Doanh nhân là người làm kinh doanh. Mà kinh doanh là kiếm tiền bằng cách phụng sự xã hội. Như vậy có thể hiểu rằng doanh nhân là người đi kiếm tiền bằng cách phụng sự xã hội thông qua việc giải quyết những vấn đề của xã hội đang gặp phải bằng những sản phẩm hay dịch vụ của mình, đồng thời không làm phương hại đến giá trị của xã hội.
Đây là tinh thần mà từ ngày thành lập đến nay, Trường Doanh Nhân PACE đã không ngừng nghỉ chia sẻ và lan tỏa đến hàng vạn doanh nhân trong hành trình sự học của họ.
Nhưng thực tế rằng không phải doanh nhân nào cũng thành công dù hiểu được điều trên. Thời thế đã thay đổi. Chúng ta chứng kiến biết bao sự sụp đổ trong nháy mắt mà trước đó không lâu doanh nghiệp còn ở vị trí dẫn đầu. Thời đại này là thời 4.0, thời của thực giả lẫn lộn (từ nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, từ nghĩa hẹp lẫn nghĩa rộng), thời của cơ hội to lớn và thách thức cũng khó lường. Ngoài việc hiểu đúng để làm đúng như trên, còn đòi hỏi doanh nhân phải làm tốt, thậm chí làm xuất sắc. Nói cách khác, để thành công, doanh nhân phải tạo ra được những sản phẩm hay dịch vụ có giá trị thực (điều kiện cần) và được xã hội tin dùng (điều kiện đủ).
Thế nào là một sản phẩm hay dịch vụ có giá trị thực?
Đó là khi sản phẩm hay dịch vụ ấy giúp giải quyết được vấn đề mà khi không có nó, vấn đề ấy thật khó để tự giải quyết hoặc không thể giải quyết. Nói theo ngôn ngữ của GS Clayton Christensen là “Job to be done” – người ta “thuê” sản phẩm hay dịch vụ của anh để giúp họ hoàn tất công việc gì? Nếu không rõ cái-công-việc-cần-hoàn-tất của khách hàng, thì chắc chắn sản phẩm hay dịch vụ của anh không có giá trị thực (dù có giá trị). Nói cách khác, một khi cách tiếp cận đã sai thì đừng bàn tiếp về kết quả.
Thế nào là được xã hội tin dùng?
Đó là khi sản phẩm hay dịch vụ ấy ngoài giá trị thực còn phải tốt hơn đối thủ và nằm trong khả năng đón nhận của khách hàng. Cụ thể là nó giúp khách hàng giải quyết được công-việc-cần-hoàn-tất nhanh hơn, rẻ hơn, khỏe hơn, đẹp hơn, gọn hơn… và cái nhiều cái hơn khác.
Nếu vế thứ nhất là tư duy đúng, thì vế thứ hai là năng lực đủ. “Combo” này đòi hỏi doanh nhân trước hết chinh phục được chính mình, sau đó mới đến vượt qua ai khác. Thậm chí với một số doanh nghiệp dẫn đầu, thì hơn-chính-mình quan trọng hơn nhiều so với hơn-đối-thủ. Và chỉ những người khôn ngoan mới hiểu được rằng vượt-qua-chính-mình là điều duy nhất nên tập trung vào.
Như vậy, làm doanh nhân trong thời 4.0 thực chất là hành trình tái-tạo-chính-mình để tái-tạo-doanh-nghiệp, sao cho doanh nghiệp tôi lãnh đạo có khả năng mang lại cho xã hội những sản phẩm hay dịch vụ đủ thực và đủ mạnh để khách hàng tin và lựa chọn lâu dài. Đồng thời, cần giữ vững vòng-lặp-tái-tạo để hành trình ấy diễn ra không chỉ một lần, mà bền vững.
Hành trình này bắt đầu từ đâu?
Từ góc nhìn bên ngoài chủ thể, một sự thay đổi nào cũng bắt đầu từ hai điểm: điểm nóng và điểm gốc. Điểm nóng là điểm cần dứt ngay, nếu không vấn đề sẽ lan mạnh và ngày càng khó giải quyết. Điểm gốc là nguyên nhân sâu xa mang tính hệ thống và gốc rễ. Thông thường, bệnh không nằm ở triệu chứng (điểm nóng), mà nằm ở hệ thống (điểm gốc). Khi chữa trị cần toa thuốc giúp xoa giảm triệu chứng (để bớt khó chịu) và cả toa thuốc mang tính toàn diện để giải quyết tận gốc rễ căn bệnh (triệt tiêu vấn đề). Người mua thuốc cần hiểu triết lý này để mua cho đúng thuốc, chứ đừng tiếc tiền mà chỉ giảm triệu chứng nhưng bệnh vẫn còn âm ỉ, để lâu là khỏi chữa luôn.
Từ góc nhìn nội tại bên trong chủ thể, tương tự như trên, sự thay đổi bắt đầu từ hai điểm: hành vi/thái độ (điểm nóng) và tư tưởng/mô thức (điểm gốc). Với điểm gốc, doanh nhân cần rà soát lại hết, thậm chí “định nghĩa lại” mọi khái niệm trong doanh nghiệp để xem mình có đang quản trị đúng không, rồi mới tính đến việc quản trị tốt.
Ví dụ như, doanh nghiệp của mình đang ở đâu, muốn đi đến đâu, bằng cách nào? Mình có đang là một doanh nhân không? Mà thế nào mới là doanh nhân? Mình có đang nhìn nhận đúng vấn đề của xã hội không? Phương pháp nào để nhìn nhận đúng? Mình có đang lãnh đạo không? Mà thế nào là lãnh đạo, nhất là lãnh đạo trong thời này rất khác với trước đây? Đội ngũ mình sở hữu có đủ lương tri, năng lực, và kinh nghiệm không? Làm thế nào để giúp họ có đủ những điều đó?... Doanh nhân thay đổi từ điểm gốc chính là đi tìm đáp án cho hàng loạt những câu hỏi, vấn đề được nêu lên đó.
Toàn bộ hành trình này (góc nhìn bên ngoài lẫn bên trong) là hành trình “lột xác” doanh nghiệp, mà thực chất chính là “lột xác” doanh nhân, là tái-tạo-chính-mình để tái-tạo-doanh-nghiệp, đưa doanh nghiệp từ “tốt” đến “vĩ đại”.
Chúc doanh nhân tiếp tục dấn thân không mệt mỏi trong hành trình gian nan nhưng ý nghĩa này!