Phòng nhân sự tồn tại là để tạo ra nhiều giá trị hơn. Họ không chỉ đảm bảo công ty sở hữu những cá nhân đủ tiêu chuẩn để đạt được mục tiêu kinh doanh, mà còn phải đảm bảo tạo ra một môi trường mà mỗi thành viên đều năng động, thích làm việc và mang lại những điều tốt nhất cho công ty.
Phòng nhân sự là gì?
Phòng nhân sự là một bộ phận trong doanh nghiệp có nhiệm vụ quản lý và phát triển tài nguyên con người của tổ chức đó. Cụ thể, phòng nhân sự cần đảm bảo sứ mệnh, tầm nhìn và giá trị là một phần của văn hóa doanh nghiệp.
Phòng nhân sự chịu trách nhiệm tuyển dụng, đào tạo và phát triển nhân viên, quản lý lương và phúc lợi, giải quyết các vấn đề liên quan đến nhân sự, đảm bảo tuân thủ các quy định Pháp luật và chính sách của công ty về nhân sự. Phòng nhân sự đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng một đội ngũ nhân viên chất lượng cao và đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp trong quá trình phát triển.
Cơ cấu phòng nhân sự
- Bộ phận tuyển dụng (Recruitment)
- Bộ phận lương thưởng và phúc lợi (C&B)
- Bộ phận hành chính (HR Admin)
- Bộ phận đào tạo và phát triển (T&D – Training & Development)
Bộ phận tuyển dụng (Recruitment)
Bộ phận tuyển dụng là bộ phận trực tiếp chịu trách nhiệm tìm kiếm và thu hút nhân tài cho doanh nghiệp. Để thực hiện nhiệm vụ này, họ phải lên kế hoạch và triển khai các chiến dịch tuyển dụng, đăng tin tuyển dụng trên các kênh truyền thông phù hợp, phối hợp với các phòng ban khác để tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng của từng phòng.
Đồng thời cần đưa ra các tiêu chí để lựa chọn ứng viên phù hợp, từ đó quyết định đăng nội dung tuyển dụng như thế nào, sử dụng các kênh nào để tìm kiếm ứng viên một cách hiệu quả nhất. Ngoài ra, phòng nhân sự cũng cần đảm bảo quy trình tuyển dụng được thực hiện một cách chính xác, nhanh chóng nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
Bộ phận lương thưởng và phúc lợi (C&B)
Bộ phận lương thưởng và phúc lợi (C&B) đóng vai trò quan trọng trong công ty, có trách nhiệm quản lý toàn bộ hệ thống tiền lương, thưởng và các chính sách phúc lợi khác. Họ nắm giữ mức thu nhập của toàn bộ nhân viên trong công ty.
Bộ phận C&B cần phải xử lý và phân tích các số liệu một cách hiệu quả để đưa ra các quyết định về mức lương, thưởng, phúc lợi hợp lý và công bằng. Họ cũng cần nắm rõ kiến thức về luật lao động, luật bảo hiểm và các quy định Pháp luật hiện hành nhằm đảm bảo tuân thủ đúng quy định.
Bên cạnh đó, bộ phận C&B còn phải thường xuyên cập nhật, đánh giá các chính sách lương thưởng và phúc lợi để đảm bảo rằng chúng vẫn phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp, đáp ứng được mong đợi của nhân viên.
Bộ phận hành chính (HR Admin)
Bộ phận hành chính có trách nhiệm xử lý các công việc như giấy tờ, thủ tục, hồ sơ nhân sự và quản lý tài sản của công ty. Đây là những công việc rất quan trọng để đảm bảo hoạt động của công ty được diễn ra suôn sẻ và hiệu quả.
