Thời của nghề Quản trị Nhân sự?

Trong bối cảnh ảm đạm của nền kinh tế, trong bối cảnh bộn bề khó khăn của doanh nghiệp, với nghề nhân sự, chữ “Thời” có thể hiểu theo hai cách, vừa là “thời cơ”, “thời thế” để thành “anh hùng” lại vừa là thách thức, hiểm họa của “thời loạn”…

Dù được hiểu theo cách nào thì những người làm trong lĩnh vực nhân sự (Human Resources / HR) cũng chỉ có 1 con đường, 1 cách thức duy nhất trong thời kỳ đầy khó khăn hiện nay: Thay đổi! Nhận định này được đưa ra trong bài tổng kết Hội thảo quốc tế chuyên về HR do Viện Nghiên cứu Giá trị Kinh doanh Toàn cầu của IBM tổ chức mới đây.

Ngay từ đầu, bài viết dài 8 trang này khẳng định: Chiếc ghế nhân sự trong mỗi tổ chức đang trở nên “nóng” hơn bao giờ hết bởi vì, suy cho cùng, mọi khó khăn, mọi vấn đề đều được giải quyết bởi con người. Do vậy, cùng một lúc HR phải đảm trách tốt hai vai trò: Vừa phải có khả năng truyền tải những tư tưởng mang tính chiến lược đến từng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, gia tăng nguồn lực hiệu quả cho tổ chức, đánh giá và tạo động lực cho nhân viên phát triển hơn trong bối cảnh tình hình kinh doanh càng trở nên bất ổn và đầy thử thách; Đồng thời lại phải bảo đảm các hoạt động hành chính-nhân sự đáng tin cậy với chi phí thấp và đáp ứng được nhu cầu của các đơn vị, các bộ phận trong toàn công ty.

“Trong môi trường kinh doanh ngày nay, sẽ là không hiệu quả nếu như HR chỉ tập trung vào một trong hai nhiệm vụ trên. Để góp phần vào sự thành công lâu dài của tổ chức, HR buộc phải có khả năng thực hiện tốt cùng lúc cả hai việc,” bài viết khẳng định.

7 yếu tố giữ chân nhân tài

1. Sứ mệnh: Cá nhân có thấy được mục đích, ý nghĩa của những công việc mà họ đảm nhận?

2. Cơ hội: Cá nhân có thấy được cơ hội tiến bộ hoặc được thừa nhận thành quả của mình?

3. Khích lệ: Cá nhân có tin rằng họ sẽ nhận được những phần thưởng tinh thần hay vật chất xứng đáng?

4. Ảnh hưởng: Cá nhân có nhìn thấy được vai trò của mình trong tổ chức?

5. Cộng đồng: Cá nhân có quan hệ tốt với đồng nghiệp ở môi trường làm việc?

6. Truyền thông: Cá nhân có được khai thác và sử dụng thông tin để làm việc hiệu quả?

7. Linh hoạt trong công việc: Cá nhân có được chủ động sắp xếp phương thức, địa điểm và thời gian làm việc?

Theo Dave Ulrich, Giáo sư Đại học Michigan (Hoa Kỳ), người được xem là có nhiều ảnh hưởng nhất thế giới trong lĩnh vực HR.

Nhân tài - mối quan tâm hàng đầu của HR

Thời nay, có 4 vấn đề quan trọng mà HR cần phải “tư duy lại”, trong đó, quan trọng nhất là tìm kiếm, phát triển và giữ chân nhân tài.

“Với tình hình kinh tế và chi phí gia tăng như hiện nay, chiến lược mở rộng quy mô không còn phù hợp nữa, hầu hết doanh nghiệp đều tập trung tinh gọn hoạt động của mình sao cho thật hiệu quả. Khi đó, công ty sẽ dựa chủ yếu vào những nhân sự có chuyên môn tốt và mang lại giá trị cao”.

Để có thể hoàn thành tốt sứ mệnh mới này, HR phải có một ghế chính trong quá trình hoạch định chiến lược chung của doanh nghiệp. Vì đa phần các tổ chức vẫn chỉ xem HR như một bộ phận “gọi gì đáp nấy, yêu cầu gì làm nấy” (kiểu như đã xong chiến lược rồi thì đưa xuống HR để kiếm người phù hợp, chứ không được chủ động tham gia hoạch định chiến lược từ đầu).

Ngoài ra, phát triển và giữ chân nhân tài cũng là chuyện mà các lãnh đạo cấp cao phải có nghĩa vụ tham gia (phải được xem là một thước đo thành công / KPI của họ), chứ không thể “ủn” hết cho HR được.

Nguồn Sổ tay Doanh trí của PACE, số ngày 09/08/2011, đã được phát hành trên báo Tuổi Trẻ

Chương trình đào tạo

CHRO - GIÁM ĐỐC NHÂN SỰ
CHRO - Chief Human Resources Officer

Góp phần xác lập & phát triển một chuẩn mực nghề nghiệp về Nhân sự và Quản trị Nhân sự theo xu hướng mới của Thế giới
cho Ngành Quản trị Nhân sự tại Việt Nam trong thời đại mới.

Vui lòng xem thông tin chương trình
tại đây

Bài viết được quan tâm

Bài viết mới nhất

Trang trên 383