Thương hiệu quốc gia chính là hệ quả của những gì quốc gia đó đã, đang và sẽ làm, đồng thời truyền thông tốt những điều đó cho thế giới.
Và như vậy đòi hỏi ta phải có một chiến lược quốc gia với định vị thương hiệu rõ ràng và thống nhất từ trên xuống và dưới lên, từ trong ra và ngoài vô. Làm thế nào để chúng ta có thể huy động được sức mạnh tổng lực của hơn 84 triệu người dân cùng chung tay tìm ra lời đáp cho câu hỏi: “Việt Nam nên là cái gì của thế giới?”.
Chúng ta dễ dàng nhìn thấy cách trả lời câu hỏi này từ quốc gia láng giềng Singapore. Đảo quốc sư tử này đã trở thành một trung tâm mua sắm của thế giới, một trung tâm hội nghị của thế giới, một trung tâm tài chính của khu vực… và đang có tham vọng từng bước trở thành “cầu nối” quan trọng cho giao thương giữa châu Á và thế giới. Trong 42 năm qua, họ đã trả lời rất tốt câu hỏi này và đang nỗ lực để tiếp tục trả lời thành công câu hỏi này trong 42 năm sắp tới.
Có lẽ, cách thức hiệu quả nhất mà nhiều quốc gia đã thực hiện thành công trong việc tạo dựng thương hiệu quốc gia chính là việc kết nối, tích hợp từng thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu địa phương, thương hiệu ngành vào cùng một chuỗi giá trị với thương hiệu quốc gia trong một chỉnh thể thống nhất. Như thế, chính thương hiệu quốc gia sẽ tiếp thêm sức mạnh cho từng thương hiệu doanh nghiệp trong quốc gia đó. Nhưng quan trọng hơn, chính thương hiệu doanh nghiệp lại là những viên gạch để góp phần xây nên ngôi nhà thương hiệu quốc gia.
Trong công thức trên, chuỗi câu hỏi “Đất nước tôi là cái gì của thế giới?”; “Ngành nghề của tôi là cái gì của đất nước tôi và của thế giới?”; “Địa phương tôi là cái gì của đất nước tôi và của thế giới?”; “Doanh nghiệp tôi là cái gì của địa phương, của Việt Nam và của thế giới?”, là chuỗi những câu hỏi đang thúc bách mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp, mỗi ngành, mỗi địa phương... Những câu hỏi ấy, bắt đầu cho việc kích hoạt suy nghĩ của chúng ta, những người đang tâm huyết cùng khát vọng đưa Việt Nam lên một tầm cao mới trong cuộc đua tranh toàn cầu.
Chính chúng ta phải tự quyết định vấn đề của mình. Những ý kiến từ bên ngoài cho dù quí giá hay quan trọng nhưng cũng chỉ để tham khảo. Và không ai có thể thay thế được vai trò chủ nhà của mình trong việc khẳng định “tôi là ai” và “ta là cái gì” của thế giới.
Một quốc gia chỉ có thể hùng mạnh khi tham gia giải quyết vấn đề của thế giới thông qua việc cung cấp các sản phẩm và dịch vụ của mình cho thế giới. Việt Nam đã là một phần của thế giới và thế giới cũng đang là một phần của Việt Nam. Trong sự dịch chuyển thú vị này, Việt Nam nên là cái gì, sẽ là cái gì và phải làm cái gì của thế giới. Đó là câu hỏi dành cho tất cả chúng ta.
Theo Giản Tư Trung / Tuổi Trẻ