"Chuyển đổi kép": Song hành chuyển đổi số và chuyển đổi xanh cho sự phát triển bền vững

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, hai xu hướng chính đang ngày càng trở nên nổi bật và quan trọng đối với sự phát triển bền vững của các quốc gia và doanh nghiệp: chuyển đổi số (Digital transformation - DX)chuyển đổi xanh (Green Transformation – GX). Hai xu hướng này không chỉ bổ trợ mà còn tương tác cộng hưởng lẫn nhau, hình thành nên khái niệm "chuyển đổi kép" - một lộ trình phát triển mà ở đó công nghệ số hỗ trợ các giải pháp bền vững, đồng thời quá trình chuyển đổi xanh tạo ra những tiêu chuẩn và yêu cầu mới cho các hệ thống số. Sự kết hợp này đóng vai trò quyết định trong việc định hình tương lai của các doanh nghiệp, ngành công nghiệp và toàn bộ xã hội.  

Chuyển đổi kép là gì?

Chuyển đổi kép (Dual transformation "Digital and Green") là khái niệm mô tả quá trình kết hợp hai xu hướng lớn: chuyển đổi số và chuyển đổi xanh nhằm đạt mục tiêu phát triển bền vững (17 SDGs) cho doanh nghiệp, quốc gia và xã hội toàn cầu. Trong bối cảnh công nghệ và môi trường là hai yếu tố có sức ảnh hưởng mạnh mẽ, sự kết hợp này được coi là chiến lược tất yếu để đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường hiện đại, đồng thời đảm bảo tính bền vững về lâu dài.

  • Chuyển đổi số (Digital Transformation) tập trung vào việc áp dụng công nghệ số để thay đổi cách thức hoạt động, quản lý và cung cấp dịch vụ, từ đó nâng cao hiệu suất và tính cạnh tranh của doanh nghiệp. Thông qua các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây,... Đây được xem là động lực giúp các doanh nghiệp nhanh chóng thích nghi với những thay đổi của thị trường và nhu cầu của người tiêu dùng.

  • Chuyển đổi xanh (Green Transformation) là quá trình thay đổi nhằm hướng tới mô hình phát triển bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường và sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách hiệu quả. Theo đó, nó đòi hỏi doanh nghiệp phải đáp ứng các tiêu chuẩn ESG, CSR, giảm phát thải ròng bằng 0 (Net Zero),... Để qua đó duy trì sự phát triển lâu dài trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với khủng hoảng khí hậu và cạn kiệt tài nguyên.

Sự kết hợp giữa hai xu hướng "Digital & Green" chính là chuyển đổi kép (Dual transformation). Chuyển đổi kép không chỉ dừng lại ở việc áp dụng công nghệ số để tăng hiệu quả hoạt động mà còn chú trọng đến việc áp dụng các tiêu chuẩn và giải pháp xanh để phát triển theo hướng bền vững. Đây là một lộ trình phát triển toàn diện, vừa tối ưu hóa hiệu suất kinh doanh thông qua số hóa vừa đảm bảo tính bền vững và trách nhiệm với môi trường xanh.

Tại Hội nghị thượng đỉnh 2024 (Ngày 28/05/2024, Hà Nội), Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Hai cuộc chuyển đổi này sẽ thay đổi căn bản cuộc sống của tất cả chúng ta. Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là hai thực thể song sinh, chúng song hành và hỗ trợ lẫn nhau. Nếu chúng ta muốn phát triển nhanh chóng, bạn phải thực hiện chuyển đổi số và nếu chúng ta muốn phát triển bền vững, chúng ta cũng phải thực hiện chuyển đổi xanh. Vì vậy, hai cuộc chuyển đổi này sẽ đảm bảo sự phát triển nhanh chóng và bền vững cho đất nước”.

chuyển đổi kép
Chuyển đổi kép là xu hướng kết hợp chuyển đổi số và chuyển đổi xanh

Vai trò của chuyển đổi kép

Tác động kinh tế

Theo Diễn đàn Kinh tế Thế Giới, các giải pháp số có thể làm giảm 20% lượng khí thải toàn cầu và đóng vai trò chính trong việc hỗ trợ tăng trưởng bền vững thông qua việc tối ưu hóa tài nguyên và hệ thống vận hành. Để qua đó, giúp các doanh nghiệp tăng cường hiệu quả sản xuất, quản lý chuỗi cung ứng, cũng như tạo điều kiện thực hiện các giải pháp xanh như theo dõi lượng khí thải và quản lý nguồn năng lượng hiệu quả hơn. Theo Statista, Chi tiêu chuyển đổi số toàn cầu 2024 dự kiến đạt 2,49 nghìn tỷ USD và đạt 3,9 nghìn tỷ USD năm 2027. Năm 2025, ít nhất 90% các ứng dụng doanh nghiệp mới sẽ tích hợp AI vào quy trình và sản phẩm, trở thành yếu tố cốt lõi trong hoạt động kinh doanh. 

