7 BÍ QUYẾT DÀNH CHO NHỮNG NHÀ QUẢN TRỊ NHÂN SỰ HƯỚNG NỘI

Nghiên cứu chỉ ra rằng 1/3 đến một nửa số người được nhận định có tính cách hướng nội thường bị cạn kiệt năng lượng khi tiếp xúc với quá nhiều người. Đó có thể là một thách thức khi bạn đang cố gắng tìm kiếm sự thăng tiến trong sự nghiệp Nhân sự của mình- một ngành nghề chủ yếu làm việc với con người. Sẽ càng khó khăn hơn nếu bạn là người duy nhất trong tổ chức đảm nhận vị trí HR.
 
Dưới đây là 7 lời khuyên hiệu quả nhất dành cho các nhà quản trị nhân sự hướng nội:
 
1. Chuẩn bị và thực hành
 
Những người hướng nội thường thích suy nghĩ mọi thứ trước khi nói. Do đó, dành thời gian luyện tập trước cho cuộc họp lớn hoặc buổi phỏng vấn sẽ giúp bạn đảm bảo rằng bạn đã sẵn sàng có những ý kiến phù hợp vào đúng thời điểm.
 
Gretchen Woods, giám đốc bộ phận HR của công ty The Wenatchee World, đã nói: “Là một người hướng nội, tôi nhận thấy việc đầu tư thời gian để chuẩn bị kỹ lưỡng cho các cuộc họp nội bộ, họp mặt với nhân viên, các sự kiện công cộng hoặc các buổi thuyết trình thật sự đáng giá”.
 
2. Tìm sự cộng tác của đồng nghiệp
 
Sẽ rất tốt nếu bạn tóm tắt trước những điều mình muốn nói trong sự kiện sắp tới với các đồng nghiệp.
Woods- một chuyên gia nhân sự trong tổ chức có khoảng 100 người đã nói: “Khi có một ý tưởng, hoặc giải pháp nào đó muốn chia sẻ trong cuộc họp, trước tiên tôi sẽ tìm đến các đồng nghiệp thân thiết ở cả cấp nhân viên và quản lý để chia sẻ với họ. Bằng cách đó, họ có thể giúp tôi lan tỏa thông điệp nếu tôi không kịp trình bày.”
 

 
3. Mạnh dạn bổ sung ngay cả khi cuộc họp đã kết thúc
 
Sau khi có được những lợi thế của việc lên kế hoạch và tìm đồng minh, những người hướng nội vẫn thường gặp tình trạng là xuất hiện thêm những phản hồi và ý tưởng mới sau khi dành thời gian suy nghĩ. Do đó, trong cuộc họp, họ không truyền tải được hết những gì họ muốn.
 
Trong những trường hợp đó, điều quan trọng bạn cần nhớ là không bao giờ quá muộn để nói lên ý kiến của mình. Eileen Gabaldon, SHRM-CP, Giám đốc nhân sự của công ty luật Harris, Finley & Bogle P.C. , nói: "Nếu thấy lúng túng trong cuộc họp và chưa kịp phát biểu những ý tưởng hoặc giải pháp của mình, tôi sẽ giải quyết nó vào ngày hôm sau. Tôi sẽ gặp người chủ trì và nói," Sau cuộc họp, tôi đã nghĩ thêm được một giải pháp như thế này "và trình bày kế hoạch của tôi trong cuộc đối thoại một-một. Bằng cách đó, tôi vừa có thể tham gia đóng góp vừa cảm thấy thoải mái hơn."
 
4. Chia sẻ về tính cách hướng nội của bản thân
 
Một số người nhận thấy rằng, nếu ngay từ đầu thẳng thắn chia sẻ với mọi người về tính cách hướng nội của bản thân sẽ giúp họ bớt áp lực hơn, cũng như để người khác bớt kì vọng vào khả năng hoạt náo của mình.
Đó là cách mà Julie Worden đã thực hiện trong lần đầu tiên trở thành quản lý tài chính và văn phòng cho K Strategies Group, một công ty quan hệ công chúng ở Dallas với 12 nhân viên. Cô tự nhận xét mình là một người cực kì hướng nội. “Tôi sớm nhận ra rằng, để làm tốt công việc HR, tôi cần tìm cách hiểu mọi người nhiều hơn", cô nói. Cô nhận thấy điều đó đặc biệt đúng khi làm việc cùng những người có tính cách dè dặt khác. Đó là một trong những lý do khiến những người hướng nội có những hiểu biết sâu sắc và có thể khuyến khích những người khác chia sẻ câu chuyện của họ. Worden nói: "May mắn thay, tôi đã tìm thấy những người cộng sự và tạo được một mạng lưới hỗ trợ trong công việc.
 
5. Kết nối với đồng nghiệp
 
Những người hướng nội có thể nhờ các phương tiện truyền thông xã hội để kết nối và chia sẻ- theo cách riêng của họ. Ngoài việc sử dụng các nền tảng trực tuyến truyền thống như LinkedIn hay Twitter, hãy thử tìm kiếm các nhóm chuyên gia có cùng sở thích. Ví dụ như cộng đồng SHRM với những cuộc thảo luận chuyên sâu cho phép những người tham gia chia sẻ lời khuyên nghề nghiệp với nhau.
 
6. Dẫn dắt bằng cách lắng nghe
 
Những người hướng nội thường có khả năng lắng nghe tốt - đó là một tài sản quan trọng cho các chuyên gia nhân sự, cũng là một cơ hội để giao tiếp tốt hơn với người khác.
 
Stan Bowman, giám đốc nhân sự của công ty Shepherd Oil Company ở Blackwell, Okla, nói: "Tôi quan sát mọi người và tìm hiểu sở thích của họ. Mục tiêu là tìm ra một điểm chung. Một khi phát hiện ra điều đó, chúng tôi có một cuộc trò chuyện mang lại giá trị cho cả hai."
 
Giao tiếp bằng mắt cũng rất quan trọng trong việc xây dựng niềm tin. Gabaldon nói: "Điều quan trọng đối với công việc của tôi ở phòng HR là khi một nhân viên có việc muốn trao đổi và bước vào văn phòng, tôi sẽ tắt điện thoại và nhìn vào họ chứ không phải màn hình máy tính.

 


7. Hiểu rằng không ai hoàn toàn là hướng nội hoặc hướng ngoại
 
Cuối cùng, đừng quá ám ảnh vì cái tên gọi hướng nội. Carl Jung, nhà tâm lý người Thụy Sỹ đã đặt ra các thuật ngữ "hướng nội" và " hướng ngoại", ông tin rằng hầu hết mọi người là sự pha trộn của cả hai, tùy thuộc vào hoàn cảnh.
 
Hơn nữa, mỗi loại tính cách đều có điểm mạnh và điểm yếu khác nhau. Khi các Lãnh đạo nhân sự hướng ngoại thường xông xáo trong việc hỗ trợ dự án nhóm, thì một nhà Quản trị nhân sự hướng nội chuyên nghiệp rất tuyệt vời trong việc xử lý những tình huống khó xử  bằng các cuộc thảo luận 1-1. Cả hai, đều có thể học hỏi lẫn nhau.
 

Nguồn: SHRM.org