Quá trình mua hàng nằm trong tay khách hàng và các Marketer phải tạo ra trải nghiệm có mục tiêu, cá nhân hóa cho mọi người nếu họ muốn trở thành người thu hút sự chú ý giữa biển thương hiệu và các nhà quảng cáo. Khi các nhà tiếp thị hiểu biết toàn diện về người mua lý tưởng của mình, họ có thể đưa ra quyết định sáng suốt hơn về phương tiện truyền thông, thông điệp và thời điểm. Chính vì vậy, việc xác định khách hàng mục tiêu là rất quan trọng đối với mọi doanh nghiệp thuộc mọi quy mô.
Khách hàng mục tiêu là gì?
Khách hàng mục tiêu (Target Customer) là nhóm đối tượng khách hàng mà doanh nghiệp hướng tới và tập trung nguồn lực để phục vụ. Đây là nhóm khách hàng có nhu cầu và mong muốn về sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp, đồng thời có khả năng chi trả cho sản phẩm, dịch vụ đó.
Việc xác định khách hàng mục tiêu là quan trọng để doanh nghiệp có thể tập trung tài nguyên và nỗ lực vào việc tiếp cận, phục vụ nhóm người có khả năng tương tác và mua hàng cao nhất. Bằng cách hiểu rõ khách hàng mục tiêu, doanh nghiệp có thể phát triển chiến lược Marketing, sản phẩm/ dịch vụ phù hợp để đáp ứng nhu cầu của khách hàng và tạo ra lợi nhuận.
Phân tích khách hàng mục tiêu là gì?
Phân tích khách hàng mục tiêu là xương sống cho tất cả các hoạt động Marketing, chúng bao gồm các kỹ thuật như dự đoán, trực quan hóa dữ liệu, quản lý thông tin và phân đoạn khách hàng. Hoạt động này đề cập đến quá trình nghiên cứu và đánh giá khách hàng tiềm năng mà một doanh nghiệp, tổ chức muốn hướng tới và tạo ra các chiến lược Marketing, kinh doanh phù hợp. Đây là một bước quan trọng trong quá trình phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu và triển khai chiến dịch Marketing.
Quá trình phân tích khách hàng mục tiêu thường bao gồm việc thu thập và phân tích thông tin về các đặc điểm, hành vi, nhu cầu và mong muốn của khách hàng. Các yếu tố quan trọng mà phân tích khách hàng mục tiêu thường tập trung vào bao gồm độ tuổi, giới tính, địa lý, thu nhập, sở thích, lối sống, giáo dục và các yếu tố tâm lý khác.
Tại sao cần xác định khách hàng mục tiêu?
Là một Marketer, việc hiểu đối tượng mục tiêu là rất quan trọng. Thông tin này là nền tảng để xác định mọi kế hoạch và chiến lược Marketing mà doanh nghiệp thực hiện. Một số lý do quan trọng mà doanh nghiệp buộc phải xác định khách hàng mục tiêu nếu muốn thành công trong kinh doanh:
Tối ưu hóa tài nguyên
Xác định khách hàng mục tiêu giúp tập trung tài nguyên, thời gian và nguồn lực vào nhóm khách hàng có khả năng tương tác và mua hàng cao nhất. Thay vì tiếp cận tất cả mọi người, doanh nghiệp sẽ tập trung vào nhóm khách hàng có khả năng cao nhất để tăng cơ hội thành công và giảm sự lãng phí.
Hiểu sâu về khách hàng
Xác định khách hàng mục tiêu mang lại cho doanh nghiệp cơ hội nghiên cứu và hiểu rõ hơn về họ. Từ đó có thể biết được nhu cầu, mong muốn và thách thức của khách hàng, tạo ra các sản phẩm/ dịch vụ phù hợp hơn. Doanh nghiệp cũng có thể tùy chỉnh chiến lược Marketing và truyền thông để phù hợp với nhóm khách hàng cụ thể này.
Tạo ra thông điệp hiệu quả
Bằng cách sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh và phương pháp truyền thông phù hợp với sở thích, giá trị và lợi ích của khách hàng mục tiêu, doanh nghiệp có thể tạo ra thông điệp hiệu quả và gần gũi với họ nhất. Thông điệp tạo ra có thể gợi cảm hứng và tạo niềm tin, tăng khả năng tương tác tích cực từ khách hàng.