Ngoài các công việc như sắp xếp lịch họp, trực điện thoại, quản lý văn phòng phẩm và tổ chức các sự kiện công ty (Happy Hour, Monthly Event, Year End Party,..), bộ phận hành chính cũng có thể kiêm một số nhiệm vụ của các bộ phận khác trong công ty. Điều này đòi hỏi nhân viên phòng nhân sự cần phải có khả năng làm việc đa nhiệm và linh hoạt để đáp ứng được các yêu cầu công việc khác nhau.
Bộ phận đào tạo và phát triển (T&D – Training & Development)
Bộ phận đào tạo và phát triển nhân sự có nhiệm vụ cải thiện hiệu suất làm việc của đội ngũ nhân viên thông qua việc bồi dưỡng kiến thức và nâng cao kỹ năng mềm. Đây là một hoạt động không thể thiếu trong quá trình phát triển nguồn nhân lực toàn diện.
Bộ phận này có trách nhiệm thiết kế và triển khai các chương trình đào tạo, đánh giá nhu cầu đào tạo của từng nhân viên và đảm bảo rằng các chương trình đào tạo được thực hiện một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, T&D cũng phải đảm bảo rằng nhân viên được cập nhật những kiến thức mới nhất, trang bị các kỹ năng cần thiết để đáp ứng yêu cầu công việc.
Việc đầu tư vào đào tạo nhân sự không chỉ giúp nâng cao năng lực và kỹ năng của nhân viên, mà còn là một cách để tạo ra sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp. Với những nhân viên được đào tạo tốt, doanh nghiệp có thể đạt được hiệu quả làm việc cao hơn, giúp tăng cường năng lực cạnh tranh và đạt được sự phát triển bền vững trong tương lai.
Vai trò của phòng nhân sự
Phòng nhân sự được xem là một trong những bộ phận quan trọng nhất trong doanh nghiệp, vì họ có trách nhiệm quản lý và xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho công ty. Mặc dù không phải là bộ phận thực hiện trực tiếp các hoạt động kinh doanh, nhưng họ có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của doanh nghiệp.
Phòng nhân sự có vai trò trong việc đảm bảo công tác tuyển dụng, đào tạo, phát triển và giữ chân nhân viên được diễn ra một cách hiệu quả. Ngoài ra, phòng nhân sự còn đảm nhiệm các nhiệm vụ quản lý nhân sự, đánh giá hiệu suất, quản lý lương và chế độ phúc lợi. Tóm lại, vai trò của phòng nhân sự là đảm bảo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của công việc và đóng góp vào sự phát triển của doanh nghiệp.
Chức năng của phòng nhân sự
Tuyển dụng
Nhắc đến phòng nhân sự thì hầu hết mọi người đều nghĩ đến chức năng chính là tuyển dụng. Tìm kiếm và lựa chọn nhân sự phù hợp với doanh nghiệp vô cùng quan trọng, nhằm đảm bảo lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường. Phòng nhân sự có trách nhiệm đảm bảo đủ số lượng cần thiết cũng như chất lượng của đội ngũ nhân sự, doanh nghiệp cần biết tận dụng tối đa hiệu quả nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực nhân sự.
Với sự biến động không ngừng của thị trường, doanh nghiệp cần phải xây dựng chiến lược kinh doanh xuất sắc để giữ vững vị thế của mình, điều này phụ thuộc phần lớn vào đội ngũ nhân viên. Do đó, phòng nhân sự cần thực hiện tốt chức năng tuyển dụng để có được một đội ngũ nhân sự chất lượng, phù hợp với văn hóa doanh nghiệp, thực hiện công việc đạt hiệu suất cao, đảm bảo mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp.
Quản lý
Phòng nhân sự có trách nhiệm xây dựng một hệ thống các tiêu chuẩn, nguyên tắc nhằm quản lý đội ngũ nhân sự, đảm bảo thể hiện được văn hóa, bộ mặt của doanh nghiệp. Theo đó, họ thực hiện đánh giá định kỳ và đưa ra các quyết định khen thưởng để thúc đẩy tinh thần làm việc của nhân viên.
