Stephen M. R. Covey - Tác giả cuốn sách Tốc Độ Niềm Tin đã có những chia sẻ khá thú vị về tỉ lệ giữa niềm tin của nhân viên và lợi nhuận của doanh nghiệp.
Theo khảo sát của Edelman Trust Barometer, năm 2018, niềm tin của người dân Mỹ đã rơi xuống mức thấp nhất trong lịch sử. Đây không phải là thực trạng của riêng Mỹ mà là của chung rất nhiều quốc gia trên thế giới. Có mặt tại Việt Nam vào trung tuần tháng 6.2018, Stephen M.R Covey, tác giả cuốn sách Tốc Độ Niềm Tin, một trong những diễn giả nổi tiếng của thế giới, đã có những chia sẻ khá thú vị về tỉ lệ giữa niềm tin của nhân viên và lợi nhuận của doanh nghiệp. Dưới đây là vài chia sẻ của ông về nội dung này.
Thứ thay đổi mọi thứ khác
Cách đây hơn 10 năm, cha tôi, Stephen R Covey, đã đến Việt Nam chia sẻ với nhiều doanh nhân Việt Nam về việc rèn luyện những thói quen tích cực để thành công. Lần đó, tôi không đi cùng cha nhưng tôi biết rằng ông đã có ấn tượng vô cùng tốt đẹp về chuyến thăm ấy, dù chỉ 2 năm sau đó ông qua đời.
Tôi vô cùng tự hào về cha mình và cảm thấy rất hạnh phúc và may mắn được tiếp bước cha tôi. Tôi nhận ra rằng tôi đang đứng trên vai của một người vĩ đại. Tôi cảm thấy đây là một vinh dự và cũng là một trách nhiệm cao cả, là một người phụng sự trung thành của di sản cha tôi để lại.
Thế nhưng, ban đầu, tôi đã có những khoảng thời gian rất khó khăn vì đã theo đuổi một con đường khác, tập trung vào kinh doanh hơn là viết sách hay diễn thuyết bởi tôi cảm thấy thật quá khó để tiếp bước cha. May mắn, chính trong thời điểm khó khăn đó, tôi tìm ra được chìa khóa cho chính mình: niềm tin. Chỉ sau khi tôi “tìm thấy tiếng nói của riêng mình” qua thông điệp về niềm tin, tôi mới có đủ dũng cảm để tiếp bước con đường của cha.
Niềm tin là một thứ thay đổi mọi thứ khác. Gia tăng niềm tin, chúng ta sẽ làm mọi thứ chúng ta cần làm tốt hơn. Điều chúng ta có thể học được từ những khủng hoảng niềm tin ở các nước là mỗi khi xảy ra một cuộc khủng hoảng, thì cũng đồng thời sẽ có một thời kỳ phục hưng của niềm tin sau đó, mang lại vô vàn cơ hội cho những người biết cách xây dựng nó.
Trong kinh doanh cũng vậy, thị trường toàn cầu ngày nay đặt trọng tâm vào sự hợp tác thực chất, những mối quan hệ đối tác tương hỗ này đều dựa trên sự tin cậy. Sự hợp tác nào có nền tảng là niềm tin đều đem đến hiệu quả vượt trội hơn so với dựa trên những điều khoản trong hợp đồng. Sự ràng buộc không thúc đẩy sự đổi mới, niềm tin thì có.
Einstein từng nói rằng: “Mọi hình thức hợp tác hòa bình giữa con người với nhau chủ yếu dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau, còn việc đặt ra các cơ quan như tòa án hay cảnh sát chỉ là thứ yếu”. Hay như một câu ngạn ngữ của Pháp: “Cá là loài cuối cùng khám phá ra nước” (Fish discover water last) như một cách để nhắn nhủ rằng, cá luôn sống trong nước như một điều quá hiển nhiên nên thậm chí sẽ không quan tâm đến sự tồn tại của chúng, cho đến khi vùng nước đó trở nên ô nhiễm hay cạn khô. Tương tự như vậy đối với niềm tin.
Năng lực trọng yếu
Niềm tin là một phần không thể tách rời của xã hội. Chúng ta tin rằng mọi người sẽ tuân theo luật giao thông, rằng nguồn nước mà chúng ta đang sử dụng là an toàn, rằng các trường học là môi trường tốt đẹp để con cái của chúng ta chuẩn bị cho tương lai. Điều gì sẽ xảy ra nếu lòng tin đó không tồn tại? Nếu không có chúng, xã hội không thể vận hành và cuối cùng dẫn đến tự sụp đổ.