Cạnh tranh hiệu quả
Xác định khách hàng mục tiêu cũng giúp nắm bắt thông tin về thị trường và cạnh tranh một cách hiệu quả hơn. Doanh nghiệp có thể nghiên cứu và phân tích đối thủ cạnh tranh trong cùng lĩnh vực để hiểu rõ hơn về cách họ tiếp cận, phục vụ khách hàng. Từ đó có thể tìm ra những điểm mạnh và điểm yếu của đối thủ, đồng thời tìm cách để tạo ra lợi thế cạnh tranh.
Thúc đẩy hiệu quả của các hoạt động Marketing
Khi biết rõ khách hàng mục tiêu, doanh nghiệp có thể xây dựng các chiến lược Marketing hiệu quả hơn. Các chiến lược này sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận đúng đối tượng khách hàng mục tiêu và truyền tải thông điệp phù hợp đến họ, tránh lãng phí nguồn lực.
Tăng cường sự gắn bó của khách hàng
Hiểu rõ khách hàng mục tiêu giúp doanh nghiệp tạo ra các chương trình khuyến mãi, ưu đãi phù hợp với nhu cầu của khách hàng, mang lại giá trị và gia tăng sự gắn bó, lòng trung thành từ họ.
Phân biệt khách hàng mục tiêu và khách hàng tiềm năng
Khách hàng mục tiêu và khách hàng tiềm năng là hai khái niệm thường được nhắc đến trong Marketing và kinh doanh. Cả hai đều là những đối tượng có nhu cầu và khả năng chi trả cho sản phẩm/ dịch vụ của doanh nghiệp. Tuy nhiên, giữa hai khái niệm này có những điểm khác biệt cơ bản bao gồm:
Phân biệt |
Khách hàng mục tiêu |
Khách hàng tiềm năng |
Khái niệm |
Là nhóm người mà công ty nhắm đến và tập trung vào để bán sản phẩm/ dịch vụ |
Là những người có khả năng trở thành khách hàng của công ty trong tương lai |
Mức độ hiểu biết về sản phẩm/dịch vụ |
Có hiểu biết sâu sắc về sản phẩm/dịch vụ |
Có hiểu biết ít hoặc chưa có hiểu biết về sản phẩm/dịch vụ |
Mức độ sẵn sàng mua hàng |
Sẵn sàng mua hàng |
Chưa sẵn sàng mua hàng |
Tìm kiếm thông tin |
Tìm kiếm thông tin về sản phẩm/dịch vụ một cách chủ động |
Tìm kiếm thông tin về sản phẩm/dịch vụ một cách bị động |
Quyết định mua hàng |
Có khả năng đưa ra quyết định mua hàng nhanh chóng |
Cần thời gian và sự thuyết phục của doanh nghiệp để đưa ra quyết định mua hàng |
Việc phân biệt khách hàng mục tiêu và khách hàng tiềm năng có ý nghĩa quan trọng đối với doanh nghiệp trong việc xây dựng chiến lược Marketing và kinh doanh.
-
Đối với khách hàng mục tiêu: Doanh nghiệp cần tập trung vào việc đáp ứng nhu cầu và mong muốn của họ. Doanh nghiệp cần hiểu rõ về đặc điểm, hành vi của khách hàng mục tiêu để có thể xây dựng các chiến lược Marketing và kinh doanh phù hợp.
-
Đối với khách hàng tiềm năng: Doanh nghiệp cần tập trung vào việc thu hút và chuyển đổi khách hàng tiềm năng thành khách hàng mục tiêu. Theo đó, cần triển khai các hoạt động Marketing và kinh doanh nhằm giúp khách hàng tiềm năng hiểu rõ hơn về sản phẩm/dịch vụ, thúc đẩy quyết định mua hàng của họ.