Các dự báo cũng cho thấy, nền Kinh tế kỹ thuật số có thể tăng gấp đôi trong 5 năm tới, một phần nhờ vào xu hướng chuyển đổi kép. Những công nghệ như điện toán đám mây, dữ liệu lớn và AI đang được sử dụng để giảm thiểu tác động môi trường của các hoạt động kinh tế, giúp thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn và giảm lãng phí. Đồng thời, dự kiến sẽ có 200 triệu việc làm mới vào 2050 được tạo ra nhờ vào nền kinh tế xanh, giúp bù đắp sự suy giảm trong các ngành công nghiệp có lượng phát thải cao như than đá và dầu mỏ.

Đối với các quốc gia như Trung Quốc, Mỹ, và Liên minh châu Âu, chuyển đổi xanh đã và đang đóng góp từ 5% đến 30% vào tăng trưởng GDP, với các khoản đầu tư mạnh vào sản xuất năng lượng sạch và công nghệ xanh. Điều này cho thấy tiềm năng của nền kinh tế xanh không chỉ nằm ở việc giảm thiểu tác động môi trường mà còn là động lực tăng trưởng mới cho nhiều quốc gia​.

Tác động môi trường

Khi các doanh nghiệp và quốc gia áp dụng các giải pháp xanh như giảm phát thải khí nhà kính, sử dụng năng lượng tái tạo và tăng cường tái chế, tác động tiêu cực đến môi trường có thể được giảm thiểu đáng kể. Các công nghệ số hỗ trợ quá trình này bằng cách cung cấp các công cụ giám sát và quản lý tài nguyên môi trường hiệu quả hơn. Nhờ áp dụng chuyển đổi kép, con người có thể tiến gần hơn đến mục tiêu phát triển bền vững và bảo vệ hành tinh cho các thế hệ tương lai.

Tuy nhiên, quá trình này cũng có thể gia tăng tiêu thụ năng lượng, đặc biệt là từ các trung tâm dữ liệu và các công nghệ liên quan, làm tăng lượng phát thải khí nhà kính. Do đó, để cân bằng và tận dụng tối đa lợi ích của chuyển đổi số trong việc bảo vệ môi trường, cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa hai quá trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh​.

Mặc dù nhiều quốc gia đã cam kết giảm lượng phát thải khí nhà kính, thực tế cho thấy tỷ lệ khử carbon của các nền kinh tế, đặc biệt tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, vẫn chưa đáp ứng được các cam kết. Điều này đòi hỏi nỗ lực phối hợp giữa chính phủ và doanh nghiệp trong việc áp dụng công nghệ số để giảm phát thải và đạt được mục tiêu khử carbon​. 

Tác động xã hội

Chuyển đổi xanh thúc đẩy một lối sống bền vững hơn, nâng cao nhận thức của cộng đồng về các vấn đề môi trường và khuyến khích sự thay đổi hành vi trong việc sử dụng tài nguyên. Khi các doanh nghiệp và tổ chức triển khai các chính sách và giải pháp xanh, họ cũng tạo ra môi trường làm việc và sinh hoạt thân thiện hơn, từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Những nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ môi trường, và xây dựng các thành phố thông minh sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho sức khỏe cộng đồng.

