Thuộc top 30 nền kinh tế xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới, Việt Nam đang gặt hái những "trái ngọt" trên mặt trận thương mại quốc tế khi liên tục ghi nhận những con số thặng dư thương mại ấn tượng. Tính đến ngày 15/03/2025, tổng giá trị xuất khẩu cả nước đạt 82,29 tỷ USD, tăng 6,3%, tương ứng tăng 1,07 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Thành tích này không chỉ là minh chứng cho khả năng phục hồi mạnh mẽ của chuỗi cung ứng và năng lực sản xuất trong nước mà còn khẳng định vị thế ngày càng vững chắc của Việt Nam trên trường quốc tế.
Thặng dư thương mại là gì?
Thặng dư thương mại (Trade Surplus) là trạng thái mà giá trị xuất khẩu cao hơn giá trị nhập khẩu của một quốc gia trong cùng một khoảng thời gian (thường tính theo tháng, quý hoặc năm). Nghĩa là quốc gia đó bán hàng hóa, dịch vụ ra ngoài nhiều hơn so với việc mua vào từ các quốc gia khác, tạo ra một khoản chênh lệch tích cực trong cán cân thương mại.
Ví dụ: Nếu Việt Nam xuất khẩu 100 tỷ USD và nhập khẩu 85 tỷ USD trong một năm thì nước ta có thặng dư thương mại là 15 tỷ USD.
Thặng dư thương mại là khi xuất khẩu vượt nhập khẩu, tạo ra chênh lệch dương trong cán cân thương mại
Thâm hụt thương mại là gì?
Ngược lại với thặng dư thương mại là thâm hụt thương mại (Trade Deficit), xảy ra khi giá trị nhập khẩu vượt quá giá trị xuất khẩu. Thâm hụt thương mại không hẳn là xấu, nhưng nếu kéo dài và mất kiểm soát, nó có thể làm suy yếu nền kinh tế.
Ví dụ: Nếu một quốc gia xuất khẩu 150 tỷ USD nhưng nhập khẩu đến 180 tỷ USD, thì nước đó đang bị thâm hụt 30 tỷ USD.
Cách tính thặng dư thương mại
Thặng dư thương mại xảy ra khi giá trị xuất khẩu của một quốc gia vượt qua giá trị nhập khẩu. Điều này cho thấy quốc gia đó xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu, mang lại lợi ích kinh tế.
Công thức tính thặng dư thương mại:
Thặng dư thương mại = Giá trị xuất khẩu - Giá trị nhập khẩu |
Nếu kết quả là số dương, nghĩa là quốc gia đó có thặng dư thương mại. Ngược lại, nếu kết quả là số âm, quốc gia đang đối mặt với thâm hụt thương mại.
Tác động của thặng dư thương mại
Tác động tích cực
Khi một quốc gia xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu, điều đó không chỉ thể hiện năng lực sản xuất vượt trội, mà còn kéo theo hàng loạt hiệu ứng tích cực đến tăng trưởng kinh tế, ổn định tài chính và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững
Khi hàng hóa và dịch vụ do các doanh nghiệp nội địa sản xuất được tiêu thụ mạnh trên thị trường quốc tế, doanh nghiệp sẽ có động lực đầu tư mở rộng nhà máy, nâng cấp dây chuyền công nghệ và tuyển dụng thêm lao động. Điều này tạo ra hiệu ứng lan tỏa tích cực đến toàn nền kinh tế, đặc biệt là các ngành công nghiệp xuất khẩu chủ lực như dệt may, điện tử, chế biến nông sản hay công nghiệp hỗ trợ.
Không chỉ dừng lại ở việc tăng sản lượng, quá trình này còn góp phần nâng cao năng suất lao động, nhờ áp dụng công nghệ mới và tối ưu hóa quy trình sản xuất. Khi năng suất tăng, chi phí trên mỗi đơn vị sản phẩm giảm, hàng hóa trở nên cạnh tranh hơn, giúp quốc gia giữ vững vị thế trên thị trường toàn cầu và tiếp tục duy trì thặng dư thương mại dài hạn.
Tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước
Một trong những lợi ích rõ nét nhất của thặng dư thương mại là tạo ra dòng thu nhập ổn định từ các hoạt động xuất khẩu. Khi doanh nghiệp xuất khẩu đạt kết quả tốt, lợi nhuận tăng kéo theo thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng cũng tăng. Ngoài ra, một số quốc gia vẫn duy trì thuế xuất khẩu đối với một số mặt hàng chiến lược, qua đó tạo thêm nguồn thu cho ngân sách.
Với nguồn thu này, nhà nước có thể tái đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên như giáo dục, y tế, cơ sở hạ tầng hoặc các chương trình an sinh xã hội. Trong dài hạn, đây là cơ chế tài chính lành mạnh giúp chính phủ từng bước cải thiện đời sống nhân dân và đảm bảo các mục tiêu phát triển bền vững.
Cải thiện cán cân thanh toán và ổn định kinh tế vĩ mô
Thặng dư thương mại là một thành phần then chốt trong cán cân thanh toán – bảng ghi chép những giao dịch kinh tế giữa một quốc gia với phần còn lại của thế giới. Khi xuất khẩu vượt nhập khẩu, dòng ngoại tệ chảy vào nhiều hơn chảy ra, giúp quốc gia tích lũy dự trữ ngoại hối và giảm áp lực vay mượn từ nước ngoài.
Việc dự trữ đủ ngoại hối mang lại nhiều lợi ích chiến lược như:
- Ổn định tỷ giá hối đoái
- Giảm rủi ro từ biến động kinh tế toàn cầu
- Tăng uy tín quốc gia trong mắt nhà đầu tư quốc tế
- Tăng khả năng chống chịu trước các cú sốc tài chính
Đặc biệt với các quốc gia đang phát triển, thặng dư thương mại là “lá chắn” quan trọng bảo vệ nền kinh tế trước các khủng hoảng lan truyền từ thị trường quốc tế.
Thúc đẩy cạnh tranh và đổi mới công nghệ
Trong môi trường toàn cầu đầy biến động, việc duy trì lợi thế cạnh tranh đòi hỏi doanh nghiệp không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, cải thiện dịch vụ và tối ưu chi phí. Áp lực từ thị trường quốc tế buộc các ngành công nghiệp xuất khẩu phải liên tục đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực quản trị và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây cũng kaf tiền đề để chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, giảm dần sự phụ thuộc vào các ngành khai thác tài nguyên hoặc lao động giá rẻ.
Bên cạnh đó, sự cạnh tranh để giữ vững thặng dư thương mại còn kích thích sự hình thành của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, bao gồm các trung tâm nghiên cứu, startup công nghệ, và mối liên kết giữa doanh nghiệp và trường đại học.
Nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế
Quốc gia có thặng dư thương mại lớn thường được nhìn nhận là có nền kinh tế sản xuất hiệu quả, chất lượng hàng hóa cao và được thị trường quốc tế tin tưởng. Điều này không chỉ mang lại lợi thế trong các hiệp định thương mại song phương hoặc đa phương, mà còn nâng cao hình ảnh quốc gia trong mắt các nhà đầu tư, đối tác chiến lược và tổ chức tài chính toàn cầu.
Vị thế này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị ngày càng phức tạp, khi các quốc gia cần củng cố vai trò của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu và đảm bảo an ninh kinh tế dài hạn.
Quốc gia có thặng dư thương mại cao thể hiện vị thế cao trên thị trường quốc tế
Tác động tiêu cực
Mặc dù thặng dư thương mại thường được xem là tín hiệu tích cực cho thấy năng lực xuất khẩu mạnh và vị thế thương mại ổn định, nhưng nếu không được kiểm soát hoặc mất cân đối, nó cũng có thể gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế. Đằng sau những con số xuất siêu ấn tượng là những áp lực vĩ mô tiềm ẩn, ảnh hưởng đến đồng nội tệ, cấu trúc công nghiệp, bất động sản và cả công bằng xã hội.
Nguy cơ thúc đẩy lạm phát
Khi quốc gia liên tục đạt thặng dư thương mại, lượng ngoại tệ đổ vào nền kinh tế tăng lên, đặc biệt nếu không được hấp thụ hiệu quả bởi các kênh đầu tư trong nước. Dòng tiền dư thừa có thể kích thích tiêu dùng và đầu tư quá mức, tạo ra sức cầu vượt cung. Hệ quả là giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng cao, từ đó đẩy nền kinh tế vào vòng xoáy lạm phát. Lạm phát kéo dài không chỉ bào mòn sức mua mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến người lao động và doanh nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh thiếu các chính sách điều tiết linh hoạt.
