Phương pháp 6 chiếc mũ tư duy dựa trên sáu chiếc mũ ẩn dụ tượng trưng cho các kiểu tư duy khác nhau của con người. Phương pháp này được sử dụng trong các buổi tư vấn tư duy phản biện, nhằm đạt được các mục tiêu cụ thể như giải quyết vấn đề, thảo luận về một lập luận, lập kế hoạch chuyên sâu và phân tích quá trình tư duy sáng tạo.
Phương pháp 6 chiếc mũ tư duy là gì?
6 Chiếc mũ tư duy là phương pháp sử dụng 6 chiếc mũ ẩn dụ, mỗi chiếc mũ đại diện cho một cách suy nghĩ, một vai trò khác nhau trong quá trình giải quyết vấn đề, giúp đánh giá các khía cạnh khác nhau một cách toàn diện, nhằm đưa ra quyết định thông minh và hợp lý. Phương pháp này được Tiến sĩ Edward de Bono phát triển lần đầu năm 1980 và được giới thiệu trong cuốn sách “6 Thinking Hats” xuất bản năm 1985.
6 Chiếc mũ tư duy bao gồm:
-
Chiếc mũ trắng: Tập trung vào việc thu thập thông tin khách quan và sự thật
-
Chiếc mũ đỏ: Tập trung vào cảm xúc và trực giác.
-
Chiếc mũ đen: Phân tích và đánh giá các khía cạnh tiêu cực và những rủi ro
-
Chiếc mũ vàng: Đánh giá các khía cạnh tích cực và những cơ hội để tận dụng
-
Chiếc mũ xanh lá cây: Tập trung vào việc tạo ra các ý tưởng mới và sáng tạo
-
Chiếc mũ xanh dương: Đánh giá các giải pháp và đưa ra quyết định.
Đặc điểm của 6 chiếc mũ tư duy
- Mũ trắng: Dữ liệu, khách quan
- Mũ đỏ: Trực giác, cảm tính
- Mũ vàng: Tích cực
- Mũ đen: Tiêu cực, điểm tối
- Mũ xanh lá cây: Sáng tạo, nhìn nhận vấn đề
- Mũ xanh dương: Tiến trình, tổng kết kết quả
1. Mũ trắng – Dữ liệu, khách quan
Mũ màu trắng đại diện cho tư duy về mặt dữ liệu, các thông tin khách quan. Chiếc mũ này đưa ra những lập luận cụ thể dựa vào việc xem xét, đánh giá các dữ liệu thực tế. Một số vấn đề cần được giải đáp thông qua các câu hỏi:
- Vấn đề này đã có sẵn những thông tin gì?
- Cần thêm những thông tin gì liên quan đến vấn đề đang xem xét?
- Những thông tin, dữ kiện nào còn thiếu? Làm thế nào để bổ sung?
2. Mũ đỏ – Trực giác, cảm tính
Mũ màu đỏ đại diện cho tư duy về mặt cảm tính, trực giác. Những người đội chiếc mũ này sẽ phát biểu dựa vào cảm xúc mà không cần phải đưa ra những luận điểm, chứng cứ để giải thích về vấn đề hiện tại. Một số vấn đề cần được giải đáp thông qua các câu hỏi sau:
- Cảm giác hiện tại của bản thân là gì?
- Trực giác đang mách bảo điều gì về vấn đề này?
- Bản thân có thực sự hứng thú với vấn đề này hay không?
3. Mũ vàng – Tích cực
Mũ màu vàng đại diện cho tư duy theo chiều hướng tích cực. Những người đội mũ màu vàng thường đưa ra những suy nghĩ, ý kiến lạc quan và logic về một vấn đề nào đó, bằng cách chỉ ra những ưu điểm khi ứng dụng nó và chứng minh mức độ khả thi của một dự án. Phương pháp tư duy này cung cấp nhiều động lực để tiếp tục đưa ra những giải pháp mới lạ, độc đáo hơn cho bất kỳ tình huống nào trong cuộc sống.
Hãy sử dụng một số câu hỏi dưới đây để giải quyết vấn đề với mũ vàng:
- Những mặt tích cực của vấn đề này là gì?