Ngoài ra, phòng nhân sự cũng cần xây dựng và duy trì một môi trường làm việc lành mạnh, tích cực, tạo động lực cho đội ngũ nhân viên làm việc hiệu quả. Để giải quyết các mâu thuẫn phát sinh giữa đội ngũ nhân viên hoặc giữa nhân viên và Ban lãnh đạo công ty, họ cũng cần đưa ra các biện pháp hiệu quả để xử lý, răn đe.
Truyền thông nội bộ
Phòng nhân sự cũng có chức năng truyền thông nội bộ nhằm đảm bảo mọi thông tin được truyền tải chính xác và đầy đủ đến toàn thể nhân viên. Truyền thông nội bộ giúp cho tất cả các nhân viên có cùng một thông tin và hiểu rõ mục đích, chiến lược, mục tiêu của công ty. Ngoài ra, truyền thông nội bộ cũng giúp đảm bảo sự tương tác và giao tiếp giữa các bộ phận, đồng thời giúp phòng nhân sự đưa ra các thông báo, lịch làm việc, chính sách nhân sự, các thông tin khác liên quan đến nhân sự trong doanh nghiệp.
Đào tạo và phát triển
Ngoài hướng dẫn, onboarding, giúp nhân viên hòa nhập với môi trường mới, phòng nhân sự cũng có chức năng đào tạo và phát triển nhân sự để nâng cao năng lực và chất lượng của đội ngũ nhân viên. Bao gồm quá trình định hướng phát triển nghề nghiệp, đào tạo kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm, cung cấp các khóa học, chương trình đào tạo, theo dõi quá trình học tập và áp dụng kiến thức đó vào công việc. Từ đó đưa ra những đánh giá, cải tiến hoặc biện pháp khắc phục phù hợp.
Khi đầu tư vào đào tạo và phát triển nhân sự, phòng nhân sự giúp tăng cường hiệu quả làm việc của nhân viên, đồng thời giúp công ty duy trì và phát triển các nhân tài quan trọng để đáp ứng yêu cầu công việc và thị trường. Ngoài ra, việc đào tạo và phát triển nhân sự cũng giúp tăng lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.
Nhiệm vụ của phòng nhân sự
- Xây dựng kế hoạch và tuyển dụng nhân sự
- Quản lý thông tin nhân sự
- Quản lý hoạt động của nhân sự
- Quản lý hiệu suất làm việc của đội ngũ nhân viên
- Hoạch định nguồn nhân lực
- Xây dựng chính sách lương thưởng, phúc lợi
- Nuôi dưỡng văn hóa doanh nghiệp
Xây dựng kế hoạch và tuyển dụng nhân sự
Phòng nhân sự cần phải xác định số lượng và nhân sự phù hợp cho doanh nghiệp dựa trên kế hoạch phát triển và chiến lược kinh doanh của công ty. Sau khi xác định nhu cầu nhân sự, cần lập kế hoạch tuyển dụng, bao gồm việc đăng tuyển, xác định các tiêu chí chọn lọc, tuyển chọn và đánh giá ứng viên. Ngoài ra, phòng nhân sự cũng cần đảm bảo các quy trình tuyển dụng được thực hiện đúng quy định pháp luật và đảm bảo tính công bằng trong quá trình tuyển dụng.
Để có được đội ngũ nhân sự chất lượng và đáp ứng yêu cầu công việc, phòng nhân sự cần đưa ra các chính sách, đãi ngộ hấp dẫn để thu hút và giữ chân nhân viên tài năng.