Rủi ro khi thặng dư suy giảm
Một nền kinh tế dựa nhiều vào xuất khẩu để duy trì tăng trưởng sẽ gặp khó khăn nếu cầu từ các thị trường bên ngoài suy yếu. Khi thặng dư thương mại sụt giảm đột ngột – do biến động giá hàng hóa, chính sách bảo hộ từ đối tác hoặc suy thoái toàn cầu – toàn bộ hệ thống tài chính và sản xuất trong nước có thể rơi vào tình trạng mất cân bằng.
Điều này càng trầm trọng hơn nếu trước đó quốc gia đã quen với mô hình tăng trưởng lệ thuộc vào xuất khẩu, trong khi tiêu dùng nội địa và đầu tư nội ngành chưa được phát triển đủ mạnh để đóng vai trò thay thế.
Năm 2022, xung đột giữa Nga và Ukraine đã gây ra những xáo trộn lớn trong dòng chảy thương mại toàn cầu, khiến hoạt động xuất khẩu sang thị trường Nga của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều ngành hàng chủ lực của Việt Nam ghi nhận mức sụt giảm sâu: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm tới 73,83%; điện thoại các loại và linh kiện giảm 71,65%; dệt may giảm 40,02%; rau quả giảm 40,88%.
Nguyên nhân chủ yếu đến từ lo ngại rủi ro trong vận chuyển và thanh toán, khiến hàng loạt đơn hàng xuất khẩu sang Nga không thể triển khai. Thậm chí, nhiều lô hàng đã hoàn tất thủ tục xuất khẩu buộc phải hủy bỏ, hoặc đang trên đường vận chuyển cũng phải quay đầu để tìm kiếm thị trường thay thế.
Gia tăng xung đột thương mại và chủ nghĩa bảo hộ
Thặng dư thương mại kéo dài – đặc biệt với các thị trường lớn – thường bị xem là biểu hiện của sự mất cân bằng thương mại toàn cầu. Các đối tác nhập khẩu có thể áp dụng các biện pháp bảo hộ như đánh thuế cao, áp hạn ngạch hoặc dựng rào cản kỹ thuật nhằm bảo vệ ngành sản xuất trong nước. Nếu căng thẳng leo thang, các biện pháp trả đũa có thể được thực hiện, dẫn đến chiến tranh thương mại, làm suy yếu niềm tin thị trường, gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và gây tổn hại cho tất cả các bên liên quan.
Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung (2018–2020) là ví dụ điển hình cho tác động tiêu cực của tình trạng thặng dư thương mại kéo dài, khi căng thẳng thương mại leo thang thành xung đột chính sách và thuế quan. Mâu thuẫn bùng phát vào năm 2018, khi Hoa Kỳ áp thuế lên hàng loạt sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc với cáo buộc Bắc Kinh thực hiện các hành vi thương mại không công bằng, bao gồm trợ cấp doanh nghiệp, thao túng tỷ giá và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Đáp lại, Trung Quốc cũng áp đặt thuế trả đũa lên hàng hóa Mỹ, khiến quan hệ thương mại song phương trở nên căng thẳng chưa từng có. Cuộc chiến thương mại nhanh chóng vượt ra ngoài phạm vi song phương, tạo ra những tác động dây chuyền lên thương mại toàn cầu, gây gián đoạn chuỗi cung ứng quốc tế và làm chao đảo thị trường tài chính thế giới.
Dù hai bên đã tiến hành nhiều vòng đàm phán nhằm hạ nhiệt xung đột, nhưng những bất đồng sâu sắc vẫn tiếp tục tồn tại. Hệ quả là không chỉ kinh tế Mỹ và Trung Quốc bị ảnh hưởng, mà các nền kinh tế khác cũng chịu áp lực lan tỏa, đặc biệt là những nước tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Sự phụ thuộc nguy hiểm vào nhu cầu bên ngoài
Một nền kinh tế thặng dư thương mại lớn đồng nghĩa với việc gắn chặt vào biến động thị trường toàn cầu. Khi nhu cầu từ các nước nhập khẩu giảm – do lạm phát, suy thoái hay thay đổi chính sách tiêu dùng – quốc gia xuất khẩu lập tức bị ảnh hưởng nặng nề. Nếu không có thị trường nội địa mạnh để bù đắp, nền kinh tế sẽ trở nên dễ tổn thương trước các cú sốc bên ngoài. Sự phụ thuộc này không chỉ làm giảm khả năng tự chủ kinh tế mà còn hạn chế khả năng điều chỉnh chính sách nội bộ trong thời kỳ biến động.