Niềm tin được xây dựng từ bên trong. Bất kể là tạo dựng niềm tin trong tổ chức hay trên thương trường đều xuất phát từ sự tin cậy của chính bản thân mỗi người, trong các mối quan hệ của chúng ta, rồi lan tỏa trong tổ chức, trên thương trường và xã hội.
Dữ liệu cho thấy rất rõ ràng rằng: các tổ chức có văn hóa đáng tin (High-Trust Culture) có kết quả vượt trội so với các tổ chức có văn hóa niềm tin thấp. Tổng lợi nhuận của cổ đông trong tổ chức có văn hóa đáng tin cao gần gấp 3 lần lợi nhuận của các tổ chức có niềm tin thấp. Vì vậy, tôi khẳng định rằng niềm tin là một năng lực trọng yếu. Niềm tin là điều ảnh hưởng đến tất cả mọi thứ bạn đang làm. Chúng giúp hiệu suất tăng lên theo cấp số nhân, giúp quỹ đạo hoạt động của bạn từ chiến lược đến thực thi đều phát triển.
Trong một bài báo của tờ The Economist có nói, Facebook không phải là bị cấm hay phải ngừng hoạt động kinh doanh, nhưng đang phải chịu sự phản đối gia tăng và sự từ chối sử dụng dịch vụ của những người dùng không còn tin tưởng vào Công ty.
Sức mạnh của sự kết nối có thể đem lại hiệu ứng ngược. Facebook có giá trị 493 tỉ USD, nhưng chỉ có 14 tỉ USD tài sản vật chất. Giá trị của nó là vô hình. Phần lớn giá trị đó được xây dựng dựa trên sự tin tưởng của công chúng. Và đó là lý do tại sao các doanh nghiệp phải bảo toàn và nuôi dưỡng lòng tin của cộng đồng, bên cạnh thực tế rằng đó là điều đúng đắn phải thực hiện.
Nhưng thật không may, chúng ta hiện đang sống trong một xã hội mà niềm tin đang bị tổn thương nghiêm trọng. Sự mất niềm tin khiến chúng ta nhìn thấy xung quanh chỉ là các vụ bê bối và vòng luẩn quẩn của sự nghi ngờ. Nhưng khi một công ty tập trung vào nguyên tắc đóng góp cho tất cả các bên liên quan thì sẽ hoạt động kinh doanh tốt. Do vậy, các nhà quản lý cần hiểu được những lợi ích kinh tế của khoản “cổ tức” niềm tin, đặc biệt khi niềm tin xuất phát từ bên trong, chứ không phải là bề ngoài giả tạo hay một chiêu truyền thông mờ ám nào đó.
Một lợi thế kinh tế lớn
Kinh doanh trong bối cảnh này, tôi nghĩ, các nhà lãnh đạo phải dẫn dắt trong việc tạo dựng niềm tin và người lãnh đạo phải là người đi trước, dẫn dắt đội ngũ. Thị trường thế giới ghi nhận khá nhiểu ví dụ về niềm tin gây dựng từ những lãnh đạo doanh nghiệp. Ví dụ, PepsiCo tin tưởng vào “Hành động có chủ đích”, CEO Indra Nooyi đã cho chúng ta thấy trong kế hoạch kinh doanh và chiến lược phải bao gồm cả sản phẩm, con người và trách nhiệm xã hội! Tất nhiên, thương hiệu và chính sách này được người dùng hưởng ứng.
Do vậy, thời gian tới, chúng ta sẽ thấy ngày càng có nhiều nhà lãnh đạo và công ty đi theo hướng này bởi vì nó mang đến ý nghĩa cho nền kinh tế, bên cạnh việc đó cũng là điều đúng đắn để làm.
Việt Nam có những đặc thù riêng. Trong giai đoạn mới bắt đầu phát triển kinh tế, một số công ty thường tập trung vào các mục tiêu sống còn ngắn hạn như là lợi nhuận. Những giá trị như niềm tin thường được xem là thứ xa xỉ. Tư duy này cần phải thay đổi.
Thực tế, không phải là một đức hạnh xã hội, có cũng được mà không có cũng không sao, mà là một lực đẩy kinh tế thiết yếu. Niềm tin cao là một lợi thế kinh tế to lớn. Nó tác động đến tốc độ và chi phí của mọi thứ. Trái lại, niềm tin thấp giảm thiểu mọi thứ, phá hoại mọi thứ. Các nghiên cứu cho thấy các tổ chức có mức độ tin cậy cao đạt hiệu quả gấp 3 lần so với các tổ chức có mức độ tin cậy thấp! Như vậy, niềm tin không phải là một thứ xa xỉ, mà là một điều thiết yếu! Tôi nghĩ, lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam cần hiểu tầm quan trọng của niềm tin và dựa trên nó để có thể thay đổi mọi thứ.
Theo Nhipcaudautu