Quy trình phân tích khách hàng mục tiêu
Bước 1. Phân đoạn khách hàng mục tiêu
Mục tiêu của bước này là chia nhóm khách hàng mục tiêu thành các nhóm nhỏ hơn, có những đặc điểm tương đồng về nhu cầu, mong muốn, hành vi,... Giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về từng nhóm khách hàng, từ đó xây dựng các chiến lược Marketing và bán hàng hiệu quả hơn.
Phân đoạn hành vi
Quá trình phân tích hành vi khách hàng cần sự hiểu biết sâu sắc về quá trình ra quyết định của khách hàng. Trong bước này, doanh nghiệp cần trả lời các câu hỏi như:
- Các bước liên quan đến việc ra quyết định?
- Khách hàng tìm kiếm thông tin gì?
- Tiến trình mua hàng của khách hàng là gì?
- Khách hàng có tham khảo ý kiến của ai không?
- Lý do mua hàng của khách hàng là gì?
- Tần suất mua hàng?
- Thời gian mua hàng?
- Số lượng sản phẩm đã mua?
- Mua hàng ở đâu?
Phân đoạn tâm lý
Phân đoạn theo tâm lý tập trung vào việc phân tích các yếu tố tâm lý của khách hàng. Các yếu tố thường được sử dụng để phân đoạn theo tâm lý bao gồm:
- Khách hàng có tính cách như thế nào?
- Khách hàng coi trọng những giá trị gì?
- Khách hàng có niềm tin gì?
- Khách hàng có sở thích gì?
- Khách hàng có lối sống như thế nào?
Trong giao dịch tiêu dùng, giá cả và chất lượng thường là các yếu tố quan trọng. Tuy nhiên, trong các giao dịch giữa doanh nghiệp (B2B), những vấn đề liên quan đến dịch vụ trở nên quan trọng hơn nhiều, bao gồm độ tin cậy, điều khoản thanh toán và lịch trình giao hàng.
Để phát triển một đề xuất giá trị rõ ràng và ngắn gọn, các công ty cần xác định nhu cầu của khách hàng và đáp ứng những lợi ích hữu ích mà khách hàng có thể mong đợi từ sản phẩm của mình. Sau khi xác định các tiêu chí mua hàng chính, các nỗ lực tiếp thị có thể tập trung vào việc tạo nhận thức về sản phẩm theo các khía cạnh quan trọng như giá cả, chất lượng, sự tiện lợi và uy tín, so với sản phẩm của các đối thủ cạnh tranh.
Phân đoạn nhân khẩu học
Khi xác định nhân khẩu học của khách hàng mục tiêu, doanh nghiệp cần tự trả lời các câu hỏi như:
- Độ tuổi nào quan tâm đến sản phẩm/ dịch vụ nào?
- Giới tính nào sẽ có sự quan tâm cao nhất đối với sản phẩm hoặc dịch vụ này?
- Mức thu nhập của khách hàng mục tiêu là bao nhiêu?
- Trình độ học vấn của khách hàng?
- Tình trạng hôn nhân hoặc gia đình của khách hàng như thế nào? Họ đã kết hôn, độc thân hay đã ly hôn? Có con hoặc cháu không?
- Khách hàng mục tiêu có những sở thích, quan tâm gì đặc biệt?
Bằng việc xác định rõ các yếu tố nhân khẩu học này, các chiến dịch Marketing có thể tìm ra các kênh tiếp cận hiệu quả nhất để tiếp cận các phân đoạn nhân khẩu học cụ thể này.
Bước 2. Xác định “đúng” khách hàng giá trị
Nguyên tắc Pareto, còn được gọi là quy tắc 80/20, cho rằng 80% kết quả được tạo ra từ 20% nguồn lực. Trong lĩnh vực Marketing và phân tích khách hàng, nguyên tắc Pareto có thể áp dụng bằng cách tìm ra nhóm khách hàng 20% mang lại 80% giá trị cho doanh nghiệp.
