Lãnh đạo có thể làm gì để khích lệ nhân viên? Bài học từ Zig Ziglar
Trong nhiều thập kỷ qua, Zig Ziglar đã tạo động lực và truyền cảm hứng cho hàng triệu người để họ ngày càng tiến bộ trong công việc của mình. Ý tưởng của Zig về việc tạo ra một cảm giác cấp bách được minh hoạ cho câu chuyện “Một ngày trước kỳ nghỉ” (Day Before Vacation) của ông. Kỹ thuật này có thể có tác động rất lớn đến năng suất làm việc của bạn cũng như khả năng tạo động lực cho nhân viên.
Hãy nghĩ về ngày cuối cùng của bạn tại nơi làm việc trước khi bạn đi du lịch hoặc trải qua 1 kỳ nghỉ dài, chẳng hạn như kỳ nghỉ Tết. Có phải là chỉ trong ngày hôm đó bạn đã hoàn thành một khối lượng công việc mà bình thường phải mất 2, 3 hoặc thậm chí là 4 ngày bạn mới làm xong hay không? Bạn có bao giờ nghĩ cách này cũng có thể được sử dụng để động viên nhân viên của mình? Hãy xem Zig nói gì về những việc mà bạn thường làm vào ngày trước kỳ nghỉ:
2 ngày trước khi trải qua kỳ nghỉ dài, bạn có thể sẽ ngồi liệt kê tất cả mọi thứ bạn cần làm vào ngày hôm sau. Sau đó, bạn đưa ra quyết tâm hoàn thành mọi việc trước khi rời khỏi cơ quan vào hôm sau. Đây cũng là những nguyên tắc cơ bản trong việc tạo động lực cho nhân viên.
Buổi sáng trước ngày nghỉ 1 ngày, bạn đến văn phòng đúng giờ, nhiều khi sớm hơn thường lệ. Bạn bước đến chỗ máy pha cà phê đầu tiên? Không hề, vì bạn đang suy nghĩ đến công việc đầu tiên cần làm trong danh sách của mình (đây chính là dấu hiệu của một nhân viên có động lực làm việc). Cũng có thể bạn sẽ làm mọi việc theo thứ tự. Bạn làm công việc mà mình cảm thấy ít hứng thú nhất trong danh sách đầu tiên và làm xong việc đó một cách nhanh chóng thay vì để nó lơ lửng trên đầu suốt cả ngày (điều mà thường ngày bạn hay làm). Khi nhiệm vụ khó khăn nhất đã xong, bạn hoàn toàn cảm thấy thoải mái, và nhanh chóng xử lý những nhiệm vụ khác trong danh sách của mình, từng công việc một. Khi một bạn đồng nghiệp nào đó đến gần và muốn tán gẫu với bạn, bạn lịch sự trả lời rằng bạn đang rất bận – và bạn quay lại với công việc của mình.
Khi bạn đã hoàn thành những điều mà bạn phải làm, bạn cảm thấy năng lượng tràn trề, vì vậy mà chỉ mới nửa ngày thôi, nhưng bạn ngập tràn trong cảm giác hoàn thành công việc – và điều này càng làm sự nhiệt tình của bạn tăng cao. Trạng thái đầy năng lượng và nhiệt tình một cách rõ ràng của bạn bắt đầu tạo ra động lực cho những người đồng nghiệp xung quanh. Họ cũng bắt đầu nỗ lực hơn và trở nên nhiệt tình tương tự như bạn. Không khí trong văn phòng trở nên sáng sủa hơn một chút, và nó càng khiến cho bạn hưng phấn hơn. Vào cuối ngày, bạn đã hoàn thành xong mọi việc mình muốn làm. Hãy nhìn vào những nguyên tắc đằng sau sự tập trung này, và cách áp dụng nó vào việc nâng cao hiệu quả công việc của nhân viên bạn cũng như tiến hành công tác phát triển nhân viên.
Đầu tiên, hãy tạo ra một tầm nhìn.
Khi tầm nhìn của nhân viên bị tách ra bởi những hoạt động xung quanh mình, người nhân viên đó cũng giống như một tên lửa dẫn đường trị giá 10 triệu đô la mà không có mục tiêu. Anh ấy có thể bay vòng quanh quỹ đạo một cách rất ấn tượng, nhưng cuối cùng vẫn sẽ bị cạn kiệt nhiên liệu, đâm sầm xuống mặt đất và bùng cháy. Bạn khích lệ và tạo động lực cho nhân viên một cách có tổ chức và có phương pháp để khiến họ làm việc với năng suất cao hơn. Hãy giúp các nhân viên xác định rõ tầm nhìn của mình trong đầu và mỗi ngày hãy vẽ ra tầm nhìn đó trước mặt họ để có thể tối đa hóa năng suất lao động của họ.
Điều thứ hai, xây dựng một nhóm các mục tiêu.
Có một tầm nhìn to lớn cũng vô dụng nếu như nhân viên của bạn không thiết lập một mục tiêu rõ ràng và có thể đạt được nhằm chắn rằng tầm nhìn của anh ấy trở thành hiện thực. Anh ấy cần phải vạch ra được một con đường để đi từ nơi mà anh ta đang đứng đến mục tiêu mà anh ta muốn đạt được và con đường đó cần phải có những cột mốc hợp lý để bảo đảm anh ấy luôn đi đúng hướng. Việc tạo động lực cho nhân viên chỉ thành công nếu bạn đề ra được những mục tiêu ý nghĩa cho họ.
Thứ ba, hãy tạo ra sự cam kết.
Đây là trở ngại phổ biến nhất, thậm chí những người vốn thông thạo việc tạo ra những tầm nhìn hấp dẫn và thuyết phục cũng như biết đề ra những mục tiêu có khả năng thực hiện cũng thất bại trong việc cam kết. Nếu bạn đã từng đặt ra một mục tiêu vào đầu năm mới nhưng không thực hiện được, có lẽ bạn sẽ hiểu được một kế hoạch được lập ra mà không có sự cam kết sẽ kết thúc như thế nào. Cũng có thể nguyên nhân của sự thiếu cam kết là do tầm nhìn vốn không đủ hấp dẫn. Vì nếu tầm nhìn thật sự thuyết phục, sự cam kết sẽ đến một cách tự nhiên. Bạn cũng sẽ biết được tầm nhìn của mình là đúng khi bạn bỗng nhận thấy mình muốn thực hiện ngay tầm nhìn đó một cách khẩn trương. Sự cam kết thực sự sẽ ngay lập tức động viên các nhân viên của bạn đứng dậy tìm kiếm mục tiêu của họ. Hãy khuyến khích nhân viên xem xét cẩn thận mục tiêu của mình thay vì tốn thời gian làm những công việc không liên quan.
(Tham khảo profiles international)