>> Đọc thêm: Quy trình tuyển dụng nhân sự hiệu quả cho mọi doanh nghiệp
Quản lý thông tin nhân sự
Nhiệm vụ quản lý thông tin, hồ sơ, hợp đồng và các giấy tờ liên quan là của phòng nhân sự, do bộ phận hành chính đảm nhiệm. HR cần phải đảm bảo mọi thông tin, hợp đồng, hồ sơ nhân sự được quản lý và bảo mật một cách hiệu quả. Cụ thể, phòng nhân sự cần:
- Xây dựng, quản lý hệ thống lưu trữ thông tin và hồ sơ nhân sự của công ty
- Cập nhật thông tin và hồ sơ nhân sự, bao gồm thông tin cá nhân, bảo hiểm, lương, khen thưởng, kỷ luật
- Bổ sung các chế độ phúc lợi, nghỉ việc, thai sản, hết hạn hợp đồng theo quy định
- Chuyển phát, giao nhận các hợp đồng, văn thư, hóa đơn cho các bộ phận/ phòng ban, công ty
Ngày nay, việc sử dụng công nghệ thông tin, hệ thống quản lý thông tin nhân sự nhằm giảm thiểu thủ tục, tăng tính chính xác và nhanh chóng trong quản lý thông tin, hồ sơ nhân sự là rất cần thiết.
Quản lý hoạt động của nhân sự
Quan hệ nhân viên (Employee Relations - ER) là một chức năng quan trọng trong phòng nhân sự, sự hiện diện của ER trong tổ chức có hai mục đích chính. Thứ nhất, giúp ngăn ngừa, giải quyết các vấn đề, tranh chấp giữa nhân viên và ban quản lý. Điều này đảm bảo một môi trường làm việc tích cực, duy trì sự hài lòng và động lực của nhân viên.
Thứ hai, ER hỗ trợ trong việc tạo ra và thực thi các chính sách công bằng và nhất quán cho toàn bộ lực lượng lao động. Mối quan hệ tốt giữa nhân viên và người sử dụng lao động sẽ giúp tăng cường sức khỏe và hiệu suất làm việc của nhân viên, đồng thời giúp tổ chức phát triển bền vững và thành công. Việc quản lý ER hiệu quả đòi hỏi phòng nhân sự phải có kỹ năng giao tiếp, đàm phán, giải quyết vấn đề, làm việc hiệu quả với nhân viên và cấp quản lý.
>> Đọc thêm: Quản lý nhân sự là gì? Quy trình quản lý nhân sự tối ưu
Quản lý hiệu suất làm việc của đội ngũ nhân viên
Việc quản lý hiệu suất làm việc giúp phòng nhân sự đánh giá được thái độ, mức độ đóng góp của mỗi nhân viên cho công ty và đưa ra các giải pháp để tăng cường hiệu suất làm việc. Đồng thời đảm bảo tính công bằng giữa tất cả các thành viên trong tổ chức. Theo đó, phòng nhân sự cần:
- Đặt ra các chuẩn mực đánh giá hiệu suất làm việc cho mỗi vị trí công việc
- Đánh giá hiệu suất làm việc, thái độ, sự cải tiến của từng nhân viên, đưa ra các chính sách khen thưởng và kỷ luật
- Đưa ra các kế hoạch đào tạo và phát triển nhân sự để tăng cường kỹ năng và nâng cao hiệu suất làm việc của nhân viên.
Quản lý hiệu suất làm việc là một công việc phức tạp và đòi hỏi phòng nhân sự phải sử dụng các công cụ và phương pháp đánh giá hiệu suất làm việc hiệu quả.
Hoạch định nguồn nhân lực
Nhiệm vụ hoạch định nguồn nhân lực của phòng nhân sự được thể hiện trong việc sắp xếp, giám sát đội ngũ nhân sự, thu hút nhân tài cho các bộ phận còn thiếu hụt về nhân sự. Quá trình đánh giá, thống kê tất cả các chỉ số giúp phòng nhân sự dự báo về nhu cầu, nguồn lực trong tương lai. Định hướng phát triển nghề nghiệp cho nhân viên để đáp ứng nhu cầu công ty. Đưa ra các chính sách để giữ chân nhân viên tài năng và đảm bảo tính bền vững của lực lượng lao động.