Trong khi đó, chuyển đổi số tạo ra cơ hội việc làm mới, thúc đẩy sự phát triển của nguồn nhân lực và tăng cường khả năng tiếp cận giáo dục, dịch vụ y tế và các dịch vụ công khác thông qua các nền tảng số. Đồng thời, thu hẹp khoảng cách giữa các khu vực đô thị và nông thôn, tạo ra sự công bằng hơn trong việc phân bổ tài nguyên và dịch vụ. Bên cạnh đó, khi thực hiện chuyển đổi kép, xã hội sẽ hướng đến một tương lai công bằng, bền vững hơn, nơi con người và môi trường sống được bảo vệ và phát triển hài hòa.

tác động của chuyển đổi kép
Chuyển đổi kép có những tác động tích cực lẫn tiêu cực đến kinh tế, môi trường và xã hội

Lợi ích của doanh nghiệp trong chuyển đổi kép

Chuyển đổi kép không chỉ giúp tối ưu hóa quy trình vận hành, tiết kiệm chi phí, mà còn thúc đẩy sự đổi mới, nâng cao niềm tin của khách hàng và gia tăng khả năng phục hồi trước các biến động. Doanh nghiệp nào thực hiện chuyển đổi kép thành công sẽ không chỉ đạt hiệu suất kinh doanh cao hơn mà còn đóng góp vào sự phát triển bền vững của xã hội và bảo vệ môi trường.

  1. Tiết kiệm chi phí
  2. Đổi mới sáng tạo
  3. Xây dựng niềm tin
  4. Khả năng phục hồi

Tiết kiệm chi phí

Một trong những lợi ích rõ rệt nhất của chuyển đổi kép là khả năng tiết kiệm chi phí. Các sáng kiến chuyển đổi số và AI đã và đang được triển khai tại hơn 89% các công ty lớn trên toàn cầu, mang lại 31% mức tăng doanh thu dự kiến và tiết kiệm 25% chi phí. Những hệ thống phần mềm quản lý số có thể giúp doanh nghiệp theo dõi và phân tích hiệu suất hoạt động trong thời gian thực, từ đó phát hiện nhanh chóng các vấn đề và điều chỉnh kịp thời để giảm thiểu thất thoát.

Về mặt chuyển đổi xanh, áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng và tái sử dụng tài nguyên có thể giúp doanh nghiệp giảm chi phí tiêu thụ năng lượng và chi phí xử lý rác thải. Ví dụ, việc sử dụng năng lượng mặt trời, gió, hay các nguồn năng lượng tái tạo khác không chỉ làm giảm hóa đơn năng lượng mà còn giúp doanh nghiệp giảm chi phí tuân thủ các quy định về môi trường. Điều này càng trở nên quan trọng trong bối cảnh các chính sách về môi trường ngày càng nghiêm ngặt.

Đổi mới sáng tạo

Chuyển đổi kép thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong cả cách vận hành và phát triển sản phẩm, dịch vụ mới. Nếu các Công nghệ số cho phép doanh nghiệp phát triển những mô hình kinh doanh mới, tạo ra các sản phẩm số hóa và cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng, tận dụng sự linh hoạt và khả năng mở rộng nhanh chóng để phục vụ các nhu cầu thay đổi của thị trường. Thì chuyển đổi xanh khuyến khích doanh nghiệp tìm kiếm các giải pháp sáng tạo thân thiện với môi trường, từ việc thiết kế các sản phẩm và dịch vụ xanh hơn đến việc cải thiện quy trình sản xuất nhằm giảm phát thải và tối ưu hóa sử dụng tài nguyên. Doanh nghiệp có thể tạo ra các sản phẩm xanh mới, từ đó đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng đối với các sản phẩm bền vững và thân thiện với môi trường. 

Việc đổi mới này không chỉ dừng lại ở sản phẩm mà còn trong cách thức doanh nghiệp kết nối với các đối tác và khách hàng, thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn và các mô hình kinh doanh hợp tác hơn.

Xây dựng niềm tin

Chuyển đổi kép giúp doanh nghiệp xây dựng niềm tin mạnh mẽ hơn từ khách hàng, đối tác và các bên liên quan. Khách hàng ngày càng chú trọng đến những doanh nghiệp có cam kết rõ ràng về bền vững và trách nhiệm xã hội. Theo các khảo sát, 80% người tiêu dùng thường có xu hướng sẽ trả nhiều tiền hơn cho các sản phẩm mang tính bền vững. Đồng thời, 70% người muốn biết các thương hiệu mà họ đang ủng hộ sẽ giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường như thế nào.

Do đó, thông qua việc chuyển đổi xanh, doanh nghiệp chứng minh được nỗ lực giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, đáp ứng các tiêu chuẩn xanh và góp phần vào phát triển bền vững. Điều này giúp cải thiện hình ảnh thương hiệu và tăng cường lòng tin từ khách hàng, đối tác và cả nhà đầu tư.

Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp nâng cao tính minh bạch trong hoạt động và cải thiện dịch vụ khách hàng. Ví dụ, việc sử dụng công nghệ blockchain giúp theo dõi chuỗi cung ứng một cách minh bạch, đảm bảo rằng các sản phẩm được sản xuất và phân phối theo quy trình bền vững. Điều này tăng cường niềm tin của người tiêu dùng về tính minh bạch và trung thực của doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh. Đồng thời, việc cung cấp các dịch vụ số hóa, nhanh chóng và tiện lợi cũng giúp doanh nghiệp nâng cao trải nghiệm khách hàng, tạo sự tin tưởng và trung thành lâu dài.

Khả năng phục hồi

Chuyển đổi kép mang lại cho doanh nghiệp khả năng phục hồi cao hơn trước những biến động của thị trường và môi trường kinh doanh. Với chuyển đổi số, doanh nghiệp có thể linh hoạt và nhanh chóng điều chỉnh các chiến lược kinh doanh, dựa trên những dữ liệu phân tích thời gian thực. Điều này giúp doanh nghiệp dễ dàng thích nghi với những thay đổi trong nhu cầu của khách hàng, sự cạnh tranh trong ngành hay các xu hướng mới. Ngoài ra, công nghệ số giúp cải thiện khả năng quản lý rủi ro bằng cách tự động hóa các quy trình kiểm tra và dự đoán các sự cố có thể xảy ra.

Về phần chuyển đổi xanh, doanh nghiệp xây dựng khả năng phục hồi môi trường thông qua việc giảm thiểu sự phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên không tái tạo và phát triển các quy trình bền vững hơn. Khi thực hiện các giải pháp thân thiện với môi trường, doanh nghiệp giảm thiểu được rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu và các quy định ngày càng nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường. Nhờ đó, doanh nghiệp không chỉ bảo vệ được lợi ích kinh tế ngắn hạn mà còn tăng cường khả năng phục hồi trước những thách thức lâu dài về môi trường và xã hội.

lợi ích của chuyển đổi kép
Doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi kép có thể tiết kiệm chi phí và phát triển bền vững

Thách thức trong quá trình thực hiện chuyển đổi kép

Chuyển đổi kép tuy mang lại nhiều cơ hội phát triển bền vững cho doanh nghiệp và xã hội nhưng việc triển khai chuyển đổi kép không hề đơn giản, khi có khoảng 70% các doanh nghiệp chuyển đổi số thất bại. Doanh nghiệp và tổ chức phải đối mặt với nhiều thách thức trên các mặt công nghệ, cơ sở hạ tầng, chính sách pháp lý và văn hóa con người. Các thách thức này có thể làm chậm tiến độ chuyển đổi, gây ra khó khăn trong việc áp dụng các giải pháp mới và thậm chí dẫn đến thất bại nếu không được giải quyết kịp thời. 

Thách thức công nghệ và cơ sở hạ tầng

Một trong những thách thức lớn nhất trong quá trình thực hiện chuyển đổi kép là vấn đề công nghệ và cơ sở hạ tầng khi chuyển đổi số yêu cầu sự đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ tiên tiến. Đối với nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, việc triển khai và duy trì các công nghệ này có thể đòi hỏi chi phí lớn, cả về tài chính lẫn nguồn lực nhân sự. Theo khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có tới 98% doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa của Việt Nam còn hạn chế trong việc chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng bền vững hơn. 

Cơ sở hạ tầng kỹ thuật số cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện thành công quá trình chuyển đổi số. Nhiều khu vực và quốc gia, đặc biệt là ở các nền kinh tế đang phát triển, vẫn còn thiếu các hệ thống mạng internet tốc độ cao, các trung tâm dữ liệu hiện đại, và nguồn nhân lực kỹ thuật số đủ trình độ để vận hành và quản lý các hệ thống phức tạp này.

Về phía chuyển đổi xanh, việc xây dựng hạ tầng năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió hay các hệ thống tái chế tài nguyên cũng đòi hỏi những khoản đầu tư lớn. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng phải đối mặt với các thách thức liên quan đến việc tối ưu hóa quy trình sản xuất và quản lý để đạt được mục tiêu tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải carbon. Nhiều doanh nghiệp nhỏ không có đủ nguồn lực để chuyển đổi hoàn toàn sang các hệ thống sản xuất xanh, khiến quá trình chuyển đổi kép gặp khó khăn.

