“Search Inside Yourself / Tìm trong chính mình” (SIY) là chương trình đào tạo về “Lãnh Đạo Tỉnh Thức / Mindful Leadership” nổi tiếng thế giới được sinh ra từ Google, phổ biến khắp toàn cầu và nay đã chính thức có mặt tại Việt Nam.
“Search Inside Yourself” được xây dựng dựa trên nền tảng của khoa học não bộ (neurosciense), trí tuệ cảm xúc (emotional intelligence) và thực hành mindfulness (mindful practices). Trong những năm gần đây, “Mindful Leadership / Lãnh đạo tỉnh thức” đã phát triển bùng phát và trở thành xu hướng lãnh đạo “thời thượng” hiện nay giúp phát triển trí tuệ cảm xúc và năng lực lãnh đạo.
Chương trình SIY này do Mindful Leadership Vietnam - một đơn vị thành viên của Học viện Quản lý PACE (PACE-MLV) và Học viện Lãnh đạo Search Inside Yourself toàn cầu (SIYLI) phối hợp tổ chức vào ngày 23&24/10/2019 vừa qua.
Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam, các doanh nhân trong và ngoài nước có cơ hội trực tiếp trải nghiệm SIY với CEO của Học viện Lãnh đạo Search Inside Yourself toàn cầu - Rich Fernandez - Ông tốt nghiệp tiến sĩ về tâm lý học của Đại học Columbia và từng là Giám đốc Đào tạo và Phát triển Con người của Google. Đây là lần đầu tiên vị CEO nổi tiếng này đồng ý nhận lời đến Việt Nam để đích thân triển khai đào tạo SIY cho các nhà lãnh đạo theo lời mời của PACE-MLV. Đồng hành cùng Ông Fernandez để giảng dạy chương trình SIY lần đầu tiên tại Việt Nam là Bà Kimoko Bokura - Người sáng lập Mindful Leadership Japan.
Chúng tôi đã có buổi phỏng vấn riêng với hai vị giảng viên nổi tiếng này về “Lãnh đạo tỉnh thức” trong thời gian họ đến Việt Nam.
Trong những năm gần đây, “Mindful Leadership / Lãnh đạo Tỉnh thức” phát triển bùng phát và hiện đang là xu hướng của lãnh đạo ngày nay. Theo Ông, tại sao ngày nay “Lãnh đạo tỉnh thức” lại trở nên quan trọng?
Tiến sĩ Rich Fernandez:
Lý do mà ngày nay người ta quan tâm rất nhiều đến "lãnh đạo tỉnh thức" là vì trong thời đại ngày nay càng ngày càng phức tạp, nhiều biến động và liên tục thay đổi. Hơn bao giờ hết chúng ta cần các nhà lãnh đạo có thể phản ứng một cách hiệu quả với những con người và tình huống thách thức. Bên cạnh đó, mindfulness giúp các nhà lãnh đạo kết nối với các giá trị và ý định của riêng mình, cũng như cho phép họ có một sự rõ ràng trong tâm trí và cân bằng trong cảm xúc. Kết quả là chúng ta có những nhà lãnh đạo và tổ chức hoạt động hiệu quả, bền vững và mang lại lợi ích cho tất cả các bên liên quan, cả bên trong và bên ngoài tổ chức.
Khi người lãnh đạo thực hành mindfulness, họ có thể định hình văn hóa và các giá trị của tổ chức mình theo cách vừa mang lại lợi ích cho các bên liên quan, vừa giúp phát triển kết quả kinh doanh. Chẳng hạn như tại Google, chúng tôi có một triết lý mong muốn tạo ra "những người nhân viên khỏe mạnh, hạnh phúc và làm việc với năng suất cao nhất trên thế giới". Chúng tôi biết rằng chúng tôi không thể đạt được yếu tố thứ ba - những nhân viên làm việc với năng suất cao nhất - mà không đầu tư vào yếu tố thứ nhất và thứ hai - những nhân viên khỏe mạnh và hạnh phúc.
Tiến sĩ Rich Fernandez - CEO Học viện Lãnh đạo Search Inside Yourself toàn cầu.
Nói về “Mindful Leadership”, chúng ta không thể không nhắc đến “mindfulness”. Nhưng mindfulness đã tồn tại lâu đời rồi, vậy tại sao đến bây giờ “mindfulness” nói chung và “Mindful Leadership” nói riêng mới trở thành “hot trend”?