Hàn Quốc là trung tâm của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, với hai "gã khổng lồ" công nghệ là Samsung Electronics và SK Hynix giữ vị trí hàng đầu thế giới. Ngành xuất khẩu dựa trên công nghệ cao – đặc biệt là vi mạch và chip nhớ – từ lâu đã là trụ cột kinh tế của quốc gia, chiếm khoảng 13% tổng giá trị xuất khẩu.
Tuy nhiên, sự phụ thuộc này cũng bộc lộ điểm yếu đáng lo ngại. Năm 2022, xuất khẩu chất bán dẫn của Hàn Quốc đã lao dốc 36,2% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do nhu cầu toàn cầu suy giảm trong bối cảnh lạm phát, chiến tranh và khủng hoảng chuỗi cung ứng. Cú sốc này đã làm nổi bật sự dễ tổn thương của nền kinh tế Hàn Quốc trước những biến động từ thị trường quốc tế, đặc biệt là khi tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào một ngành hàng chủ lực.
Cạn kiệt tài nguyên và tổn hại sinh thái
Nhiều quốc gia đạt thặng dư thương mại nhờ vào việc khai thác và xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên như dầu mỏ, khoáng sản, gỗ, hoặc thủy sản. Mặc dù mang lại nguồn thu lớn trong ngắn hạn, chiến lược này về lâu dài tiềm ẩn nguy cơ "lời nguyền tài nguyên". Việc khai thác quá mức có thể dẫn đến sự suy thoái hệ sinh thái, mất cân bằng môi trường và làm xói mòn. Khi tài nguyên dần cạn kiệt, quốc gia sẽ đối mặt với sự suy giảm trong khả năng sản xuất và cạnh tranh quốc tế.
Các quốc gia ở Mỹ Latinh và Caribe (LAC) xuất khẩu nhiều hơn gấp đôi lượng vật liệu mà họ nhập khẩu, với hơn 40% lượng vật liệu được khai thác hàng năm. Tuy nhiên, đằng sau con số ấn tượng ấy là một cái giá đắt: nhu cầu vật liệu toàn cầu tăng vọt đã trở thành chất xúc tác chính cho suy thoái môi trường và gia tăng bất bình đẳng xã hội trong khu vực, suy giảm đa dạng sinh học và đe dọa khả năng phục hồi lâu dài của ngành. Để giải quyết các vấn đề này, các chính quyền địa phương đã phải triển khai các phương án khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động kinh tế tuần hoàn để đảm bảo việc phát triển bền vững, đảm bảo môi trường lành mạnh và khí hậu an toàn hơn.
Hay với Indonesia, với các tài nguyên thiên nhiên (dầu, khí đốt, than và dầu cọ thô) chiếm khoảng 50% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, đôi khi tỷ lệ than xuất khẩu vượt quá 90%. Bên cạnh đó, Indonesia đã mất 13% diện tích rừng, chủ yếu do chuyển đổi đất cho sản xuất dầu cọ. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến môi trường mà còn góp phần vào biến đổi khí hậu toàn cầu.
Các quốc gia đạt thặng dư thương mại nhờ tài nguyên thiên nhiên có nguy cơ bị cạn kiệt tài nguyên và tác động đến hệ sinh thái toàn cầu
Nguyên nhân dẫn đến thặng dư thương mại
Năng lực sản xuất vượt trội
Những quốc gia sở hữu công nghệ hiện đại, hệ thống logistics hiệu quả và đội ngũ lao động lành nghề có khả năng sản xuất hàng hóa chất lượng cao với chi phí thấp. Khi sản phẩm nội địa có chất lượng tốt và giá cả cạnh tranh, chúng dễ dàng chinh phục thị trường quốc tế, dẫn đến kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh. Đây là mô hình đã được minh chứng rõ nét ở các quốc gia như Đức, Nhật Bản hay Hàn Quốc - những nước có nền công nghiệp chế tạo và xuất khẩu dẫn đầu thế giới.
