Hội thảo quốc tế về Quản trị Nhân sự do PACE & SHRM tổ chức (Tin từ TBKTSG)


Ảnh: Thành Hoa

(Đức Tâm - TBKTSG) - Susan là cô gái sinh ra và lớn lên ở Đức. Susan học thạc sĩ quản trị nhân sự và sau đó làm việc tại Úc. Rồi một công ty start-up do một người Mỹ lập nên, đặt trụ sở tại Berlin, đã mời cô quay về Đức làm việc. Nhiệm vụ của cô là quản trị nhóm nhân sự đến từ Tây Ban Nha, Argentina và Indonesia, đồng thời chịu trách nhiệm tuyển dụng thêm 20 nhân viên mới, không nhất thiết phải mang quốc tịch Đức, cho công ty. Susan nhận lời và quay về quê hương, bắt đầu thử thách mới.

Câu chuyện trên là một trong nhiều câu chuyện thú vị về nhân sự thời toàn cầu được chuyên gia Howard Wallack, Phó chủ tịch Hiệp hội Quản trị nhân sự Hoa Kỳ (SHRM), chia sẻ tại hội thảo quốc tế ở TPHCM với chủ đề “Hướng đến chuẩn mực toàn cầu cho nghề quản trị nhân sự tại Việt Nam” vào ngày 1-8 vừa qua.

Có thể thấy công việc của nhà quản trị nhân sự (CHRO) không còn gói gọn trong biên giới một nước, cả về phương diện địa lý lẫn văn hóa. Toàn cầu hóa đã đến với ngay cả một công ty khởi nghiệp chứ không chỉ với các công ty lâu đời hay đã lớn mạnh, hay những công ty sau mua bán - sáp nhập. Tốc độ toàn cầu hóa diễn ra nhanh và lan rộng đã đặt ra cho các nhà quản trị nhân sự không ít thách thức.

Trong một nghiên cứu về chỉ số mức độ toàn cầu hóa 2013 do INSEAD thực hiện, tổ chức này nhận định: “Các công ty đa quốc gia đang vất vả để bắt kịp bước chuyển đổi lớn này. Nếu ở những nước đang phát triển, số lượng công ty đa quốc gia còn ít và còn non trẻ thì ở những nước phát triển, nhiều công ty đa quốc gia đã tụt hậu trong cuộc cạnh tranh mới, bởi đội ngũ nhân sự của họ không bắt kịp tốc độ toàn cầu hóa các khâu vận hành và kinh doanh”.

Sự thay đổi nhanh chóng về công nghệ và môi trường kinh doanh đã làm thay đổi vai trò của các nhà quản trị nhân sự, buộc họ phải chuyển mình để thích nghi và phát triển. Trước những thách thức nêu trên, TS. Mike Turner, Phó hiệu trưởng trường Doanh nhân PACE, cho rằng các nhà quản trị nhân sự không còn sự lựa chọn hội nhập hay không hội nhập. Ông nói: “Toàn cầu hóa đã diễn ra, thế giới đã bước vào nhà chúng ta, hoặc chúng ta chủ động hội nhập để sánh vai phát triển, hoặc chúng ta sẽ bị gạt ra bên lề của dòng chảy của thời đại. Và để hội nhập, các nhà quản trị nhân sự cần hướng đến những chuẩn mực về nghề nhân sự của thế giới, biết rõ sự khác biệt và khoảng cách giữa thế giới với Việt Nam để tìm cách lấp đầy”.

Hiện ở Việt Nam, một số lĩnh vực đã có những chuẩn mực quốc tế, như lĩnh vực tài chính-kế toán có ACCA, CFA; công nghệ thông tin có MCITP (Microsoft Certified IT Professional)..., trong khi đó, lĩnh vực nhân sự vẫn còn vắng bóng những chứng chỉ chuyên gia nghề nghiệp tương tự, được công nhận rộng rãi trên thế giới.