Bà Kimiko Bokura:
Môi trường kinh doanh ngày nay được mô tả như một thế giới VUCA (Volatile - Không ổn định; Uncertain - Không chắc chắn; Complex - Phức tạp; and Ambiguous - Mơ hồ), các mô hình thành công trong quá khứ nhanh chóng trở nên lỗi thời, các nhà lãnh đạo luôn bị thách thức bởi các vấn đề khó khăn và đưa ra giải pháp mới một cách nhanh chóng bằng sự tập trung nhất định.
Trước Mindfulness, thì chúng ta đã tập trung vào các kỹ năng như tư duy logic, xây dựng đội ngũ hoặc kiến thức chuyên môn như lập trình, kế toán,.. cụ thể cho từng công việc của chúng ta. Tuy nhiên, nhiều người bắt đầu nhận thấy rằng các kỹ năng, kiến thức đó không đủ để giải quyết những thách thức trong thế giới VUCA mà tôi đã đề cập ở trên. Vì vậy, nhiều người trong chúng ta bắt đầu bị choáng ngợp và kiệt sức.
Đó cũng là lúc thực hành Mindfulness bắt đầu thu hút được nhiều sự chú ý. Giữa những thách thức này, họ duy trì sự tập trung, đổi mới và hiệu suất của họ được ví với Steve Jobs và những người khổng lồ ở thung lũng Silicon khác. Nhiều người bắt đầu nhận ra Mindfulness hữu ích như thế nào để cân bằng kết quả kinh doanh và hạnh phúc của chính họ cùng một lúc.
Ngoài ra, theo nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra việc thực hành Mindfulness tác động tích cực đến với não bộ và sức khỏe của chúng ta. Điều này đã thúc đẩy Mindfulness trở thành một xu hướng "hot" trong thời đại này.
Bà Kimiko Bokura - Người sáng lập Mindful Leadership Japan.
Nhiều doanh nghiệp vẫn đang chạy theo các giá trị mang tính sống còn như doanh thu, lợi nhuận chẳng hạn. Những giá trị khác như mindfulness, trí tuệ cảm xúc, lòng trắc ẩn… có vẻ như là khá xa vời. Vậy nên, xin Ông chia sẻ thêm việc áp dụng mô hình “Lãnh đạo tỉnh thức” vào doanh nghiệp và hiệu quả cụ thể đã đạt được.
Tiến sĩ Rich Fernandez:
Chúng tôi đã cung cấp chương trình SIY trong hơn 10 năm nay tại hơn 30 quốc gia trên thế giới. Chúng tôi đo lường hiệu quả của SIY trước và sau chương trình, và một số tổ chức khách hàng của chúng tôi còn đo lường tác động thời điểm 6 tháng sau chương trình. Chúng tôi đã tìm thấy một số thay đổi có ý nghĩa về các yếu tố như hiệu quả công việc, khả năng lãnh đạo và sức khỏe về mặt thể chất và tinh thần của những người tham gia. Một vài kết quả bao gồm:
- Những người tham gia SIY có khả năng tập trung cao hơn và làm việc hiệu quả hơn. Ví dụ, về khả năng ưu tiên công việc, 49% người tham gia trước chương trình nói rằng họ dành thời gian để ưu tiên công việc; so với 71% sau chương trình.
- Những người tham gia SIY có sự vững vàng về mặt cảm xúc và sự sẵn sàng để đương đầu với những thách thức hàng ngày cao hơn. Ví dụ, 34% người tham gia nói rằng họ có thể phục hồi sau một tình huống khó khăn trước chương trình, so với 60% sau khi học chương trình.
- Những người tham gia SIY có khả năng giữ sự bình tĩnh trong các tình huống khó khăn cao hơn, từ 34% trước chương trình lên 60% sau chương trình.
Chúng tôi cũng có những ví dụ cụ thể về các công ty áp dụng SIY và dữ liệu ROI (tỷ suất hoàn vốn). Một trong những khách hàng lớn của chúng tôi là SAP, tập đoàn phần mềm của Đức. Mỗi năm họ đưa hàng ngàn nhân viên của mình tham gia chương trình SIY và kết quả đạt được là rất tốt. Chẳng hạn, so với trước chương trình thì những người tham gia SIY có mức độ gắn kết với công ty tăng 6,5%, sức khỏe về mặt thể chất, tinh thần tăng 9,2%, khả năng tập trung tăng 13,8%, mức độ căng thẳng giảm 7,6%, khả năng giao tiếp tăng 6,9% và khả năng hợp tác tăng 5,2% sau chương trình.
