Maurer - tác giả cuốn “One Small Step Can Change Your Life” đã tranh luận rằng chúng ta luôn yêu thích ý tưởng về những thay đổi lớn, thậm chí ngay cả khi nó có thể gây ra tổn hại cho bản thân. Tuy nhiên đây không hẳn là cách những thay đổi to lớn nhất xảy ra.

Tiến sỹ Maurer thậm chí còn đưa thêm dẫn chứng về “kaizen” - một thuật ngữ kinh tế của người Nhật, được ghép bởi từ “kai” có nghĩa là thay đổi và từ “zen” có nghĩa là tốt hơn, tức là “thay đổi để tốt hơn” hoặc “cải tiến liên tục”.

Thay vì cố gắng giảm cân nhanh chóng, hãy kiên trì luyện tập mỗi ngày 1 phút, 2 rồi 3 phút… Qua thời gian, một chuỗi những thay đổi nhỏ sẽ tập hợp thành một điều lớn lao và bền vững.

Nhà triết học Aristotle cũng từng nói rằng: “Chúng ta là những gì mà chúng ta thường xuyên làm. Vì vậy sự hoàn hảo là thói quen chứ không phải hành động. Nếu làm một điều gì đó đủ lâu - bất kể điều gì, dần dần nó sẽ trở thành thói quen".

Nếu không nên liều lĩnh chấp nhận rủi ro, vậy bạn nên làm gì?

Đầu tiên, hãy bắt đầu bằng những việc nhỏ - thật nhỏ. Hầu hết mọi người nghĩ rằng muốn có một điều gì đó tuyệt vời, chúng ta phải làm những điều lớn lao. Tuy nhiên, điều này không đúng.

Mỗi ngày, rất nhiều người liều lĩnh theo đuổi những ước mơ của họ và đều mắc phải sai lầm này. Do đặt ra những mục tiêu "trên trời" mà không tiến hành những bước ban đầu cơ bản nhất. Và kết quả họ gặp thất bại.

Thứ hai, hãy tạo lập cho mình một thói quen. Mọi thứ đều phải trả qua thực hành. Và càng làm nhiều, mọi việc sẽ càng trở nên dễ dàng hơn. Các thói quen luôn khiến mọi thứ trở nên dễ dàng và khiến chúng ta trở nên tốt đẹp hơn.

Cuối cùng, hãy ghi nhớ rằng khi nỗ lực trau dồi kỹ năng những gì bạn nhận lại được không phải là bước nhảy vọt bấp bênh mà là một cây cầu vững chắc được xây dựng hết sức thận trọng qua thời gian.

Dĩ nhiên điều này không thể khiến bạn trở thành hình mẫu cho một câu chuyện thành công tuyệt vời nhưng nó là cách tốt nhất để có thể tồn tại lâu dài!

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của Jeff Goins - một doanh nhân, tác giả cuốn sách nổi tiếng The Art of Work.

Source Medium.com

Bài viết được quan tâm

Bài viết mới nhất

Trang trên 384