Hoạch định nguồn nhân lực là một công việc quan trọng và đòi hỏi phòng nhân sự phải có các kỹ năng phân tích và dự báo, đồng thời phải hiểu rõ về hoạt động kinh doanh của công ty để đưa ra hoạch định nguồn nhân lực chính xác và hiệu quả.
Xây dựng chính sách lương thưởng, phúc lợi
Chính sách lương thưởng và phúc lợi được xem là chìa khóa trong việc thu hút, giữ chân, động viên nhân viên nỗ lực với vai trò của mình trong doanh nghiệp. Yếu tố này cũng cần đảm bảo tính công bằng và đúng quy định pháp luật. Theo đó, phòng nhân sự cần:
- Nghiên cứu, đưa ra các chính sách lương thưởng và phúc lợi hợp lý, mang nhiều lợi thế cạnh tranh với thị trường lao động để thu hút và giữ chân nhân viên
- Điều chỉnh chính sách lương thưởng và phúc lợi, các chính sách tăng lương hợp lý để đáp ứng các yêu cầu của công ty, đảm bảo tính bền vững của chính sách này.
Nuôi dưỡng văn hóa doanh nghiệp
Văn hóa doanh nghiệp là lợi thế cạnh tranh hàng đầu của mọi doanh nghiệp, nếu một chiến lược kinh doanh lớn bị thất bại mà vẫn còn văn hóa doanh nghiệp, thì tổ chức đó vẫn có thể vực dậy và phát triển mạnh mẽ hơn. Đối thủ cạnh tranh có thể sao chép những điểm nổi bật, những thứ tiên phong của doanh nghiệp, duy chỉ có một thứ mãi mãi không thể bắt chước đó chính là văn hóa doanh nghiệp.
Văn hóa doanh nghiệp là những niềm tin, giá trị, thái độ, hành vi đặc trưng cho các thành viên và ban lãnh đạo trong một tổ chức. Nó giúp định hướng và đảm bảo tính thống nhất trong cách thức hoạt động của các thành viên.
Muốn vậy, phòng nhân sự cần phải:
- Xác định và truyền tải các giá trị, mục tiêu của doanh nghiệp đến các nhân viên nhằm định hướng cho các hoạt động của họ
- Đảm bảo tính thống nhất trong thái độ và hành vi của các nhân viên, tạo nên một môi trường làm việc tích cực và sáng tạo
- Xây dựng và duy trì các hoạt động giao tiếp, đào tạo nhằm tăng cường tinh thần đồng đội, sự tương tác và cảm giác thuộc về của các nhân viên với tổ chức
- Điều chỉnh các quy trình và phương thức làm việc để phù hợp với văn hóa doanh nghiệp.
Kỹ năng cần có của những người làm nhân sự
- Kỹ năng lãnh đạo
- Kỹ năng tổ chức
- Kỹ năng giao tiếp
- Phân tích, đánh giá
- Kỹ năng giải quyết vấn đề
- Kỹ năng quan sát
Kỹ năng lãnh đạo
Mặc dù chức danh của phòng nhân sự thường không phải là lãnh đạo trực tiếp, nhưng họ vẫn phải thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến lãnh đạo như phát triển và thúc đẩy sự nghiệp của nhân viên, tạo ra môi trường làm việc tích cực và khuyến khích sự sáng tạo, đoàn kết.
Ngoài ra, những người làm trong phòng nhân sự cũng cần có khả năng quản lý và điều hành các hoạt động nhân sự, đưa ra các quyết định chiến lược và định hướng cho việc phát triển nhân sự trong tương lai. Kỹ năng lãnh đạo cũng giúp họ thúc đẩy sự hợp tác và trao đổi thông tin giữa các bộ phận khác trong tổ chức, góp phần nâng cao hiệu suất làm việc, đạt được các mục tiêu kinh doanh.