Doanh nghiệp có thể xác định “đúng” những khách hàng có giá trị nhất bằng cách dựa trên những chỉ số khách hàng quan trọng, đồng thời tìm kiếm mẫu trong cơ sở dữ liệu. Trong đó, các chỉ số khách hàng mà doanh nghiệp cần quan tâm bao gồm:
- Giá trị lâu dài của khách hàng
- Tỷ lệ giữ chân khách hàng
- Tỷ lệ mua lại
- Tỷ lệ bán chạy
- Tỷ lệ quy đổi
- Chỉ số lòng trung thành của khách hàng
- Số tương tác của khách hàng
Dựa trên kết quả phân tích dữ liệu, doanh nghiệp cần xây dựng chân dung khách hàng giá trị. Đây là nhóm khách hàng có khả năng mua hàng thường xuyên, có giá trị trung bình hoặc cao, và có khả năng trở thành người giới thiệu khách hàng mới.
Bước 3. Trò chuyện với khách hàng
Trò chuyện với khách hàng là cơ hội để họ chia sẻ những cảm xúc và động lực thúc đẩy việc mua hàng, những khó khăn mà họ gặp phải và nhu cầu sâu sắc nhất của mình. Để đạt được mục tiêu này, việc đặt câu hỏi đúng là rất quan trọng. Kỹ thuật 5W (Who, What, When, Where, Why) có thể được áp dụng để khám phá sâu hơn vấn đề và tìm hiểu nguyên nhân gốc rễ của nó.
Thống kê cho thấy 95% quyết định mua hàng dựa trên cảm xúc. Vì vậy, trong cuộc phỏng vấn, tạo ra một môi trường thoải mái và an toàn để khách hàng có thể tin tưởng chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc thật của mình là rất quan trọng. Điều này có thể được thực hiện bằng cách tạo ra một cuộc trò chuyện thân thiện và lắng nghe tích cực. Một số mẹo hữu ích để thực hiện một cuộc phỏng vấn khách hàng thành công:
-
Đặt câu hỏi mở: Sử dụng câu hỏi mở để khách hàng có thể tự do chia sẻ ý kiến, suy nghĩ và cảm xúc của họ. Thay vì hỏi những câu hỏi có thể trả lời bằng "có" hoặc "không", hãy hỏi "Tại sao" và "Làm thế nào" để khám phá sâu hơn vấn đề và cảm nhận của khách hàng.
-
Thực hành lắng nghe tích cực: Hãy lắng nghe chân thành và tập trung vào khách hàng khi họ chia sẻ thông tin. Thể hiện sự quan tâm và sẵn sàng hiểu rõ hơn về những gì họ đang nói, tránh gây gián đoạn hoặc ngắt lời khách hàng..
-
Chú ý đến ngôn ngữ cơ thể: Ngôn ngữ cơ thể của khách hàng cũng chứa đựng nhiều thông tin quan trọng. Hãy chú ý đến biểu hiện khuôn mặt, cử chỉ, và cách di chuyển của họ.
Bước 4. Thu thập ý kiến khách hàng
Có nhiều phương pháp khác nhau để thu thập ý kiến khách hàng mục tiêu, như cuộc khảo sát trực tuyến, phỏng vấn cá nhân, nhóm thảo luận, tương tác trực tiếp qua điện thoại hoặc email, hoặc sử dụng các công cụ phân tích dữ liệu xã hội. Chọn phương pháp phù hợp với mục tiêu và tài nguyên của doanh nghiệp.
-
Thiết kế câu hỏi hoặc nội dung thu thập ý kiến: Xác định các câu hỏi hoặc nội dung cần thu thập từ khách hàng. Đảm bảo rằng các câu hỏi rõ ràng, cung cấp thông tin cần thiết và không gây hiểu lầm. Doanh nghiệp có thể sử dụng câu hỏi đơn lẻ, câu hỏi đa lựa chọn, hay yêu cầu khách hàng chia sẻ ý kiến cá nhân.
-
Lựa chọn đối tượng khách hàng: Có thể là khách hàng hiện tại, khách hàng tiềm năng hoặc người dùng có kinh nghiệm với sản phẩm/c dịch vụ tương tự.
-
Triển khai phương pháp thu thập ý kiến: Áp dụng phương pháp đã chọn để thu thập ý kiến từ khách hàng. Đảm bảo sự tổ chức và thuận tiện để khách hàng có thể dễ dàng tham gia, chia sẻ ý kiến của mình.
