Các công ty trên thế giới đang nỗ lực làm giảm bớt tính phức tạp của chuỗi cung ứng và tăng cường khả năng thích ứng bằng cách sử dụng các công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI – Artificial Intelligence). Thông qua AI, công nghệ robot và các kỹ thuật phân tích tiên tiến, các công ty đang thay đổi mạnh mẽ những lĩnh vực có hàm lượng trí tuệ cao như hoạch định chuỗi cung ứng, quản lý đơn hàng của khách hàng và theo dõi hàng tồn kho.
Nhưng điều này có ý nghĩa như thế nào đối với lực lượng lao động trong chuỗi cung ứng?
Theo các nhà nghiên cứu Gary Hanifan (giám đốc điều hành) và Kris Timmermans (quản lý cấp cao) tại Accenture Strategy trả lời rằng điều đó không có nghĩa là nguồn nhân lực truyền thống sẽ trở nên lỗi thời. Trên thực tế, trong một cuốn sách mới được phát hành gần đây của Paul Daugherty và H. James Wilson đã chỉ ra quan niệm sai lầm nhưng vẫn phổ biến hiện nay rằng các hệ thống AI sẽ thay thế con người trong hầu hết mọi lĩnh vực.
Mặc dù AI có thể được sử dụng để thực hiện một số nhiệm vụ kể cả việc ra những quyết định ở tầm quản lý cấp cao, song sức mạnh thật sự của công nghệ chính là nâng cao năng lực của con người và điều này đang diễn ra đúng như vậy trong lĩnh vực chuỗi cung ứng.
Trong môi trường kinh doanh mới hiện nay, cả con người và máy móc đều quan trọng: Bằng cách tích hợp các vai trò trong các lĩnh vực như hoạch định chuỗi cung ứng và quản lý hàng tồn kho, sức mạnh tổng hợp của con người và máy móc sẽ tạo ra những nguồn giá trị mới cho các doanh nghiệp. Theo đó, trong lĩnh vực chuỗi cung ứng, AI sẽ tạo ra những công việc mới sau đây.
1. Những chuyên gia huấn luyện
Đó là những người giúp các hệ thống AI học cách thực hiện các nhiệm vụ, từ việc giúp các ứng dụng xử lý ngôn ngữ tự nhiên và dịch thuật ngôn ngữ ít bị mắc lỗi hơn đến việc dạy cho các thuật toán AI cách bắt chước các hành vi của con người.
2. Những người giải thích
Nhiệm vụ của họ là diễn giải các kết quả của các thuật toán để cải thiện tính minh bạch và độ tin cậy của các quy trình và việc ra quyết định dựa trên AI.
3. Những người duy trì sự phát triển bền vững
Họ là những người đảm bảo các hệ thống thông minh thực hiện đúng các mục đích ban đầu mà không đụng chạm đến các vấn đề đạo đức cũng như hình thành nên các định kiến.
AI hiệu quả ra sao?
AI cùng với các kỹ thuật phân tích tiên tiến sẽ giúp cho các nhà hoạch định chuỗi cung ứng mở ra những tầm nhìn tiên tiến, đưa ra các quyết định chiến lược và mất ít thời gian hơn trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh.
Những nhà hoạch định này sẽ đi tiên phong trong việc chuyển đổi các mô hình chuỗi cung ứng truyền thống vốn kém linh hoạt và chậm chạp thành những mô hình năng động với các phân đoạn rõ ràng từ đầu đến cuối. Điều đó đồng nghĩa với việc hoạch định nhiều chuỗi cung ứng khác nhau, đáp ứng các nhu cầu của những phân khúc khách hàng nhỏ, đặc thù cũng như quản lý các mối quan hệ kinh doanh và các trường hợp ngoại lệ.
Song song đó, vai trò của kỹ sư kỹ thuật số (digital engineer) sẽ định hình rõ hơn: đó là những nhà khoa học về dữ liệu số có khả năng phân tích cao với nhiệm vụ quản lý, xây dựng các mô hình và thay đổi các thuật toán, các quy luật và các tiêu chí làm cơ sở định hướng cho việc ra quyết định tự động của các phần mềm, ứng dụng.
Theo đó, tầm quan trọng của kỹ năng phân tích sẽ tăng lên cùng với nhu cầu gia tăng về một đội ngũ kỹ sư kỹ thuật số. Những công ty đi tiên phong đang nhận ra sự thay đổi nói trên và đã bắt đầu tái cấu trúc lực lượng lao động trong chuỗi cung ứng.
Kết quả nghiên cứu do Accenture Strategy thực hiện cho thấy khoảng 90% các lãnh đạo tham gia khảo sát cho biết nguồn nhân lực trong chuỗi cung ứng sẽ được nâng cao trình độ, kỹ năng và được trang bị để tương tác, làm việc với máy móc một cách mạch lạc.
Nói cách khác, nhân sự trong chuỗi cung ứng đang bắt đầu nâng cấp để làm việc hiệu quả với một loạt các công nghệ AI khác nhau, từ cobot (người máy tương tác với con người như một đồng nghiệp) đến robot và các nhân viên ảo nhằm thực hiện các công việc trong tương lai.
Những công nghệ này có thể củng cố việc thực hiện đúng các quy trình trong xưởng sản xuất, giám sát cách nhân viên thực hiện các nhiệm vụ và hướng dẫn họ làm điều đó một cách tốt nhất. Điển hình như công ty sản xuất thang máy Thyssenkrupp hiện đang khắc phục những lỗ hổng trong kỹ năng thông qua các công nghệ AI. Theo đó, công ty này trang bị cho các kỹ sư thang máy của mình một bộ máy nghe nhìn thực tế ảo Microsoft HoloLens để tư vấn cho các chuyên gia phụ trách từng phần mềm cụ thể. Các nhà nghiên cứu khuyên các nhà lãnh đạo trong các chuỗi cung ứng cần phải cam kết trang bị lại cho nhân viên của mình các kỹ năng mới theo xu hướng tất yếu nói trên để chuyển họ đến những mảng hoạt động kinh doanh mà họ có thể tạo ra nhiều giá trị hơn cho doanh nghiệp.
Một minh chứng khác cho hiệu quả ứng dụng công nghệ AI, tại một công ty sản xuất và kinh doanh hàng tiêu dùng lớn đã ứng dụng công nghệ máy học để hỗ trợ cho các kỹ thuật truyền thống trong việc đưa ra các dự báo, làm tăng độ chính xác, cải thiện hiệu quả của việc quản lý hàng tồn kho, giải phóng bớt các công việc tính toán và phân tích trước đây vốn chiếm gần 80% thời gian. Kết quả là công ty này chuyển sự tập trung của nguồn nhân lực tập trung sang hướng cung cấp những thông tin thị trường có giá trị, những việc còn lại đã có các công nghệ AI đảm nhận.
Theo Harvard Business Review
Chương trình đào tạo GIÁM ĐỐC SẢN XUẤT Chief Production Officer (CPO) Nâng tầm công nghệ quản lý sản xuất Vui lòng xem thêm thông tin chi tiết về chương trình tại đây |