- Lợi ích khi áp dụng giải pháp này là gì?
- Tính khả thi của dự án này?
4. Mũ đen – Tiêu cực, điểm tối
Trái ngược với mũ vàng, mũ đen đại diện cho tư duy sâu sắc hơn, nhận ra những điểm tối, tiêu cực trong dự án hiện tại cần giải quyết. Những người đội chiếc mũ này thường có những quan điểm sâu sắc hơn để nhìn nhận vấn đề một cách thận trọng, đảm bảo một dự án tránh khỏi những sự cố, rủi ro, có thể chuẩn bị những phương án dự phòng hoặc điều kịp thời điều chỉnh khi có vấn đề phát sinh.
Nếu chỉ tư duy theo mũ vàng với chiều hướng lạc quan, tích cực sẽ khiến chúng ta không trở tay kịp với những sự cố. Chính vì vậy, khi tư duy theo cả 2 mặt tích cực và tiêu cực, điều này giúp chuẩn bị tốt hơn cho mọi vấn đề, ngay cả những tình huống xấu nhất vẫn có phương án để ứng phó kịp thời.
Trả lời một số câu hỏi dưới đây để giải quyết vấn đề với mũ đen:
- Tình huống rủi ro nào có thể xảy ra?
- Tình huống xấu nhất của vấn đề này là gì?
- Vấn đề này có nguy cơ tiềm ẩn gì không?
- Khó khăn khi triển khai dự án này là gì?
5. Mũ xanh lá cây – Sáng tạo, nhìn nhận vấn đề
Mũ màu xanh lá cây đại diện cho một tư duy sáng tạo, nhìn nhận vấn đề theo nhiều góc cạnh khác nhau. Màu xanh lá thể hiện một sức sống mãnh liệt và bền vững, những người đội chiếc mũ này sẽ luôn có những ý tưởng sáng tạo, dồi dào, phong phú. Những người này sẽ dễ dàng tìm ra những giải pháp sáng tạo cho bất kỳ vấn đề nào trong cuộc sống.
Trả lời một số câu hỏi dưới đây để giải quyết vấn đề với mũ xanh lá cây:
- Vấn đề này còn cách khác để giải quyết không?
- Trường hợp này có thể làm gì khác không?
- Điểm tích cực của vấn đề này là gì?
- Tiến hành dự án này có khả thi không và có những lợi ích gì?
6. Mũ xanh dương – Tiến trình, tổng kết kết quả
Mũ màu xanh dương đại diện cho tư duy tổ chức, theo tiến trình, giúp hệ thống lại toàn bộ vấn đề một cách bao quát nhất. Những người đội chiếc mũ xanh dương sẽ dễ dàng điều phối, tổ chức, kiểm soát tiến trình tư duy của những chiếc mũ trên.
Chẳng hạn như nếu dự án có thể gặp những rủi ro trong tương lai thì người đội mũ xanh dương có thể điều hướng tư duy sang mũ đen để nhìn thấy được những điểm tối, điểm hạn chế và rủi ro có thể xảy đến.
Trả lời một số câu hỏi dưới đây để giải quyết vấn đề với mũ xanh dương:
- Vấn đề trọng tâm của vấn đề này là gì?
- Tư duy nào thích hợp với vấn đề này nhất?
- Mục tiêu cuối cùng và quan trọng nhất là gì?
- Cần thêm thời gian hay thông tin gì để giải quyết vấn đề?
Ý nghĩa của phương pháp 6 chiếc mũ tư duy
Phương pháp 6 Chiếc mũ tư duy là một công cụ khá đơn giản nhưng mang lại hiệu quả thực tế cao, giúp tập trung vào các khía cạnh khác nhau của vấn đề và giải quyết chúng một cách toàn diện.
