Sẽ ra sao nếu bạn không thích Sếp của mình?

Stacey vô cùng yêu thích công việc của cô ấy tại công ty công nghệ hàng đầu thế giới. Quản lý trực tiếp của Stacey chuyển công tác, khi đó “ác mộng” ập đến vì Peter – quản lý mới muốn thay đổi mọi thứ mà vị quản lý cũ cùng nhân viên của ông ấy “hao tâm tổn sức” gầy dựng bao năm qua. Trong vòng một năm, Peter đã sa thải hơn một nửa số nhân viên cũ.

Stacey cố gắng tôn trọng, tạo dựng niềm tin, xin ý kiến chỉ đạo giải quyết công việc nhưng Peter thể hiện thái độ lạnh lùng, “lờ” đi sự có mặt của Stacey. Dốc hết sức, tuy nhiên Stacey không thể làm cho mối quan hệ với Peter trở nên “khá khẩm” hơn. Mệt mỏi, vài tháng sau đó, Stacey quyết định trình bày vấn đề này lên phòng Nhân sự. Ngoài nhận được sự cảm thông từ Quản lý Nhân sự, không có động thái nào quyết liệt hơn. Lý do là Peter hoàn thành tốt công việc và không ai phàn nàn thái độ làm việc của Peter.

Không thể thay đổi, Stacey cảm thấy tuyệt vọng, mệt mỏi, chán chường, thiếu tập trung trong công việc. Stacey lo lắng rằng hướng giải thoát duy nhất là phải nói lời tạm biệt với công ty hiện tại đang làm việc. Câu chuyện của Stacey khá quen thuộc với đại đa số trường hợp xảy ra nơi công sở.

Vậy, một người sếp “xấu” là người như thế nào? Là người quản lý ở tầm vi mô, bắt nạt, tránh né mâu thuẫn, tránh né các quyết định, đánh mất lòng tin, đổ lỗi cho nhân viên, “ghim” khi bị chỉ trích, không lắng nghe, không mẫu mực, “dìm” nhân viên tài năng. Những hành động trên khiến nhân viên bất mãn, hiệu suất công việc kém.

Bài viết này nhằm mục đích đưa ra một vài phương cách giải quyết cho bất kì ai gặp sếp “xấu”:

 

20140718171459-1379304192c5d730b675-1414743159583.jpg

1. Rèn luyện sự cảm thông

Đầu tiên, bạn cần xem những áp lực mà sếp bạn phải đối mặt. Hầu hết những người sếp “xấu” không phải là người bản chất đã “xấu”; họ là người tốt nhưng có những điểm yếu khiến cho bản ngã “tốt” trở nên “xấu” đi bởi áp lực công việc. Vì thế, điều quan trọng là xem xét không chỉ cách sếp hành động mà còn đặt câu hỏi tại sao sếp lại hành động như vậy.
Nghiên cứu cho thấy rèn luyện sự cảm thông sẽ giúp mối quan hệ giữa sếp và nhân viên được dung hòa một cách bất ngờ. Các chuyên gia như Stephen Covey và Daniel Goleman nhấn mạnh tầm quan trọng của “trí tuệ xúc cảm” đến quản lý mối quan hệ. Tóm lại, nếu bạn cảm thông với cấp trên, khả năng cấp trên cũng sẽ thông cảm với bạn trên tinh thần “win – win”.

Goleman nói rằng, sự cảm thông không phải tự dưng có, mà cần được tôi luyện. Nghiên cứu gần đây của các chuyên gia tại Menninger cho thấy, nếu bạn thể hiện sự cảm thông một cách có ý thức, nhận thức của bạn về cảm xúc của người khác sẽ chính xác hơn.

Trường hợp của George – quản lý bán hàng trong một công ty lớn ở Mỹ là một thí dụ. George làm việc cống hiến hết mình, cố tạo ấn tượng tốt với Abby – sếp cả George. Tuy nhiên, George thất vọng bởi Abby không hề lưu tâm chú ý đến anh ta. Đến khi một đồng nghiệp của George chia sẻ rằng George nên tìm hiểu về khối lượng công việc Abby phụ trách để thông cảm cho Abby. George nhận ra Abby vẫn quan tâm đến công việc của George, do Abby quá bận rộn với nhiều dự án cùng lúc, không thể hỗ trợ anh ấy kịp lúc.