SAP cũng đã công bố kết quả chỉ ra rằng cứ tăng 1% sự hạnh phúc của nhân viên thì tương ứng với mức tăng 85-95 triệu euro mỗi năm trong lợi nhuận hoạt động, và cứ tăng 1% mức độ gắn kết của nhân viên thì tương ứng với mức tăng 50-60 triệu euro trong lợi nhuận hoạt động, và rằng SIY giúp tăng cả hai yếu tố này của nhân viên với mức tăng lần lượt là 9,2% và 6,5%. Bạn có thể thấy lợi ích trực tiếp khi triển khai chương trình SIY trong một tổ chức như SAP. Trong thực tế, SAP đã chỉ ra rằng tỷ suất hoàn vốn (ROI) là 200% khi đầu tư vào SIY và các chương trình mindfulness. Và gần đây, SAP đã được bầu là một trong những nơi làm việc tốt nhất thế giới. Vì vậy, mindfulness không chỉ là một thứ "có cũng tốt mà không có cũng chẳng sao", mà nó thực sự mang lại lợi ích cho cả nhân viên và tổ chức.
TS Rich Fernandez và Bà Kimiko Bokura đang thảo luận về “Search Inside Yourself”
với các doanh nhân học viên.
Trước giờ người ta hay gắn mindfulness với Phật giáo, nhưng mindfulness trong SIY lại gắn với khoa học não bộ, thông minh cảm xúc và phát triển lãnh đạo, Bà có thể chia sẻ thêm góc nhìn của mình về vấn đề này không?
Bà Kimiko Bokura:
Đúng là trước giờ người ta thường gắn Mindfulness với Phật Giáo, nhất là ở Á Đông. Nhưng các hình thức mindfulness đương đại như SIY mang tính đời thường và dựa trên cơ sở khoa học, đặc biệt là từ khoa học não bộ về tối ưu hóa hiệu suất làm việc, cũng như các nghiên cứu về trí tuệ cảm xúc.
Điều này có nghĩa là SIY được xây dựng dựa trên nền tảng khoa học, chứ không liên quan đến tư tưởng tôn giáo nào. Có thể nhận thấy sự cần thiết của những hình thức mindfulness đương đại này trong hoàn cảnh chúng ta đang làm việc trong các doanh nghiệp mà nhân viên ngày càng căng thẳng, lo lắng, quá tải và mất gắn kết hơn bao giờ hết.
Trong SIY, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng thực hành Mindfulness giúp nâng cao năng lực lãnh đạo, hiệu suất kinh doanh và hạnh phúc trong công việc và cuộc sống.
Theo Ông, Mindfulness nói chung và “Mindful Leadership / Lãnh đạo Tỉnh thức” nói riêng chỉ là một xu hướng nhất thời, hay sẽ là tương lai của thế giới?
Tiến sĩ Rich Fernandez:
Mindfulness và “Lãnh đạo tỉnh thức” không chỉ là một xu hướng ngắn hạn, cũng giống như việc làm sao cho nhân viên có sức khỏe tinh thần và thể chất tốt không phải là một xu hướng ngắn hạn, mà nó sẽ giúp gia tăng hiệu quả công việc của cá nhân và tổ chức.
Gần đây, Deloitte công bố Khảo sát xu hướng nhân lực 2018 và thấy rằng các đội ngũ ngày càng hoạt động theo cấu trúc mạng lưới, và do đó sự hợp tác và linh hoạt là những năng lực hàng đầu trong các tổ chức. Nhưng các nhà lãnh đạo thực sự đang làm gì để thúc đẩy sự linh hoạt và hợp tác đó?
Tôi tin rằng việc tạo ra một văn hóa làm việc tỉnh thức và trắc ẩn hơn sẽ thúc đẩy sự an toàn về tâm lý và sức khỏe về tinh thần và thể chất của nhân viên, và kết quả là nhân viên có thể trở thành phiên bản tốt nhất của mình, họ cảm thấy tốt khi hợp tác và mang lại kết quả tốt nhất có thể. Điều này tạo nên các công ty bền vững, và sự lãnh đạo tỉnh thức chính là chìa khóa để đạt được điều đó.
Google là một ví dụ điển hình cho điều này, và còn các công ty như Starbucks, Microsoft và Ford Motor cũng vậy, tất cả các nhà lãnh đạo đều áp dụng mindfulness vào công việc lãnh đạo của họ. Câu hỏi là có bao nhiêu nhà lãnh đạo thực sự đầu tư vào việc xây dựng mindfulness, lòng trắc ẩn và sự lành mạnh cho nền văn hóa của họ? Chúng ta cần nhiều hơn những nhà lãnh đạo làm điều đó. Bởi vì chúng ta biết rằng những nơi làm việc hiệu quả và tốt nhất là những nơi có những phẩm chất của sự gắn kết, sự hạnh phúc và mindfulness.
Theo nhipcaudautu.vn
|