Khối lượng công việc mà CEO trong thời đại mới phải đương đầu ngày một tăng cao, điều họ cần không phải việc đang có bao nhiêu cố vấn xung quanh họ mà là lượng kiến thức, kỹ năng cần có để đáp ứng nhu cầu công việc. Vậy tại sao không chia sẻ trách nhiệm của mình cho một CEO khác đồng điều hành?
“Hai cái đầu” – “Hai chiến lược” không phải lúc nào cũng tốt hơn. Nghiên cứu của đại học George Washingon được tiến hành để xem liệu Co-CEOs có phải là câu trả lời cho tỷ lệ thất bại cao của thế hệ thứ 2 của các doanh nghiệp gia đình không? Câu trả lời là: thỉnh thoảng.
Thực tế thì khi 2 CEO làm việc trong một môi trường làm việc đòi hỏi sự nhanh chóng và đưa ra các quyết định kịp thời, việc chờ đợi một CEO khác thông qua quyết định sẽ khiến quá trình vận hành kém linh hoạt hơn. Nhân viên cũng sẽ gặp các khó khăn nhất định khi làm việc cùng lúc với 2 “sếp tổng”.
Tuy nhiên, một số người thấy điều này thực sự có lợi cho tổ chức khi cả 2 CEO phối hợp nhịp nhàng công việc với nhau. Và đây là 5 yếu tố quyết định mà đồng CEO cần ghi nhớ để có được cơ hội thành công cao nhất khi làm việc cùng nhau:
1. Trả lời được câu hỏi “Tại sao?”
Karen Kimsey-House and John Vercelli đã chia sẻ quyền lãnh đạo tại Viện tư vấn đào tạo (CTI) từ năm 2015. Từ khi được thành lập vào năm 1992, CTI đã từng được điều hành bởi không chỉ một mà có lúc là bởi hai lãnh đạo, do vậy nhân viên công ty không còn quá xa lạ với chuyện này. Đến bây giờ, Karen Kimsey-House and John Vercelli đều chắc chắn rằng cả 2 “hệ năng lực” của họ đều cần thiết để phát triển công ty. Họ chia sẻ: “Chúng tôi thấy rằng tính tổng thể luôn tốt hơn việc góp nhặt những phần rời rạc lại với nhau”.
Nhà tư vấn chiến lược Allan Cohen, giáo sư bộ môn quản trị của Đại học Babson chia sẻ: “Đó hẳn là một lý do lớn để cùng lãnh đạo hiệu quả trong một công ty”. Co-CEOs hiểu rằng một người khó có tất cả các câu trả lời. Một vị lãnh đạo có thể mang một bộ năng lực đặc thù và sẽ quản lý tốt hơn ở một lĩnh vực nào đó so với người kia. Nhưng cần phải hình dung một cách rõ ràng về nguyên do tại sao việc cùng lãnh đạo lại mang đến hiệu quả cao hơn. Ông nói “Mọi việc sẽ không thể hoạt động hiệu quả nếu như chúng ta quá cạnh tranh và không biết cách phát huy thế mạnh của mình để bổ sung cho nhau một cách phù hợp.”
2. Xác định những lằn ranh và viễn cảnh tồi tệ nhất.
“Một trong những điều đầu tiên cần làm là sự phân công trách nhiệm” - theo lời nhà quản lý, huấn luyện viên Rhett Power, tác giả cuốn sách “Hành động của Doanh nhân”. Mối quan hệ sẽ thiếu bền vững nếu các Co-CEOs thường xuyên lấn quyền của nhau. Việc xác định rõ ràng phạm vi quản lý và quy định cụ thể trên văn bản sẽ giúp giải quyết các tranh chấp về sau.
Điều quan trọng là phải xử lý như thế nào khi tình huống xấu nhất xảy ra. Sẽ ra sao nếu như có sự bất đồng về quan điểm khi đưa ra quyết định quan trọng trong công ty? Có hội đồng cố vấn chuyên môn nào can thiệp không? Ai sẽ là người cuối cùng quyết định nếu không có được sự đồng thuận? Và điều gì xảy ra nếu đồng Co-CEOs không còn phù hợp với công ty nữa?
Đó chính là những câu hỏi tranh luận cần thiết giữa các Co-CEOs để có thể cùng điều hành doanh nghiệp hiệu quả.
3. Chú ý đến việc phân chia quyền lực
Các Co-CEOs cũng cần phải lưu ý đến việc phân chia trách nhiệm, một số nhiệm vụ quan trọng như định hướng chiến lược, đưa ra các quyết định đầu tư lớn, hay tuyển dụng nhân sự chủ chốt… cần được phân chia đồng đều. Vì nếu như “cán cân quyền lực” nghiêng nhiều về phía một người thì người còn lại sẽ mang tâm lý hữu danh vô thực, dẫn đến những mâu thuẫn trong nội bộ. Do đó, trách nhiệm có thể sẽ được phân định dựa theo các năng lực của từng vị CEO, nhưng các quyết định vẫn sẽ đòi hỏi sự thống nhất của cả 2 CEOs.
4. Hiểu rõ phong cách giao tiếp
Những người đứng đầu thương hiệu Digital Brand Architects, Co-CEOs Karen Robinovitz và Raina Penchansky cho biết “hiểu lầm là chuyện chắc chắn sẽ xảy ra, vậy nên đòi hỏi các Co-CEOs cần thường xuyên thiết lập các phương thức giao tiếp hiệu quả”. Trong khi Robinovitz làm việc ở New York, còn Penchansky làm việc ở Los Angeles, họ đã cùng nhau dẫn dắt đội ngũ 50 nhân viên của mình chỉ bằng vài cuộc gọi mỗi ngày.
“Thậm chí khi 2 CEOs có quan điểm giống nhau về hầu hết mọi thứ, sẽ vẫn có thời điểm cần sự thỏa hiệp”, theo lời Robinovitz. Các Co-CEOs cần hiểu phong cách giao tiếp của nhau, chú ý đến các biểu hiện cảm xúc ví dụ như mức độ phản ứng của đối phương khi bị ép buộc, điều đó sẽ giúp làm giảm xung đột. “Chúng tôi hiểu giọng điệu của người kia và biết điều đó có nghĩa gì, người đó có thể cảm thấy như thế nào. Giống như trong một cuộc hôn nhân, bạn biết khi nào phải lùi lại, khi nào phải tiến gần, và cùng nhau trò chuyện”, Robinovitz chia sẻ. Khi các đồng CEO thật lòng biết được cả hai đều có tầm quan trọng trong công ty, họ có thể buông bỏ đi những khó khăn và những điều không quan trọng.
5. Rõ ràng về sự “phân quyền” trước toàn đội ngũ nhân viên
Vai trò của các Co-CEOs cần được làm rõ và thông báo cho toàn thể công ty. Nếu nhân viên nhận được những thông tin hỗn độn, họ dễ dàng mất đi niềm tin vì nghĩ rằng có sự xung đột giữa 2 CEOs.
Điều quan trọng là các Co-CEOs đều cần phải cùng thống nhất trên mọi phương diện dù có mâu thuẫn xảy ra hay không.
Nguồn Fastcompany