TT - "Tôi cảm ơn bài viết đã chuyển tải thông điệp: con người không phải được đánh giá bằng danh phận mà bằng chính những việc anh ta đã làm, trên Tuổi Trẻ ngày 14-7. Tôi đọc đi đọc lại”. Giản Tư Trung bắt đầu cuộc trò chuyện với Nhịp sống trẻ như thế.
* Anh nghĩ như thế nào về khái niệm 8X - thế hệ của những con người sinh ra trong thập niên 1980?
- Khi Đại học Kinh tế TP.HCM tổ chức diễn đàn 8X và khai trương website 8X, được mời đến để giao lưu, tôi hỏi các bạn sinh viên: “Vì sao 8X lại được quan tâm nhiều hơn, nhắc đến nhiều hơn và kỳ vọng nhiều hơn so với các thế hệ 6X, 7X hay 9X?”, các bạn đưa ra khá nhiều lời giải: 8X tự tin hơn, 8X năng động hơn, 8X sáng tạo hơn...
“Không hẳn là như vậy”, tôi bảo và trình bày quan điểm của mình: 8X là thế hệ đầu tiên sinh ra và lớn lên trọn vẹn trong hòa bình; trưởng thành trong thời đại mở cửa, hội nhập và toàn cầu hóa, là thế hệ có nhiều khả năng và điều kiện nhất để tiếp cận và lĩnh hội những tinh hoa của thế giới. Và vì vậy mọi người đều kỳ vọng thế hệ này có thể làm nên những điều kỳ diệu cho đất nước.
* Mọi người kỳ vọng, còn anh?
- Hoài bão, nhiệt huyết thì có thừa và nhiều bạn đã nhìn thấy trước tương lai của mình. Nhưng một số bạn vẫn còn lúng túng trong việc xác lập con đường phía trước. Lý tưởng cống hiến sẽ tuyệt vời hơn nếu đặt “cái riêng” nằm trong “cái chung” của đất nước. Điều mà một quốc gia lo sợ đó là thế hệ trẻ của mình không mang trong mình những khát vọng lớn.
* Nhiều người bảo 8X thực dụng, anh nghĩ sao?
- Thực dụng cũng chưa hẳn là xấu, vấn đề là bạn kiếm được cái gì, bằng cách nào và có mang lại gì cho cái chung hay không. Nếu biết đặt cái riêng trong cái chung thì thực dụng cũng tốt. Nếu không thực dụng, tôi nghĩ mình đang theo đuổi một lý tưởng không rõ ràng một cách mù quáng. Nhiều ông tỉ phú Nhật được mọi người tôn trọng và xem là anh hùng dân tộc đấy, tại sao?
Chẳng hạn như trước khi có thương hiệu Sony, ông tỉ phú Nhật thắt lưng buộc bụng để làm ra một sản phẩm điện tử mang thương hiệu Nhật Bản và làm lợi cho đất nước mình, dân tộc mình. Ông Sony kiếm được 1 đồng thì đã mang về cho Nhật Bản 1.000 đồng. Bill Gates cũng thực dụng, nhưng nhờ ông mà cả thế giới mới có Windows để dùng chứ...
* Đang giữ một vị trí rất “ngon lành” ở một tập đoàn lớn, chuyển sang Ủy ban Chứng khoán nhà nước rồi lại nhảy ra thành lập doanh nghiệp riêng, phải chăng hình ảnh mà 8X bị ảnh hưởng khá lớn hiện nay là trở thành ông chủ?
Giản Tư Trung thời sinh viên là phó bí thư Đoàn Trường ĐH Tài chính kế toán, lại vừa bươn chải kiếm sống (làm thợ sơn bảng, thợ chụp ảnh, lập cơ sở nhựa tại Chợ Lớn...) rồi học cao học...
Trung đã qua ba trong số bốn tập đoàn tư vấn quản lý hàng đầu thế giới (KPMG, DTT, PWC), làm việc tại Ủy ban Chứng khoán nhà nước ở Hà Nội. Trung quan niệm: kinh doanh không đơn thuần là chuyện kiếm tiền.
Và Công ty PACE đã ra đời với “sứ mạng”: “Góp phần đưa kiến thức của thế giới vào VN để phát triển con người cho các doanh nghiệp tại VN”.
- Tôi nghĩ: con người ta suy cho cùng là phải làm những gì mình giỏi nhất, làm công hay làm chủ thì chẳng có gì để phân biệt. Vấn đề là làm thế nào để tạo ra giá trị nhiều nhất cho mình và cho xã hội mà thôi.
Một quốc gia muốn phát triển không chỉ có doanh nhân mà cần có những bác sĩ giỏi, những kỹ sư tài năng, những nhà khoa học vĩ đại, nhà văn và nhà báo lớn... Tôi nói giỏi là hơi khiêm tốn, một đất nước vĩ đại cần có nhiều con người vĩ đại trong mọi ngành nghề, mọi lĩnh vực...
* Anh có nhận ra một luồng sinh khí mới: du học sinh 8X đầu (sinh năm 1980) đang quay về làm việc ở VN?
- Có nhiều là đằng khác.
* Theo anh, việc trở về của họ có trở ngại gì không?
- Có lần tôi sang Anh, “bị” các du học sinh tóm được, họ thiết kế ngay một buổi giao lưu. Trong số hơn 450 du học sinh VN có mặt tại Trường Kinh tế chính trị London hôm đó, một số bạn hỏi tôi: “Liệu chúng em có hòa nhập được với xã hội VN sau khi đi học lâu quá không?”. Tôi hỏi lại: Các bạn có nghĩ mình là người Anh không? Người Anh có coi các bạn là người Anh không? Các bạn chôn nhau cắt rốn ở đâu? Ngôn ngữ nào các bạn giỏi nhất? Các bạn có ăn nước mắm, cà pháo mắm tôm không?... Vậy thì không có lý do gì để khó hòa nhập khi trở về.
* Cuối cùng thì anh chờ đợi điều gì ở 8X?
- Chúng ta vừa kỷ niệm 30 năm thống nhất đất nước. Hôm ấy, tôi ngồi lặng nghe về những quá khứ hào hùng và anh dũng của thế hệ cha anh. Tôi lại mơ đến ngày kỷ niệm 60 năm thống nhất đất nước, sẽ “chống gậy” đi để được nghe một trang sử vẻ vang mới của một dân tộc mạnh mẽ do thế hệ 8X làm nòng cốt viết lên...
* Cảm ơn anh.