Trước thực tế này, trường Doanh nhân PACE quyết định hợp tác với Hiệp hội Quản trị nhân sự Hoa Kỳ (SHRM) nhằm đem đến những chuẩn mực năng lực toàn cầu cho nghề quản trị nhân sự tại Việt Nam. SHRM, một tổ chức toàn cầu dành cho những người làm nghề nhân sự, được thành lập tại Hoa Kỳ vào năm 1948, đến nay đã có trên 275.000 hội viên đến từ hơn 160 quốc gia, luôn có vai trò trọng yếu trong việc xác lập chuẩn mực nhân sự toàn cầu và góp phần định hình tương lai của nghề quản trị nhân sự thế giới. Những chuẩn năng lực này của nghề nhân sự đã được SHRM cụ thể hóa qua chứng chỉ “Chuyên gia nhân sự SHRM” (SHRM-CP / SHRM Certified Professional) và chứng chỉ “Chuyên gia nhân sự cao cấp SHRM” (SHRM-SCP / SHRM Senior Certified Professional).

Và dù chính PACE là đơn vị đưa ra hai chứng chỉ này về Việt Nam, nhưng trao đổi với TBKTSG, bà Nguyễn Thị Thục Hiền, Giám đốc điều hành PACE, chia sẻ: “Xin đừng chỉ vì các loại chứng chỉ. Chứng chỉ có thể làm hồ sơ của mình nổi bật nhưng đó là hệ quả tất đến chứ không phải mục đích. Mục đích thật sự là hành trình phát triển năng lực quản trị nhân sự qua quá trình đào luyện để đạt được các chứng chỉ nêu trên. Quan trọng hơn, các CHRO sẽ ý thức rằng mình là một người cộng sự với CEO, chứ không chỉ là người phụng sự CEO để kiến tạo doanh nghiệp. Sự thay đổi và thẩm thấu tư duy này là thông điệp mà PACE mong muốn truyền tải. Khi CHRO đã có tư duy này, tất yếu họ sẽ có động lực để bổ sung kiến thức và trang bị các năng lực cần có”.

Không ai nói một người có bằng TOEIC 800 giao tiếp tiếng Anh kém, cũng không ai chê một người có chứng chỉ ACCA làm kế toán không tốt... Bản thân tấm bằng không giúp ích nhiều cho người học nhưng quá trình vượt qua các thử thách để được tấm bằng giúp người học nâng năng lực của mình lên một tầm cao mới. Cũng tương tự như vậy, để đạt được chứng chỉ SHRM-CP, SHRM-SCP, người học sẽ vượt qua rất nhiều thử thách để ung dung bước vào hàng ngũ những người quản trị nhân sự đạt chuẩn quốc tế và tự tin sánh vai với đồng nghiệp của mình trên khắp toàn cầu.

“Những cái mới cần thời gian để mọi người tìm hiểu và làm quen. Những điều giá trị sẽ được thừa nhận, đón nhận và lan tỏa. Hiện có quá ít người Việt đạt được chứng chỉ “Chuyên gia nhân sự SHRM” nhưng tôi tin điều đó sẽ sớm diễn ra và giới nhân sự Việt Nam sẽ có thêm một cơ hội đầy hiện thực để quốc tế hóa trình độ quản trị nhân sự của mình”, TS. Mike Turner chia sẻ niềm tin của mình.

Kể từ năm 2011, với ý thức về một cuộc cách mạng trong lĩnh vực quản trị nhân sự, để hình thành nên một khung năng lực và kiến thức chuẩn mực dành cho giới nhân sự toàn cầu, SHRM bắt đầu thực hiện một nghiên cứu toàn diện với sự tham gia của hàng ngàn chuyên gia và nhà nghiên cứu về nhân sự trên khắp thế giới.

 

Và từ nghiên cứu quy mô này, “Mô hình năng lực SHRM” (SHRM Competency Model) mới của giới nhân sự đã được hình thành, trong đó bao gồm: 8 năng lực hành vi (Behavioral Competencies) và 4 năng lực chuyên môn (Technical Competencies) đóng vai trò nền tảng cho sự thành công của những người làm nghề nhân sự trên khắp thế giới trong bối cảnh ngày nay.


(Theo Thesaigontimes.vn)
 

Tin tức liên quan

Trang trên 71