VĂN HÓA ĐÁNG TIN LÀ NỀN TẢNG CHO THƯƠNG HIỆU UY TÍN

Điều này giúp mỗi người khai phá bản thân, khơi dậy tài năng và sức sáng tạo của cá nhân hay tổ chức để đi đến thành công trong nền kinh tế hiện đại.

Stephen M. R. Covey đã chia sẻ với hàng trăm nhà lãnh đạo doanh nghiệp (DN) Việt Nam trong cuộc diễn thuyết đầu tiên khi ông đến Việt Nam hồi tuần rồi về chủ đề "Kiến tạo văn hóa và xây dựng thương hiệu".

Ông là tác giả của cuốn Tốc độ của niềm tin (The Speed of Trust) - một trong những cuốn sách nổi tiếng thế giới về cách thức xây dựng thương hiệu trong DN hiện đại. Ông tốt nghiệp thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Harvard, từng là CEO của Covey Leadership Center - tiền thân của FranklinCovey, một tổ chức chuyên sâu về phát triển lãnh đạo hàng đầu trên thế giới.

Niềm tin cao, chi phí thấp

Theo ông, thương hiệu uy tín (trusted brand) là hoa trái của những con người đáng tin cậy (trusted people), đi từ một đội ngũ đáng tin (trusted team) để cấu thành một tổ chức đáng tin (trusted organization). Người lãnh đạo thấu hiểu khiến nhân viên có thể cống hiến tốt nhất là cách thức xây dựng DN hiệu quả và bền vững. Xây dựng văn hóa đáng tin trong đội ngũ là cách gắn kết con người, khách hàng và đối tác.

Stephen cho rằng niềm tin là lực đẩy kinh tế chứ không chỉ là đức hạnh xã hội, nó luôn tạo ra hai yếu tố quan trọng: tốc độ và chi phí. Những tổ chức và con người có niềm tin thấp luôn chịu khoản chi phí cao. Ông đưa ra khái niệm "thuế niềm tin", là sự tác động lớn về mặt kinh tế học trong nhiều mối tương tác, các tổ chức phải trả một khoản "thuế vô hình" cho việc thiếu niềm tin mà họ không hề hay biết.

 

Thiếu niềm tin lan tràn trong xã hội, tạo ra một loại thuế đánh lên tất cả các hoạt động kinh tế - là loại thuế mà những xã hội có độ tin cậy cao không phải chi trả. Không chỉ các hoạt động kinh tế, nó tác động đến tất cả các mối quan hệ, giao dịch, mọi quyết định...

"Không có niềm tin sẽ không có thế giới phẳng, chính niềm tin giúp chúng ta phá bỏ những định kiến, rào cản và những xung đột để thiết lập và phát triển mở rộng với tất cả khách hàng, đối tác, nhà đầu tư hay đồng nghiệp" là quan điểm của Stephen.

Theo ông, trong kinh doanh, thị trường toàn cầu ngày nay đặt trọng tâm vào sự hợp tác thực chất, những mối quan hệ đối tác tương hỗ đều dựa trên sự tin cậy. Các hợp tác dựa trên nền tảng là niềm tin đều đạt hiệu quả vượt trội hơn so với những điều khoản trong hợp đồng vì sự ràng buộc không thúc đẩy sự đổi mới và sáng tạo, trong khi niềm tin thực thi nó.

Bất kể là tạo dựng niềm tin trong tổ chức hay trên thương trường, ở đâu cũng xuất phát từ sự tin cậy của chính bản thân mỗi người, trong các mối quan hệ và lan tỏa trong tổ chức, trên thương trường và xã hội.

Niềm tin là nền tảng cho thương hiệu

Các nhà lãnh đạo có vai trò dẫn dắt trong việc tạo dựng niềm tin được Stephen định nghĩa với 5 cấp độ, là cấu trúc giúp các tổ chức thấu hiểu để biến niềm tin thành hành động và thành công trên thương trường:

Niềm tin vào bản thân: Là tiền đề giúp các cá nhân đặt niềm tin vào chính họ, đặt ra được mục tiêu, giữ đúng cam kết và hành động, tin vào khả năng khơi dậy niềm tin của người khác, tạo ra sức ảnh hưởng. Nhưng ông cũng lưu ý, sự thành công chỉ đến khi đó là kết quả đại diện cho nỗ lực của nhiều người chứ không chỉ đến từ một cá nhân hay tổ chức đơn độc.

Niềm tin trong mối quan hệ: Là cách thiết lập và tăng cường niềm tin nơi mọi người, dựa trên nguyên tắc chi phối niềm tin trong các mối quan hệ. Điều này thường gặp ở các nhà lãnh đạo có độ tin cậy cao trên thế giới, nó là hành vi được đúc kết từ thực tiễn trải nghiệm và được kiểm chứng qua thời gian.

"Chúng được thiết lập dựa trên các nguyên lý chi phối mối quan hệ tin cậy chứ không thể thiết lập dựa trên trào lưu, chiêu thức hay kỹ thuật, mà dựa trên những nguyên lý bền vững đã được chứng minh thành công trong các nền văn minh nhân loại", Stephen nói.

 

Niềm tin trong tổ chức: Nhà lãnh đạo tạo dựng niềm tin trong tổ chức trên nguyên tắc chủ chốt là định hướng hòa nhịp, thiết lập cấu trúc, hệ thống, hình tượng cho niềm tin vào tổ chức nhằm làm giảm hay loại bỏ các chi phí thiệt hại vì "thuế niềm tin". Stephen diễn giải đó là các loại thuế dư thừa do sự trùng lắp về hạ tầng và nguồn lực nhiều tầng nấc; "thuế quan liêu" phải trả cho những quy định, luật lệ, chính sách và quy trình phức tạp với độ tin cậy thấp.

Thuế do thiếu sự gắn kết dần dần làm cho tổ chức trì trệ; hay "thuế bỏ việc" do người lao động nghỉ việc không mong muốn gây ra khá cao - tính trung bình một công ty mất một khoản tương đương 1,5 - 2 lần tổng lương hằng năm để thay thế nhân viên.

Niềm tin trên thương trường: Mang tính tác động rõ rệt, là cấp độ của sự uy tín, trong đó phản ánh thương hiệu cá nhân, tổ chức hay công ty, có tính tác động mạnh mẽ đến hành vi và sự trung tín của khách hàng hay đối tác, nhà đầu tư. Điều này giúp cải thiện thương hiệu, uy tín cá nhân và cả tổ chức trên thị trường.

Niềm tin trong xã hội: Là cơ sở tạo ra giá trị cho người khác và cho xã hội, khơi nguồn cảm hứng và truyền sức mạnh đến cộng đồng. Theo Stephen, mặc dù nhiều cống hiến ý nghĩa xuất phát từ khái niệm bác ái trong thời đại công nghiệp - nghĩa là chúng ta có thể đóng góp tiền bạc cho những lý tưởng xứng đáng, tuy nhiên, xu thế ngày nay là hướng về công dân tri thức trong thời đại công dân toàn cầu.

"Công dân toàn cầu là một lựa chọn cá nhân nhưng niềm tin giúp chúng ta lựa chọn hợp lý, từ đó tạo dựng tổ chức hay gia đình cống hiến cho các mục tiêu an sinh xã hội", Stephen chia sẻ.

Theo DNSG

Tin tức liên quan

Trang trên 72