Một số lợi ích mà phương pháp 6 chiếc mũ tư duy mang lại như sau:
- Sử dụng 6 chiếc mũ tưởng tượng giúp người dùng có thể tập trung vào nhiều khía cạnh của vấn đề, nhận diện từ các góc độ khác nhau, tránh lối tư duy một chiều, chủ quan
- Tăng tính logic và khả năng đánh giá của người sử dụng, từ đó giúp đưa ra quyết định dựa trên các bằng chứng và lập luận có logic
- Khi sử dụng mũ đen và mũ vàng, người dùng có thể phân tích các khía cạnh tiêu cực, rủi ro của vấn đề, cũng như đánh giá các khía cạnh tích cực, những cơ hội để tận dụng. Nhờ đó có thể tránh được rủi ro và chớp lấy các cơ hội để giải quyết vấn đề.
Ngày nay, phương pháp 6 Chiếc mũ tư duy được ứng dụng rộng rãi vào việc giảng dạy ở nhiều nơi trên thế giới. Trong kinh doanh, phương pháp này cũng được nhiều tập đoàn lớn áp dụng như IBM, Pepsi, Bảo hiểm Prudential,...
Quy trình tiến hành 6 chiếc mũ tư duy
Có 5 bước cơ bản để áp dụng phương pháp 6 chiếc mũ tư duy như sau:
-
Bước 1: Sử dụng mũ màu trắng để đưa ra tất cả những thông tin, dữ liệu có thật thông qua những bằng chứng cụ thể.
-
Bước 2: Sử dụng mũ xanh lá cây để đưa ra những ý kiến sáng tạo, bằng nhiều cách thức khác nhau nhằm đề xuất các phương án giải quyết vấn đề.
-
Bước 3: Sử dụng mũ vàng và mũ đen để đánh giá toàn diện về các ý kiến, luận điểm của mũ xanh lá cây.
-
Mũ màu vàng: Đề xuất hướng giải quyết vấn đề theo hướng tích cực, lạc quan, bằng cách trả lời các câu hỏi về những lợi ích mà giải pháp đó mang lại, nếu được thực thi thì sẽ mang lại hiệu quả như thế nào.
-
Mũ màu đen: Chỉ ra những điểm tiêu cực, rủi ro, không phù hợp của giải pháp, những điểm hạn chế của việc áp dụng chúng để giải quyết vấn đề.
-
-
Bước 4: Sử dụng mũ đỏ đưa ra những quan điểm thiên về cảm xúc, trực giác của vấn đề.
-
Bước 5: Sử dụng mũ xanh dương để đưa ra tiến trình và tổng hết buổi thảo luận, bằng cách nhìn nhận lại các bước đã thực hiện, từ đó đưa ra kết luận về hướng giải quyết vấn đề.
Quy trình này không áp dụng với tất cả mọi vấn đề. Thứ tự các chiếc mũ có thể thay đổi với những trường hợp khác nhau. Chẳng hạn như một ví dụ thực tế ở dưới đây.
Ví dụ cụ thể về 6 chiếc mũ tư duy
Lấy ví dụ về một quán cà phê A, cửa hàng này nhận được ngày càng nhiều phàn nàn từ khách hàng vì họ phải đợi quá lâu để có được ly cà phê. Vậy họ có thể giải quyết vấn đề này với phương pháp 6 chiếc mũ tư duy như thế nào?
Bước 1: Mũ trắng, nhóm sẽ tự hỏi mình những câu như:
- Cửa hàng nhận được bao nhiêu lời phàn nàn liên quan đến vấn đề thời gian chờ đợi và tốc độ phục vụ cà phê?
- Hiện tại mất bao lâu để pha cà phê?
- Quá trình pha cà phê có thể được thực hiện nhanh hơn không?
- Các giải pháp có tồn tại không và nếu có, chúng có tác động gì đến tốc độ pha cà phê?
- Chi phí của các giải pháp có thể là gì?
Bước 2: Mũ xanh lá cây, nhóm sẽ tìm kiếm những ý tưởng mới độc đáo và vượt trội. Cần trả lời các câu hỏi như:
- Chúng ta đang thiếu gì? Có thể thay đổi căn bản cách chúng ta pha cà phê không?
- Có máy pha cà phê nào có thể pha nhanh hơn máy hiện tại không?
- Có thể áp dụng phương pháp gì tại nơi làm việc để giúp hoạt động pha cà phê tinh gọn và hiệu quả hơn không?
