Kiếm tiền hay phụng sự xã hội?

TT - Bà chủ một tiệm tạp hóa suốt ngày tất bật với việc mua mua bán bán mà chẳng kiếm được bao nhiêu. Nhưng sau nhiều năm nhìn vào mắt khách hàng, bà nảy ra ý nghĩ mới: tôi sẽ là người giải quyết vấn đề nhu yếu phẩm cho cả xóm, thì mọi chuyện thay đổi.

Khi đó, không chỉ tiền lãi thu được tăng cao mà “lợi nhuận” lớn nhất của bà là sự mến phục của mọi người đối với một người biết kinh doanh như bà.

Câu chuyện thứ hai về một cơ sở sản xuất tủ sắt (đựng hồ sơ). Một cơ sở bé xíu rất đỗi bình thường thì liệu có mang “sứ mệnh xã hội”? Trong một thời gian dài cơ sở của ông hoạt động bình thường, cho đến một ngày ông thay đổi cách nghĩ: tôi không bán tủ sắt, mà “bán giải pháp lưu trữ hồ sơ văn phòng”... Kể từ đó cơ sở của ông được lột xác và phát triển rất nhanh.

Bà chủ tạp hóa của khu phố nọ và Sam Walton (ông chủ tập đoàn bán lẻ sừng sỏ Wal-Mart) đều giải quyết nhu cầu mua sắm của xã hội thông qua việc mở cửa hàng bán lẻ. Họ chỉ khác nhau về phạm vi: xã hội của bà chủ là một khu phố, còn xã hội của Sam mang tầm cỡ thế giới.

Điều xã hội quan tâm không phải là doanh nghiệp kiếm được bao nhiêu tiền mà là doanh nhân đã mang lại gì cho cộng đồng. Trong sự nghiệp của mình, Bill Gates luôn trăn trở là giải quyết một số vấn đề công nghệ thông tin của thế giới. Và đương nhiên, tiền đã “đến” với ông rất nhiều khi xã hội thụ hưởng những tiện ích ngày càng tốt hơn với Microsoft Windows...

Nghiên cứu 25 huyền thoại doanh nhân thế giới cho thấy họ có quá nhiều sự khác biệt, nhưng đều có một triết lý chung: “kinh doanh là phụng sự xã hội”. Sự thật này cũng chính là lý do giúp họ trở thành các doanh nhân vĩ đại và doanh nghiệp của họ cũng vĩ đại và trường tồn.

Giản Tư Trung - (Theo Tuổi Trẻ)

Bài viết được quan tâm

Bài viết mới nhất

Trang trên 369