Cảm xúc thông minh và văn hóa “không nỗi sợ”

Vào ngày 21/12/2013 vừa qua, chương trình hội thảo với chủ đề: “Trí tuệ cảm xúc trong quản trị tổ chức và quản trị nguồn nhân lực” dưới sự chủ trì của GS. TS Paul Brown đã diễn ra tại Trường Doanh Nhân PACE. Chương trình hội thảo này thuộc chuỗi hội thảo của Bộ chương trình đặc biệt “Đào tạo Giám đốc” của Nhà Trường. 

Hoi-thao-PACE-Paul-Brown

GS. TS Paul Brown

Được xem như một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về khoa học thần kinh ứng dụng trong tổ chức và phát triển tiềm năng lãnh đạo, tại buổi hội thảo, GS.TS Paul Brown đã mang đến những kiến thức gần gũi và thiết thực. Những số liệu khoa học thú vị về não bộ và việc ứng dụng trong thực tế từ các tổ chức hàng đầu thế giới đã mang đến cho người tham dự những góc nhìn hoàn toàn mới về Quản trị tổ chức bằng “Cảm xúc thông minh”.

Hiểu về cảm xúc

Thông qua những ví dụ minh chứng thực tế, GS.TS Paul Brown đã chuyển hóa những kiến thức khoa học khô khan về não bộ (nơi được xem như trung tâm điều khiển và hình thành những tác nhân cảm xúc) thành những số liệu và mô hình thú vị.

Giáo sư chia sẻ rằng: “Ảnh hưởng vỏ não trán trước bên phải được xem là vùng quan trọng đưa ra quyết định phức tạp”. Thông qua nhiều nghiên cứu cho thấy, con người thường có 8 cảm xúc cơ bản bao gồm: buồn, xấu hổ, ghê tởm, tức giận, sợ hãi, ngạc nhiên/giât mình, háo hức, yêu thương/tin tưởng. Những cảm xúc này chính là các tác nhân quan trọng ảnh hưởng không chỉ đến những quyết định của người điều hành, lãnh đạo, mà còn tác động mạnh đến tinh thần và năng suất làm việc của đội ngũ nhân viên.

Các yếu tố cảm xúc thiết yếu trong lãnh đạo

Trong thực tế, đối với mỗi cảm xúc cơ bản của con người sẽ tương ứng với những trạng thái khác nhau trong cuộc sống, trong hành động, cũng như trong công việc. Vì vậy, mỗi nhà quản trị cần thiết phải có những chiến lược hành động cụ thể cho tổ chức để tạo ra một môi trường cảm xúc tốt. Và điều kiện cần để một nhà lãnh đạo có thể tạo ra môi trường như vậy bao gồm: Kết nối (Connect), Can đảm (Be courageous), Đủ thông minh (Be clever enough), Nói là làm (Walk own talk), Truyền cảm hứng cho người khác hành động (Inspire others), Đáng tin để làm theo (Be worth following). 

Hoi-thao-PACE-Paul-Brown

GS chia sẻ thêm rằng: Văn hóa không nỗi sợ sẽ được tạo ra từ phong cách lãnh đạo truyền cảm hứng. Phong cách lãnh đạo truyền cảm hứng được kiến tạo dựa trên nền tảng thấu hiểu và ứng dụng cảm xúc thông minh. Mỗi nhà lãnh đạo như vậy sẽ củng cố sự tin tưởng đối với tổ chức nói chung và toàn thể đội ngũ nhân viên nói riêng. Đồng thời, điều này tạo ra sự gắn kết bền chặt giữa nhân viên với tổ chức và gia tăng những giá trị của Doanh nghiệp trong tương lại”.  

Sau khi kết thúc phần trình bày, những người tham dự còn được chia sẻ cùng Diễn giả những góc nhìn riêng trong quá trình quản trị tổ chức và quản trị nhân lực của công ty mà họ đang tham gia điều hành. Hay chính những thắc mắc mà người tham dự đang gặp phải khi bước đầu xây dựng tổ chức theo hướng ứng dụng trí tuệ cảm xúc cho hệ thống quản lý nhân viên.

Với sự tương tác hai chiều và cởi mở giữa Diễn giả và những người tham dự như vậy, Chương trình hội thảo đã kết thúc trong không khí sôi nổi và ý nghĩa hơn trong lòng người tham dự.

(Trường PACE)

 

Tin tức liên quan

Trang trên 71