Thách thức chính sách và pháp lý

Ở nhiều quốc gia, khung pháp lý và quy định về chuyển đổi số và chuyển đổi xanh còn thiếu sự đồng bộ hoặc chưa đầy đủ để hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi. Sự phức tạp và chậm trễ trong việc ban hành các quy định liên quan đến bảo vệ dữ liệu, an ninh mạng và quyền sở hữu trí tuệ có thể cản trở quá trình áp dụng công nghệ số.

Mặt khác, các quy định về môi trường và tiêu chuẩn xanh cũng chưa được thiết lập đầy đủ hoặc chưa đồng nhất trên toàn cầu. Điều này khiến doanh nghiệp khó khăn trong việc tuân thủ các quy định khi hoạt động ở các thị trường khác nhau. Ngoài ra, nhiều quốc gia chưa có các chính sách khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo hoặc các chính sách hỗ trợ tài chính để giúp doanh nghiệp tiếp cận các công nghệ xanh mới.

Chính sách hỗ trợ từ phía chính phủ và các cơ quan quản lý đóng vai trò rất quan trọng trong việc khuyến khích doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi kép. Tuy nhiên, nếu các chính sách này không được thiết kế một cách hợp lý hoặc thiếu sự thực thi, doanh nghiệp có thể gặp khó khăn trong việc tận dụng các cơ hội phát triển bền vững. Sự thiếu nhất quán trong các chính sách giữa các cơ quan quản lý cũng có thể làm gia tăng sự phức tạp cho doanh nghiệp.

Thách thức văn hóa và con người

Yếu tố văn hóa và con người là một trong những thách thức lớn nhất trong quá trình thực hiện chuyển đổi kép. Chuyển đổi kép không chỉ là vấn đề công nghệ và hạ tầng, mà còn đòi hỏi sự thay đổi lớn về văn hóa doanh nghiệp và tư duy của người lao động. Việc thúc đẩy các sáng kiến mới, ứng dụng công nghệ số, và áp dụng các tiêu chuẩn xanh đòi hỏi nhân viên phải có kỹ năng, tư duy sáng tạo và khả năng thích ứng với sự thay đổi. Theo Forbes, khoảng 84% các công ty thất bại trong các quá trình chuyển đổi do không có sự chuẩn bị, thiếu động lực và sự định hướng rõ ràng của ban lãnh đạo (Khoảng 22% nhân viên theo nghiên cứu của Harvard Business Review).

Song song đó, nhiều doanh nghiệp vẫn còn thiếu nguồn nhân lực có đủ trình độ và kỹ năng về công nghệ số và quản lý bền vững. Khoảng 75% nhà tuyển dụng toàn cầu đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhân tài có kỹ năng mà họ đang cần. Việc này góp phần làm chậm tiến độ chuyển đổi số và khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc triển khai các giải pháp công nghệ mới. Đào tạo và nâng cao kỹ năng cho đội ngũ nhân viên là một phần quan trọng trong chiến lược chuyển đổi, nhưng đòi hỏi sự đầu tư lớn và thời gian.

70% doanh nghiệp đồng ý rằng, văn hóa tổ chức chính là lợi thế cạnh tranh bền vững giúp họ vượt qua mọi biến động của thị trường. Theo đó, văn hóa tổ chức được đánh là là một yếu tố ảnh hưởng lớn đến thành công của chuyển đổi kép khi nhiều doanh nghiệp vẫn duy trì cách làm việc truyền thống và chưa sẵn sàng chấp nhận sự thay đổi. Sự kháng cự từ nhân viên (khoảng 33%) hoặc lãnh đạo cấp cao đối với việc áp dụng công nghệ mới và các quy trình bền vững có thể cản trở quá trình chuyển đổi. Ngoài ra, việc thay đổi mô hình kinh doanh và chiến lược phát triển đòi hỏi sự đồng thuận từ nhiều bộ phận trong tổ chức, điều này đôi khi rất khó đạt được nếu không có sự thống nhất trong tư duy và văn hóa.

thách thức của chuyển đổi kép
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện còn nhiều khó khăn trong quá trình chuyển đổi kép

Những thành tựu chuyển đổi kép trên thế giới

Chuyển đổi kép đang ngày càng trở thành một chiến lược quan trọng đối với nhiều quốc gia và doanh nghiệp trên toàn cầu. Sự hội tụ này giúp các tổ chức tận dụng sức mạnh của công nghệ để tối ưu hóa hoạt động kinh doanh, đồng thời giảm thiểu tác động đến môi trường, góp phần bảo vệ hệ sinh thái và thúc đẩy phát triển bền vững. 

