KỸ THUẬT PHỎNG VẤN THEO TƯ DUY CỦA 1 ĐIỀU TRA VIÊN

Tadd Drowns, một chuyên viên điều tra tội phạm với 25 năm kinh nghiệm đã thẳng thắn cho rằng: một điều tra viên và một chuyên gia nhân sự chuyên nghiệp có khá nhiều điểm tương đồng cả về tính cách lẫn bản chất công việc. Ông cũng khẳng định những người làm quản lý nhân sự hoàn toàn có thể tận dụng những điểm mạnh bắt nguồn từ tư duy của một điều tra viên
.
Một cuộc phỏng vấn khá tương đồng với một cuộc điều tra
 
Về bản chất, ở góc độ chuyên nghiệp hóa, cả hai công việc đều có chung một quá trình. Với một điều tra viên dưới sự cho phép của pháp luật, họ sẽ cần tìm hiểu và tra khảo những kẻ tình nghi để có thể vạch trần tội phạm. Trong khi đó, một chuyên viên nhân sự cấp cao cũng cần thông thạo những phỏng vấn sâu , nhằm nắm chắc và hiểu rõ các thông tin từ các ứng viên (mà không bị họ ‘qua mặt’) trước khi nhận họ vào làm việc.
Thông thường, với mỗi buổi phỏng vấn, người nhân sự đều cố gắng tạo ra một cuộc nói chuyện cởi mở và chân thành nhằm giúp cho các ứng viên tự bộc lộ bản thân một cách thoải mái nhất. Đáng tiếc rằng, các nghiên cứu từ những nhà tâm lý học khẳng định rằng, với mục đích gây ấn tượng với nhà tuyển dụng, đa phần người tham gia phỏng vấn đều nói dối để có thể nhận được công việc đó.
Đồng thời, theo nghiên cứu của chính Tadd Drowns, chính những người phỏng vấn cũng thường không chuẩn bị sẵn sàng để có thể phát hiện ra những biểu hiện không chính xác trong thông tin mà người tìm việc cung cấp. Đó chính là thời điểm mà tư duy điều tra phát huy tác dụng của nó với 5 yếu tố thiết yếu sau:

1. Học cách giao tiếp phi ngôn ngữ

Đương nhiên ngôn ngữ cơ thể vẫn luôn được sử dụng hàng ngày trong mọi tình huống. Nhưng đối với một cuộc phỏng vấn nhân sự hay điều tra tội phạm, cho dù lời nói có thể là dối trá nhưng những biểu hiện cơ thể thì không hề như vậy. Với việc am hiểu về giao tiếp phi ngôn ngữ, chuyên viên tuyển dụng hoàn toàn có thể thấu hiểu những biểu hiện từ cử chỉ nhỏ nhất của các ứng viên tham gia phỏng vấn. Một ví dụ rất dễ quan sát đó là nếu mắt nhìn xuống sàn nhà nhiều lần một cách tự nhiên, người đó đang lo lắng và e dè hoặc đang che giấu cảm xúc.

2. Hiểu rõ 7 cảm xúc cơ bản của con người

Lý thuyết này dựa trên hàng loạt nghiên cứu của tiến sĩ Paul Ekman thuộc trường đại học California San Francisco với chuyên ngành tâm lý học. Đặc biệt, ông nổi tiếng bởi những học thuyết về giao tiếp phi ngôn ngữ.
Theo lý thuyết này, con người có 7 loại cảm xúc bao gồm: giận dữ, khinh thường, ghê tởm, sợ hãi, hạnh phúc, buồn bã và bất ngờ. Nhận thức được những gói cảm xúc này sẽ giúp phỏng vấn viên xác định được liệu những gì ứng viên nói có trùng khớp với những gì họ đang cảm thấy. Đây thực sự là một điều cần thiết giúp người phỏng vấn hiểu rõ nên duy trì cuộc hội thoại như thế nào cho phù hợp và cũng giúp họ nắm được tâm lý của các ứng viên.

3. Luyện tập chuẩn bị trước cuộc phỏng vấn

Chắc chắn việc chuẩn bị luôn là vô cùng cần thiết với bất kỳ ngành nghề nào. Nhưng “chuẩn bị” và “luyện tập” đối với việc phỏng vấn lại giúp chuyên viên phỏng vấn tránh được 3 kiểu thiên vị cơ bản
- Kiểu “Thiên vị chủ quan”: người phỏng vấn chỉ dựa trên những thông tin giả thuyết từ những người khác mà bỏ qua sự mâu thuẫn và không hợp lý trong chính thông tin đó.
- Kiểu “Thiên vị tin tưởng”: người phỏng vấn quá tin tưởng và bị thuyết phục vào ứng viên bất chấp những thông tin không chính xác.
- Kiểu “Thiên vị tự tin”: người phỏng vấn quá tự tin vào khả năng phỏng vấn của họ tốt hơn thực tế.
 
4. Giảm thiểu khối lượng thông tin

Chúng ta đều hiểu rõ, khả năng xử lý nhận thức của con người trong một khoảng thời gian nhất định là có hạn. Chính vì vậy, việc phải tiếp nhận quá nhiều thông tin khi phỏng vấn sẽ khiến chuyên viên nhân sự quá tải và ảnh hưởng đến chất lượng của công việc. Đồng thời, khi phỏng vấn viên có quá nhiều suy nghĩ trong đầu, buổi phỏng vấn của họ thường không diễn ra tốt đẹp.
Cách đơn giản và thông thường nhất để hạn chế việc này chính là ghi hình lại cuộc phỏng vấn. Nó sẽ giúp phỏng vấn viên không bỏ sót những thông tin mà họ không tiếp thu được từ ứng viên và giảm bớt áp lực cho việc ghi chép thông tin. Ngoài ra vẫn còn một vài phương pháp khác như:
- Chuẩn bị đầy đủ trước khi phỏng vấn
- Một đoạn giới thiệu nhỏ về cuộc phỏng vấn tạo sự thoải mái cho phỏng vấn viên
- Một tập hợp câu hỏi theo tiêu chuẩn dành cho tất cả ứng viên
 
Phải xử lý quá nhiều thông tin sẽ khiến phỏng vấn viên quá tải

 5. Lắng nghe thấu cảm

Stephen Covey, tác giả cuốn sách “7 thói quen hiệu quả” (xuất bản lần đầu năm 1989), từng nói: “Hầu hết người ta thường lắng nghe với ý muốn hồi đáp mà không phải để thấu hiểu”. Một vài biểu hiện cơ thể cho việc này là hấp tấp, xoa tay, rung chân… Thay vì thế, việc sử dụng giao tiếp qua ánh mắt sẽ vô cùng hiệu quả khi thể hiện sự quan tâm và tập trung của bạn vào những gì mà ứng viên đã đề cập. Hơn nữa, khoa học cũng chứng minh rằng, khi duy trì giao tiếp bằng mắt, con người sẽ dễ dàng hơn trong việc ghi nhớ lại những gì đã được truyền đạt.
Đặc biệt, hãy sử dụng sức mạnh của sự im lặng từ chính bạn. Vì đơn giản, khi bạn nói chính là lúc bạn không thể lắng nghe!
Với góc nhìn của bạn, liệu việc áp dụng “chiến thuật” này trong tuyển dụng nhân sự có phù hợp với xu hướng toàn cầu của ngành nhân sự hiện nay?
 
(Nguồn: SHRM.org)