Kỹ năng tổ chức
Trách nhiệm của phòng nhân sự liên quan đến quản lý và phát triển tài nguyên con người của tổ chức, họ phải đảm bảo rằng các hoạt động nhân sự được tổ chức một cách hiệu quả và đúng thời hạn.
Kỹ năng tổ chức giúp những người làm nhân sự biết cách lập kế hoạch, quản lý các hoạt động nhân sự, bao gồm tuyển dụng, đào tạo, quản lý lương và phúc lợi, giải quyết các vấn đề liên quan đến nhân sự cũng các hoạt động liên quan,... Họ cũng cần phải đảm bảo các thông tin và tài liệu liên quan đến nhân sự được lưu trữ, quản lý một cách chính xác và có hệ thống.
Kỹ năng giao tiếp
Phòng nhân sự thực hiện công việc quản lý và phát triển tài nguyên con người của tổ chức, họ phải liên lạc, tương tác thường xuyên với nhiều người trong và ngoài tổ chức, bao gồm các ứng viên, nhân viên, cấp quản lý và các bên liên quan khác.
Kỹ năng giao tiếp giúp những người làm nhân sự truyền đạt thông tin một cách rõ ràng, hiệu quả, giúp những người liên quan hiểu được các chính sách, quy trình, các yêu cầu, văn hóa doanh nghiệp, tầm nhìn sứ mệnh,... Kỹ năng giao tiếp cũng giúp họ đàm phán và giải quyết các vấn đề liên quan đến nhân sự một cách hiệu quả, giải quyết xung đột, mâu thuẫn để tạo ra một môi trường làm việc tích cực.
Phân tích, đánh giá
Phòng nhân sự cần đánh giá tính phù hợp của ứng viên với vị trí tuyển dụng, đánh giá hiệu quả của các chương trình đào tạo và phát triển nhân viên, đưa ra các quyết định liên quan đến lương và phúc lợi.
Kỹ năng phân tích, đánh giá lúc này sẽ giúp họ nhìn nhận một cách chính xác và toàn diện các thông tin, dữ liệu liên quan đến nhân sự, giúp họ đưa ra các quyết định và giải pháp phù hợp. Kỹ năng phân tích cũng giúp những người làm nhân sự đưa ra dự đoán và các kịch bản cho tương lai của tổ chức liên quan đến nguồn nhân lực.
Kỹ năng giải quyết vấn đề
Trong công việc hằng ngày, phòng nhân sự sẽ phải xử lý tất cả các vấn đề về tuyển dụng, giữ chân nhân viên, giải quyết các tranh chấp lao động, mâu thuẫn, bất hòa giữa các nhân viên. Lúc này, kỹ năng giải quyết vấn đề là rất cần thiết để tìm ra nguyên nhân, từ đó đưa ra những giải pháp phù hợp để ứng phó, khắc phục.
Bên cạnh đó, kỹ năng giải quyết vấn đề cũng giúp những người làm nhân sự đưa ra các quyết định liên quan đến chính sách nhân sự, các quy trình quản lý nhân sự, giúp tăng cường hiệu quả và sự hài lòng của nhân viên.
Kỹ năng quan sát
Kỹ năng quan sát giúp những người làm nhân sự hiểu được các kỹ năng, phẩm chất, thái độ của từng nhân viên, giúp họ đưa ra các quyết định liên quan đến phát triển và quản lý nhân sự. Đồng thời, kỹ năng này cũng giúp họ sớm phát hiện các vấn đề về hiệu quả, hiệu suất làm việc của nhân viên, từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp.
Một số câu hỏi thường gặp về phòng nhân sự
- Học ngành gì để làm tại phòng nhân sự?
- Tính cách như thế nào phù hợp với phòng nhân sự?
- Cơ hội nghề nghiệp của ngành nhân sự?
- Doanh nghiệp có bao nhiêu nhân viên thì yêu cầu một bộ phận nhân sự?