-
Phân tích và đánh giá ý kiến: Sau khi thu thập ý kiến, tiến hành phân tích và đánh giá các thông tin thu thập được. Sử dụng các phương pháp phân tích dữ liệu như phân tích nội dung, phân tích thống kê hoặc phân tích ngữ cảnh để hiểu và rút ra những thông tin quan trọng từ ý kiến khách hàng.
Bước 5. Khảo sát
Để hiểu được động cơ và mối quan tâm của khách hàng mục tiêu, có một số phương pháp định tính để nói chuyện và thu thập ý kiến từ hiện trường. Tuy nhiên, để kiểm tra và chứng minh những giả thuyết này, việc tiến hành các cuộc khảo sát khách hàng là không thể thiếu. Trong bước khảo sát, doanh nghiệp có thể cân nhắc sử dụng một số phương thức như:
-
Khảo sát trong ứng dụng: Sử dụng các ứng dụng di động hoặc web để tạo và thực hiện cuộc khảo sát trực tuyến. Khách hàng có thể dễ dàng truy cập và tham gia vào quá trình khảo sát.
-
Cuộc khảo sát sau dịch vụ: Sau khi khách hàng sử dụng sản phẩm/ dịch vụ, gửi cho họ một cuộc khảo sát để thu thập phản hồi về trải nghiệm của họ. Giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về những điểm mạnh và yếu của sản phẩm/ dịch vụ của mình.
-
Cuộc khảo sát qua email: Thường được sử dụng khi muốn thu thập thông tin từ một số lượng lớn khách hàng một cách tiện lợi và tiết kiệm thời gian.
-
Phân tích kết hợp: Kỹ thuật này dựa trên việc yêu cầu khách hàng đánh giá giá trị của từng tính năng của sản phẩm/ dịch vụ thông qua các câu hỏi giả định.
Bước 6. Tạo cá tính khách hàng mục tiêu
Dựa trên thông tin thu thập được và yếu tố quyết định, cần xác định các đặc điểm và lợi ích mà sản phẩm/ dịch vụ doanh nghiệp cung cấp phù hợp với khách hàng mục tiêu. Từ đó tạo ra thông điệp, cung cấp giá trị phù hợp để thu hút và giữ chân khách hàng.
Cuối cùng, doanh nghiệp cần tạo ra một hồ sơ chi tiết về khách hàng mục tiêu dựa trên các thông tin và phân tích đã thu thập. Hồ sơ này nên bao gồm thông tin về đặc điểm, hành vi, sở thích, nhu cầu, kỳ vọng,... của khách hàng mục tiêu. Hồ sơ này sẽ giúp doanh nghiệp định hình chiến lược và phát triển các hoạt động Marketing mục tiêu đúng đối tượng.
Bước 7. Xây dựng customer journey map
Customer journey map (CJM) là một sơ đồ trực quan mô tả các giai đoạn mà khách hàng trải qua, từ khi họ nhận thức về doanh nghiệp cho đến khi họ mua hàng và trở thành khách hàng trung thành.
Sơ đồ hành trình khách hàng cung cấp một cái nhìn tổng quan về trải nghiệm khách hàng, bao gồm các tương tác, cảm xúc và điểm tiếp xúc khác nhau trong quá trình mua hàng hoặc sử dụng dịch vụ. Nó giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về hành vi, nhu cầu và mong đợi của khách hàng trong mỗi giai đoạn của quá trình này.
Một nhược điểm của khách hàng mục tiêu là các doanh nghiệp có thể tập trung quá hẹp vào đối tượng mục tiêu đã xác định đến mức họ bỏ qua những người tiêu dùng tiềm năng khác. Ngay cả đối tượng mục tiêu được nghiên cứu kỹ lưỡng cũng có thể loại trừ nhầm những người quan tâm đến sản phẩm/ dịch vụ. Vì vậy, điều quan trọng là phải sử dụng khách hàng mục tiêu làm cơ sở chứ không phải là mục tiêu cuối cùng. Khi việc cung cấp sản phẩm/ dịch vụ của bạn bắt đầu mở rộng, doanh nghiệp cần phải liên tục đánh giá lại đối tượng mục tiêu của mình.