- Các cửa hàng cà phê khác đang làm gì, chúng ta có thể làm điều đó tốt hơn/ khác biệt như thế nào?
Bước 3: Mũ màu vàng, nhóm sẽ trở nên lạc quan, nghĩ về những điều tích cực về những giải pháp mà họ đã khám phá ra ở mũ xanh lá cây trước đó. Cần trả lời những câu hỏi như:
- Kết quả tích cực có thể đến từ ý tưởng này là gì, ngoài việc giảm khiếu nại và tăng tốc độ pha cà phê?
- Những lợi ích mà chúng ta nên thực hiện ý tưởng này là gì?
Bước 4: Mũ đỏ, nhóm sẽ trút bỏ mọi cảm xúc tiêu cực, họ có thể trả lời các câu hỏi bằng trực giác của bản thân như:
- Trực giác nói gì về lý do tại sao điều này có thể không hiệu quả?
- Có phải ý tưởng này quá tốn kém?
- Tại sao không thích ý tưởng này?
Bước 5: Mũ đen, nhóm cần trả lời những câu hỏi như sau:
- Ý tưởng này sẽ bị thất bại trong thực tế?
- Có cách nào để giảm thiểu những rủi ro có thể xảy ra không?
Bước 6: Sử dụng mũ xanh dương, nhóm sẽ có những kết luận sau:
- Vấn đề đặt ra là những lời phàn nàn và sự không hài lòng của khách hàng liên tục sẽ không tốt cho danh tiếng và hoạt động kinh doanh.
- Cần cố gắng cải thiện sự hài lòng của khách hàng và giảm thiểu khiếu nại bằng cách cải thiện tốc độ pha cà phê.
- Cách hiệu quả nhất là mua một chiếc máy pha cà phê mới, nâng cao nghiệp vụ của nhân viên,...
Tất cả các cuộc họp, thảo luận cần có cam kết hành động, đưa mọi ý tưởng thành thực tế. Từ những bước phân tích trên, nhóm nhân viên của cửa hàng cà phê A có thể đã đưa ra quyết định và biết được những gì cần làm để cải thiện chất lượng dịch vụ.
Một số lời khuyên khi ứng dụng 6 chiếc mũ tư duy
- Chúng ta không cần phải sử dụng tất cả 6 chiếc mũ cùng lúc, hãy cân nhắc xem cái nào là phù hợp nhất. Tuy nhiên nên nhớ rằng, sử dụng những chiếc mũ theo thứ tự nhất định có thể sắp xếp tư duy một cách logic hơn.
- Có thể tập trung vào một hoặc nhiều chiếc mũ cùng một lúc, tuy nhiên điều này dễ tạo ra xung đột trong suy nghĩ, những chiếc mũ sẽ được sử dụng tốt hơn tại một thời điểm nhất định.
- Sử dụng lại những chiếc mũ đã sử dụng trước đó khi cần thiết, nhằm cung cấp thêm thông tin liên quan đến những ý tưởng hoặc phát hiện mới.
Ưu, nhược điểm của phương pháp tư duy 6 chiếc mũ
Ưu điểm
- Giúp tập trung vào các khía cạnh khác nhau của vấn đề, đưa ra quyết định mang tính khách quan, toàn diện
- Giúp phát triển tư duy sáng tạo
- Tránh xảy ra xung đột khi hoạt động thảo luận nhóm.
Nhược điểm
- Có thể tốn thời gian và không phù hợp cho những tình huống cần đưa ra quyết định nhanh
- Có thể dẫn đến kết quả không chính xác nếu người sử dụng không sử dụng các chiếc mũ một cách đúng đắn và cẩn thận.
Chúng ta có thể sử dụng bất kỳ chiếc mũ nào, thậm chí là thường xuyên khi cần thiết và không cần phải sử dụng cùng lúc 6 chiếc mũ. Chìa khóa để sử dụng hiệu quả những chiếc mũ này là sự tập trung và kỷ luật. Đặc biệt là khi làm việc nhóm, người đứng đầu phải đảm bảo rằng mọi người không bị lạc vấn đề.