TTCT - “Để canh tân nền giáo dục, trước hết cần phải định nghĩa lại vai trò của các chủ thể giáo dục, định nghĩa lại người dạy và người học, định nghĩa lại nhà trường và hiệu trưởng, nhìn nhận lại cả vai trò của Nhà nước trong hệ thống giáo dục”.
Ông GIẢN TƯ TRUNG, người sáng lập Tổ chức giáo dục PACE kiêm chủ nhiệm chương trình Hạt giống lãnh đạo IPL, đã mở đầu như thế trong bài tham luận cho một hội thảo quốc tế về khoa học giáo dục tại Tokyo sắp tới mà ông là một trong ba diễn giả chính. TTCT có cuộc trò chuyện với ông về những đề tài này.
Người học phải là ông chủ của quá trình giáo dục
* Vấn đề cải cách giáo dục thật ra không mới vì đã được nói nhiều, bàn nhiều và làm nhiều trong nhiều thập niên qua nhưng kết quả vẫn chưa như mong đợi. Theo ông, cải cách giáo dục nên bắt đầu từ đâu?
- Theo quan điểm riêng của tôi, nên bắt đầu từ cách tiếp cận vấn đề. Cách tiếp cận có khi còn quan trọng hơn là cách giải quyết vấn đề. Phải tiếp cận từ gốc đến ngọn, từ tổng thể đến cụ thể và từ dài hạn đến ngắn hạn. Dựa trên cách tiếp cận này, tôi cho rằng trước tiên cần phải làm rõ ba điểm quan trọng nhất sau đây: Đâu là triết lý giáo dục? Đâu là vai trò đúng nghĩa của các chủ thể giáo dục (gồm bốn chủ thể chính là Nhà nước, nhà trường, nhà giáo và người học)? Và đâu là một chiến lược giáo dục lâu dài cho cả đất nước?
* Thưa ông, đã có nhiều diễn đàn bàn về triết lý giáo dục, nhưng...
- Nền giáo dục nào cũng đã và đang có triết lý giáo dục của mình. Vấn đề là triết lý đó có phù hợp với nhu cầu của thời đại hay chưa. Nếu chưa phù hợp ta phải định danh lại. Và để định danh lại triết lý giáo dục, chúng ta cần trả lời ba câu hỏi: Thế nào là con người? Chúng ta muốn tạo ra những con người như thế nào? Và làm thế nào để tạo ra những con người như vậy? Đã đến lúc chúng ta cần ngồi lại để nghĩ cho đến tận cùng: chúng ta muốn tạo ra những con người như thế nào cho xã hội tương lai? Đó cũng chính là mục tiêu của giáo dục.
* Làm thế nào để chúng ta có thể tạo ra những con người mà ta muốn?
- Để làm được những điều này, trước tiên chúng ta cần phải định nghĩa lại vai trò và xác lập lại tâm thế của người học trong quá trình giáo dục là gì: là thụ động hay chủ động, là “nô lệ” hay “ông chủ” của quá trình giáo dục? Nguyên liệu đầu vào của quá trình giáo dục là người học, và sản phẩm đầu ra cũng là con người ấy nhưng có một tư duy khác, một kiến thức khác, một năng lực khác và một cách hành xử khác.
Vậy “nhà sản xuất” của quá trình giáo dục này là Nhà nước, nhà trường, nhà giáo hay chính bản thân người học? Tôi tin rằng “nhà sản xuất” chính là người học; còn Nhà nước, nhà trường, nhà giáo hay gia đình là chất xúc tác, là sự hỗ trợ cho quá trình tự giáo dục của người học.
Ngay từ thời thơ ấu, người học đã có thể được đặt vào môi trường mà ở đó họ có cảm giác được làm chủ quá trình học tập của mình để từ đó phát triển tư duy độc lập hòng biến kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm của những người khác thành “tài sản” của mình. Người học sẽ định nghĩa lại sự học và làm chủ được sự học của mình thông qua ba câu hỏi: Học để làm gì? Học những gì để đạt mục tiêu đó? Học như thế nào? Xa hơn, bản thân người học cũng cần biết rõ là mình muốn trở thành ai và làm sao để trở thành một con người như vậy.
Canh tân giáo dục: vai trò của nhiều “nhà”
* Thưa ông, liệu rằng khi đặt người học là “ông chủ” của quá trình giáo dục cũng đồng nghĩa với việc triệt tiêu vai trò của người thầy?
- Tôi vẫn thường tự hỏi: Như thế nào là một người thầy? Vai trò của người thầy trong thời đại ngày nay là gì? Nếu ta đã xác định vai trò của người học là người làm chủ quá trình giáo dục thì vai trò thật sự của người thầy là truyền cảm hứng học tập cho người học, cùng người học xây dựng mục tiêu nội dung và phương pháp học tập và góp phần khai sáng người học.
Đặc biệt hơn, người thầy phải là người tạo ra môi trường và hỗ trợ người học để họ có thể làm chủ được sự học của mình, làm chủ quá trình giáo dục mà họ tham gia vào. Khi đó sẽ không còn tình trạng thầy đọc - trò chép, thầy dạy những gì thầy biết hay những gì thầy muốn mà xã hội đang kêu than... Đó cũng chính là sự khác biệt giữa một “người thầy” và một “thợ dạy”.
* Nói như thế vai trò mới của nhà trường cũng trở nên kém quan trọng, thưa ông?
