Nobel kinh tế 2014: Luật chơi chính phủ - đại gia

Đã có thời, chúng ta tin kế hoạch hóa tập trung là giải pháp tối ưu cho nền kinh tế. Tiếp đến là thời nhiều người không nghi ngờ rằng thị trường tự do mới là giải pháp duy nhất đúng. Đến khi phải đối mặt với những hiện tượng như độc quyền nhóm, dường như các niềm tin lại thay đổi.

Giải Nobel Kinh tế 2014 công bố ngày 14/10 đã vinh danh Giáo sư Jean Tirole, người đặt nền móng cho luật chơi giữa Chính phủ, thị trường, và các doanh nghiệp đại gia, đặc biệt trong cuộc chơi kiểm soát quyền lực thị trường của các doanh nghiệp độc quyền.

Vòng luẩn quẩn của niềm tin

Đã có một thời, chúng ta tin tưởng rằng kế hoạch hóa tập trung là giải pháp tối ưu cho nền kinh tế. Tất cả tuân theo kế hoạch của Chính phủ. Sản lượng nước mắm, sản lượng khăn mặt, hay sản lượng lốp xe đạp đều phải tuân thủ kế hoạch từ trung ương. Đến mức mà những khái niệm như cạnh tranh hay markering là hết sức xa lạ, ngay cả trong các trường đại học kinh tế.

Tiếp đến là thời kỳ mà nhiều người không hề nghi ngờ rằng thị trường tự do mới là giải pháp duy nhất đúng. Người ta thần thánh hóa khái niệm “bàn tay vô hình” hay khả năng tự điều tiết của thị trường mà không cần Chính phủ can thiệp.

Đến khi phải đối mặt với những hiện tượng như độc quyền nhóm, khi một vài doanh nghiệp thống lĩnh cả thị trường, thì dường như các niềm tin lại thay đổi. Người ta tin là để tăng lợi nhuận thì các nhà độc quyền sẽ tăng giá, và vì tăng giá nên xã hội sẽ bị thiệt hại. Chính phủ lại được cầu cứu để can thiệp vào thị trường.

Nhưng Chính phủ cũng không dễ can thiệp. Trên thế giới chẳng ai muốn để cho Micosoft độc quyền. Trên thực tế thì Microsoft vẫn độc quyền. Mọi người vừa dùng vừa ấm ức vì có cảm giác phải trả giá cho độc quyền. Liệu có một chính phủ nước nào đó đứng ra qui định mức giá cho sản phẩm của Microsoft? Có gì bảo đảm mức giá đó là giá hợp lý? Câu chuyện càng phức tạp nếu có một nhóm các doanh nghiệp thống lĩnh thị trường. Làm cách nào để các nhà độc quyền nhóm không liên kết với nhau tăng giá, đồng thời vẫn tạo động lực để mỗi doanh nghiệp cố trở nên hiệu quả hơn?

Đó là câu chuyện thị trường khi chưa có mô hình của Giáo sư Jean Tirole, người nhận giải Nobel Kinh tế 2014 và là người Pháp thứ ba nhận giải thưởng này.

Luật chơi tay ba: Chính phủ - thị trường - đại gia

Trong quá trình cạnh tranh trên thị trường, một số doanh nghiệp giỏi hơn sẽ lớn mạnh dần và chiếm vị thế thống lĩnh. Thị trường rơi vào thế độc quyền. Chính phủ lại phải can thiệp. Cách can thiệp thông thường nhất của các Chính phủ là quy định giá hay quy định mức lợi nhuận cho các nhà độc quyền.

Tuy nhiên, giải pháp trên bị chỉ trích khá nhiều. Qui định mức giá sẽ làm cho doanh nghiệp nào hiệu quả thu được siêu lợi nhuận, trong khi bảo vệ và miễn thuế cho các doanh nghiệp không hiệu quả. Kiểm soát lợi nhuận sẽ làm cho các doanh nghiệp mất động lực cắt giảm chi phí.


Chủ nhân Nobel Kinh tế 2014 Jean Tirole - Ảnh: Bloomberg

Từ thập kỷ 1980, hai nhà kinh tế người Pháp là Jean Tirole và Jean-Jacques Laffont đã nghiên cứu và năm 1993 công bố mô hình Laffont-Tirole về sự can thiệp của Chính phủ vào các nhóm độc quyền. Trong đó Chính phủ không kiểm soát giá, nhưng có những biện pháp cho doanh nghiệp chọn cơ chế giá và hợp đồng với doanh nghiệp để khuyến khích hạ giá.

Đó là mô hình phức tạp, kết hợp lý thuyết trò chơi, lý thuyết hợp đồng, lý thuyết về thông tin không cân xứng... nhưng rõ ràng có ý nghĩa thực tế. Từ thập kỷ 1990, nhiều chính sách ở Mỹ đã bắt đầu áp dụng mô hình này.

Trong nhiều năm sau đó, hai tác giả đã liên tục cụ thể hóa mô hình vào các ngành cụ thể như viễn thông và ngân hàng, cũng như vào các lĩnh vực của kinh tế sáng tạo.

Niềm hy vọng của người tiêu dùng

Người tiêu dùng luôn cảm thấy bị móc túi (dù có hay không) bởi độc quyền. Nhưng độc quyền vẫn tồn tại trên thế giới, dù là độc quyền tự nhiên hay độc quyền nhờ qui mô.

Mô hình của Laffont-Tirole đã có từ lâu nhưng ít được áp dụng, có lẽ một phần vì mức độ phức tạp vượt trên tầm các cơ quan quản lý, một phần vì người ta vẫn không tin lắm, và một phần vì những lý do nào khác...

Nhưng khi Jean Tirole được tôn vinh với giải Nobel Kinh tế năm nay, người tiêu dùng các nước lại hy vọng những cơ chế kiểm soát độc quyền sẽ được áp dụng, để họ giảm đi cảm giác bị móc túi.

Niềm an ủi cho Mỹ

Lần đầu tiên kể từ năm 1999, giải Nobel Kinh tế năm nay không có tên người Mỹ.

Tuy nhiên Mỹ là nơi đầu tiên ứng dụng mô hình Laffont-Tirole, và cả hai người Pháp đứng tên mô hình này là Jean-Jacques Laffont và Jean Tirole đều nhận bằng tiến sĩ tại Mỹ, người thứ nhất tại Đại học Harvard và người thứ hai tại trường MIT.

Giáo sư Jean Tirole (sinh năm 1953), Giám đốc Viện Kinh tế Công nghiệp, trường Đại học Kinh tế Toulouse. Ông nhận bằng Tiến sĩ tại trường MIT (Mỹ) năm 1981.

Người ta tin chắc là người nhận chung giải Nobel Kinh tế năm nay đáng lẽ là GS Jean-Jacques Laffont (sinh năm 1947), là người đồng hành cùng GS Jean Tirole. Đáng tiếc ông đã qua đời năm 2004 vì ung thư. Ông là người sáng lập Viện Kinh tế Công nghiệp, trường Đại học Kinh tế Toulouse, Ông nhận bằng tiến sĩ tại Đại học Harvard năm 1975.

Bùi Văn (Theo TNO)

Bài viết được quan tâm

Bài viết mới nhất

Trang trên 369