Một bữa tối thân mật có thể giúp cho khoảng cách giữa sếp và nhân viên thu ngắn lại. Thăm hỏi về tiến độ công việc, khó khăn vướng mắc cả hai bên gặp phải giúp cho mọi việc trở nên cởi mở, rào cản áp lực nhanh chóng được tháo dỡ. Lắng nghe thấu hiểu người khác cũng chính là cách bạn giải tỏa được nỗi lòng.

2. Xem xét vai trò của bạn

Tiếp đến cần nhìn nhận lại bản thân. Theo kinh nghiệm của tôi, những người gặp trở ngại làm việc với cấp trên thường “có vấn đề” về cách cư xử khiến cho họ không được đánh giá cao. Khi bạn hiểu mấu chốt vấn đề và thay đổi phù hợp, mối quan hệ với cấp trên sẽ thay đổi theo chiều hướng tích cực.

Quan sát và xin lời khuyên từ những đồng nghiệp đã từng phối hợp làm việc với sếp hiệu quả. Cố gắng hiểu sếp và điều chỉnh lại những điểm mà bạn có thể làm tốt hơn. Tìm hiểu căn nguyên thay vì đặt câu hỏi tại sao không lời giải đáp. Đồng nghiệp với từng góc nhìn khác nhau sẽ giúp bạn nhìn ra vấn đề, sửa chữa và cải thiện.

Nếu góp ý từ đồng nghiệp không khả quan, hãy tiếp cận một cách trực diện với cấp trên bằng cuộc họp riêng và đặt những câu hỏi một cách tế nhị. Thay vì hỏi tôi đã làm gì sai, hãy hỏi tôi có thể giúp sếp đạt được mục tiêu bằng cách nào. Nếu may mắn, sếp sẽ đón nhận thành ý của bạn và mối quan hệ sẽ trở nên ngày một tốt hơn. Nếu bạn thấy rằng bạn không phải là nguyên nhân khiến mối quan hệ sếp - nhân viên xấu đi, có lẽ sự tương tác giữa bạn và sếp chưa được tốt và bạn hãy khắc phục tình hình bằng cách mời sếp đến một nơi “an toàn”, nơi mà bạn có thể thoải mái chia sẻ với sếp mà không bị làm phiền.

3. Báo động cho phòng Nhân sự

Nếu chưa cải thiện được mối quan hệ với sếp, và nếu đồng nghiệp có cùng suy nghĩ như bạn, bạn hãy báo cho phòng Nhân sự và lãnh đạo cấp cao về vấn đề này.

Tuy nhiên, khi báo cho phòng Nhân sự, bạn cần đảm bảo chắc chắn rằng sự việc bạn trình bày có bằng chứng cụ thể và làm theo đúng quy trình của phòng Nhân sự. Càng nhiều người đồng lòng nêu ra ý kiến với vật chứng cụ thể, các cấp lãnh đạo sẽ không thể không “nhúng tay” vào cuộc.
Việc này khá phổ biến, và khi tình huống đưa ra không thuyết phục, thay vì giúp cải thiện được mối quan hệ, rất có thể nhân viên sẽ bị sa thải. Vì vậy, thông báo đến phòng Nhân sự là cách làm mạo hiểm mà tôi khuyên bạn nên suy xét kỹ trước khi thực hiện.

4. Tìm kiếm cơ hội khác

Nếu bạn không thể làm gì khiến cho mối quan hệ của bạn và sếp tốt hơn bằng các cách trên, bạn sẽ còn rất ít sự lựa chọn. Một trong số đó là hạn chế tiếp xúc trực diện với sếp. Lấy thời gian đánh cược cho niềm hy vọng cải thiện mối quan hệ sếp – nhân viên. Tuy nhiên, bạn cần chuẩn bị tinh thần đối mặt với sự thất vọng, áp lực cùng “trò chơi” thời gian này.

Sự lựa chọn cuối cùng là tìm kiếm một công việc khác. Có một người sếp “xấu” không phải lỗi của bạn, nhưng cứ tiếp tục kéo dài không hồi kết thì chính bạn tự “đóng” cánh cửa cơ hội của chính mình.

Chúc bạn may mắn!

 

(Nguồn: Harvard Business Review)