Chiến lược phát triển xuất khẩu
Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thặng dư thương mại thông qua các chính sách hỗ trợ xuất khẩu. Điều này bao gồm việc ký kết các hiệp định thương mại tự do, cắt giảm thuế quan, trợ cấp doanh nghiệp xuất khẩu, đầu tư vào hạ tầng logistics hoặc tạo điều kiện vay vốn cho doanh nghiệp. Những chính sách như vậy giúp hàng hóa trong nước tiếp cận thị trường toàn cầu dễ dàng hơn. Ở Việt Nam, sự tham gia vào các FTA (Hiệp định thương mại tự do) như EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam) hay CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) đã giúp nhiều mặt hàng nông sản, dệt may, thủy sản gia tăng mạnh kim ngạch xuất khẩu.
Tỷ giá hối đoái hợp lý
Tỷ giá hối đoái ảnh hưởng trực tiếp đến cán cân thương mại. Khi đồng nội tệ tăng giá, hàng nhập khẩu trở nên rẻ hơn, còn hàng xuất khẩu lại đắt hơn đối với thị trường nước ngoài, dẫn đến xuất khẩu giảm và nhập khẩu tăng – làm xuất khẩu ròng suy giảm. Ngược lại, khi đồng nội tệ mất giá, hàng xuất khẩu rẻ hơn và hấp dẫn hơn với đối tác quốc tế, trong khi hàng nhập khẩu trở nên đắt đỏ, từ đó tăng xuất khẩu ròng và góp phần tạo thặng dư thương mại.
Chính sách hỗ trợ
Chính phủ của mỗi quốc gia có thể tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến cán cân thương mại thông qua việc ban hành và thực thi các chính sách như: giảm thuế quan xuất khẩu, giảm giá trị đồng tiền trong nước,... Khi các chính sách này được điều phối hiệu quả, chúng có thể tạo động lực thúc đẩy xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu không cần thiết và góp phần tạo ra thặng dư thương mại bền vững.
Nhu cầu lớn từ thị trường quốc tế
Khi sản phẩm của một quốc gia phù hợp với xu hướng tiêu dùng toàn cầu hoặc đáp ứng được những nhu cầu cấp thiết từ các thị trường lớn, lượng đơn hàng xuất khẩu sẽ tăng mạnh mà không nhất thiết phải thay đổi chính sách trong nước.
Ví dụ: Trung Quốc đã duy trì vị thế là nước xuất khẩu ròng thiết bị y tế từ năm 2001. Đặc biệt, thặng dư thương mại của Trung Quốc trong lĩnh vực này tăng từ 153 triệu USD năm 2001 lên 25,747 tỷ USD năm 2020, với mức tăng 10,2 tỷ USD so với năm 2018, chủ yếu do nhu cầu tăng cao trong đại dịch COVID-19.
Chi phí sản xuất được tối ưu
Khi chi phí sản xuất trong nước được tối ưu - nhờ nhân công giá rẻ, nguyên vật liệu sẵn có, công nghệ hiện đại hoặc quy trình sản xuất hiệu quả - giá thành sản phẩm sẽ thấp hơn so với đối thủ cạnh tranh quốc tế. Điều này giúp hàng hóa nội địa có giá bán hấp dẫn, dễ dàng xuất khẩu, từ đó gia tăng kim ngạch xuất khẩu và tạo ra thặng dư thương mại. Nhiều quốc gia đang phát triển như Việt Nam, Bangladesh, Ấn Độ đã tận dụng lợi thế này trong các ngành như dệt may, da giày, điện tử... để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.
Chi phí tối ưu và năng lực sản xuất vượt trội giúp tăng thặng dư thương mại
Thặng dư thương mại là một trong những chỉ số quan trọng phản ánh sức khỏe kinh tế đối ngoại của một quốc gia. Tuy mang lại nhiều lợi ích như tích lũy ngoại hối, tạo việc làm, nâng cao vị thế quốc tế, nhưng nếu không được quản lý hiệu quả, nó cũng có thể dẫn đến những hệ lụy về chính sách đối ngoại và cân bằng nội địa.