- Không đúng. Nhà trường cũng có vai trò riêng và không thay thế được. Vấn đề là mỗi nhà trường khác nhau sẽ có những sứ mệnh cụ thể khác nhau từ bậc tiểu học, phổ thông, đại học hay đào tạo nghề. Nhưng có một sứ mệnh chung nhất cho các nhà trường là tập hợp các nhà giáo, nhà nghiên cứu, chuyên gia... lại để tạo ra môi trường tốt nhất, điều kiện tốt nhất cho người học làm chủ sự học của họ. Đồng thời, nhà trường cũng là nơi xác lập những chuẩn mực về đạo đức và lương tâm của xã hội. Đây cũng chính là nơi sáng tạo, chia sẻ và truyền bá tri thức...
* Vậy vai trò của Nhà nước, theo ông, sẽ nằm ở đâu?
- Thường thì nhà nước ở các quốc gia phát triển đóng vai trò đưa ra những “luật chơi” (hệ thống pháp lý) nhằm đảm bảo hai điều quan trọng nhất trong lĩnh vực giáo dục. Trước hết là tạo cơ chế tốt nhất để các chủ thể giáo dục thực hiện đúng và thực hiện tốt vai trò của mình trong hệ thống giáo dục và trong quá trình giáo dục. Nếu luật chơi không phù hợp có thể sẽ “giết chết” vai trò của các chủ thể khác trong giáo dục. Song song đó, vai trò lớn của Nhà nước còn nằm ở việc định hình chiến lược giáo dục quốc gia và cùng các chủ thể giáo dục khác hiện thực hóa chiến lược này.
Chúng ta hãy thử hình dung một công ty làm chiến lược đào tạo trong 10 năm tới. Muốn vậy, họ cần phải có chiến lược nhân lực. Mà muốn có chiến lược nhân lực thì lại cần có chiến lược phát triển công ty trong 10 năm tới. Suy rộng ra, để có chiến lược giáo dục của quốc gia trong 50 năm tới, trước hết cần phải có một chiến lược nhân lực quốc gia và chiến lược này sẽ phải dựa trên chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội trong nửa thế kỷ tới.
Mô hình nào cho Việt Nam?
Thực chất định nghĩa lại giáo dục là quá trình nhận thức lại vai trò của các chủ thể trong giáo dục: từ Nhà nước đến nhà trường, từ người dạy đến người học. Hiện nay, chúng ta đang nỗ lực hết sức để canh tân giáo dục nhằm tạo ra những con người mong muốn. Nhưng liệu hiện chúng ta đã xác định đúng vai trò của mỗi chủ thể giáo dục hay chưa? Các chủ thể giáo dục có “đá lộn sân” nhau hay không?
Và nếu đã xác định đúng thì các chủ thể giáo dục liệu có đang thực hiện tốt vai trò của mình?... Khi những câu hỏi này được trả lời một cách thỏa đáng thì đó cũng là lúc mà nền giáo dục thật sự được canh tân.
GIẢN TƯ TRUNG
* Ông có nghĩ Việt Nam cần áp dụng một mô hình giáo dục của quốc gia phát triển hơn ta không?
- Mỗi quốc gia có những vấn đề và điều kiện, hoàn cảnh khác nhau nên phải có những giải pháp khác nhau. Khi có giải pháp khác nhau thì sẽ phải hình thành những mô hình khác nhau. Việt Nam ta cũng vậy. Tuy nhiên, chúng ta có thể học hỏi rất nhiều từ thế giới trong diễn trình canh tân giáo dục của mình, chứ không nhất thiết việc gì cũng phải... phát minh lại cái bánh xe, như cách mà nhiều người vẫn chia sẻ.
* Nói như vậy, giáo dục giống như một giải pháp kinh doanh, một loại hàng hóa phải không, thưa ông?
- Không, giáo dục không phải là hàng hóa. Người ta có thể bỏ tiền mua được bằng cấp chứ không mua được đẳng cấp. Người ta có thể bỏ ra học phí để mua được một khóa học nhưng không thể mua được nền tảng giáo dục cho bản thân mình.
Những thứ có thể mua được chỉ là môi trường, là chất xúc tác cho quá trình tự giáo dục của người học thôi. Còn giá trị nền tảng giáo dục của bản thân không chỉ đến từ học phí mà phải được tạo ra bằng thời gian, tâm trí, sức lực, trí thông minh... của người học.
* Riêng tư một chút, được biết ông đang tham gia một loạt dự án giáo dục nhắm vào hai đối tượng chính là những người thiệt thòi và những người xuất sắc. Tại sao lại như thế?
- Vì đó là những điều tôi thích. Điều quan trọng là các dự án này có thể thực hiện được các mục tiêu giáo dục đề ra và đồng thời có thể tồn tại bền vững hay không. Tôi nghĩ với những người có tố chất tốt, họ sẽ là những người có khả năng tạo ra những giá trị lớn cho xã hội sau này, do vậy hỗ trợ cho một người giỏi thì cũng có nghĩa là hỗ trợ cho nhiều người. Còn khi giúp đỡ người thiệt thòi thì góp phần giảm bớt gánh nặng cho xã hội. Và đối với người thiệt thòi, cái họ cần không chỉ là cái ăn, mà còn là giáo dục để thay đổi thân phận của mình.
* Xin cảm ơn ông.