- Năng lực cốt lõi của phòng nhân sự là gì?
Học ngành gì để làm tại phòng nhân sự?
Để làm việc tại phòng nhân sự, sinh viên có thể lựa chọn các ngành học như Quản trị nhân sự, Quản trị nhân lực, Quản trị Hành chính & Nhân sự, Quản trị Kinh doanh, Tài chính,...
Tính cách như thế nào phù hợp với phòng nhân sự?
Để phù hợp với công việc trong phòng nhân sự, ứng viên cần có tính trung thực, ngay thẳng, cẩn trọng và để ý các chi tiết, có khả năng quan sát, nhìn thấu được tiềm năng của người khác, hoạt bát, giao tiếp tốt, biết cách tổ chức và quản lý thời gian một cách hiệu quả.
Cơ hội nghề nghiệp của ngành nhân sự?
Ngành nhân sự hiện nay có tiềm năng rất lớn và đang có xu hướng phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Bởi việc quản lý và phát triển nguồn nhân lực đã trở thành một trong những yếu tố quan trọng, giúp các tổ chức tăng cường lợi thế cạnh tranh và thành công trong kinh doanh.
Hơn nữa, với sự phát triển của kinh tế và các ngành công nghiệp khác nhau, các doanh nghiệp đang cần những nhân sự có năng lực và kỹ năng chuyên môn cao để đáp ứng các yêu cầu và thách thức của thị trường. Theo đó, đội ngũ nhân sự đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút nhân tài về cho tổ chức. Sinh viên nếu yêu thích công việc được làm việc với con người, có khả năng giao tiếp tốt, học hỏi và tư duy nhanh nhẹn thì có thể theo đuổi lĩnh vực tiềm năng này.
Doanh nghiệp có bao nhiêu nhân viên thì yêu cầu một bộ phận nhân sự?
Mặc dù không có yêu cầu pháp lý nào về việc phải có bộ phận nhân sự, nhưng bất kỳ doanh nghiệp nào cũng cần có bộ phận quan trọng này, hoặc là thuê ngoài. Trường hợp, số lượng nhân viên toàn thời gian đạt khoảng 40 đến 50 người, đã đến lúc doanh nghiệp cân nhắc sở hữu một phòng nhân sự bài bản, chuyên nghiệp, tận tâm.
Năng lực cốt lõi của phòng nhân sự là gì?
- Giao tiếp: Phòng nhân sự tạo điều kiện giao tiếp giữa nhân viên và cấp quản lý, họ cũng quản lý giải quyết xung đột giữa các nhân viên.
- Hiểu biết về doanh nghiệp: Phòng nhân sự phải có hiểu biết sâu sắc về doanh nghiệp để hiểu các chính sách nhân sự đóng góp như thế nào vào các mục tiêu kinh doanh của tổ chức, từ đó xây dựng các chiến lược để hỗ trợ các mục tiêu này.
- Đạo đức: Nhân sự cần xây dựng lòng tin trong tổ chức để hoạt động hiệu quả
- Kiến thức về nguồn nhân lực: Phòng nhân sự phải am hiểu về tầm quan trọng và chiến lược của nguồn nhân lực, cam kết học tập liên tục để luôn cập nhật những kiến thức, công nghệ mới nhất.
Không chỉ xử lý việc tuyển dụng, phòng nhân sự còn thiết lập các chính sách và thủ tục liên quan đến sa thải, từ chức và nghỉ hưu. Các chính sách và thủ tục này phải tính đến các quy định hiện hành, công ty không thể tùy tiện sa thải nhân viên. Do đó, phòng nhân sự phải tuân thủ các quy định của chính phủ, không chỉ các chính sách nội bộ. Việc không tuân thủ có thể dẫn đến việc bị truy tố trong tương lai nếu nhân viên bị sa thải không công bằng. Ngoài ra, điều này cũng có thể làm mất động lực của những người vẫn đang làm việc.