  1. Mạng lưới điện thông minh
  2. Tự động hóa ngành công nghiệp
  3. Tòa nhà thông minh
  4. Chuyển đổi kép trong sản xuất vật dụng
  5. Chuyển đổi kép ngành tài chính
  6. Thành phố thông minh
  7. Làm việc từ xa
  8. Quản lý rác thải công nghệ

Mạng lưới điện thông minh

Mạng lưới điện thông minh (Smart Grid) là một ví dụ điển hình của chuyển đổi kép, kết hợp giữa công nghệ số và quản lý năng lượng bền vững. Các công nghệ số như cảm biến, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo giúp giám sát, điều khiển và tối ưu hóa hệ thống phân phối điện theo thời gian thực, từ đó tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng. Đồng thời, mạng lưới điện thông minh còn tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và gió vào hệ thống phân phối, giúp giảm thiểu phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và hạn chế phát thải khí nhà kính.

Các quốc gia tiên tiến như Mỹ, Đức và Nhật Bản đã triển khai rộng rãi mạng lưới điện thông minh để tối ưu hóa quản lý năng lượng, từ đó giảm lãng phí và tăng cường khả năng phục hồi khi có sự cố. Hệ thống này cũng cho phép người tiêu dùng quản lý việc sử dụng năng lượng của mình một cách hiệu quả hơn, từ đó tiết kiệm chi phí và giảm tải áp lực lên hệ thống lưới điện quốc gia.

hệ thống điện thông minh
Hệ thống mạng lưới điện thông minh

Tự động hóa ngành công nghiệp

Trong ngành công nghiệp, chuyển đổi số kết hợp với mục tiêu xanh đang thúc đẩy xu hướng tự động hóa toàn bộ quy trình sản xuất và quản lý. Các công nghệ như robot, trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT) giúp các nhà máy tự động hóa hoạt động, giảm thiểu sự can thiệp của con người, đồng thời tối ưu hóa hiệu quả sử dụng năng lượng và tài nguyên.

Điều này không chỉ giúp tăng năng suất mà còn giảm lượng chất thải phát sinh từ quy trình sản xuất. Những cải tiến xanh như tái chế nguyên liệu, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, và giảm thiểu lượng khí thải là những bước tiến quan trọng trong việc xây dựng các nhà máy thông minh và bền vững hơn. Các doanh nghiệp như Siemens và General Electric đang dẫn đầu trong lĩnh vực tự động hóa xanh, tích hợp các giải pháp công nghệ để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

ngành công nghiệp tự động hóa
Các ngành công nghiệp đang dần được tự động hóa với AI

Tòa nhà thông minh

Tòa nhà thông minh (Smart Building) là một minh chứng rõ nét của chuyển đổi kép trong lĩnh vực xây dựng. Sự kết hợp giữa công nghệ số và giải pháp năng lượng xanh giúp tòa nhà vận hành hiệu quả hơn, tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải. Công nghệ IoT và cảm biến được sử dụng để tự động điều chỉnh hệ thống ánh sáng, điều hòa nhiệt độ và quản lý an ninh, dựa trên thói quen sử dụng của người dân và tình hình thời tiết thực tế.

Những tòa nhà thông minh còn được trang bị các hệ thống năng lượng tái tạo như pin năng lượng mặt trời và hệ thống thu gom nước mưa, giúp giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng truyền thống. Các thành phố lớn như New York, Singapore và Tokyo đang triển khai nhiều dự án tòa nhà thông minh nhằm hướng tới mục tiêu giảm phát thải carbon và tạo ra môi trường sống bền vững hơn.

tòa nhà thông minh
Những tòa nhà thông minh mang đến nhiều tiện ích cho người sử dụng

Chuyển đổi kép trong sản xuất vật dụng

Trong lĩnh vực sản xuất vật dụng, chuyển đổi kép giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình sản xuất thông qua công nghệ số, đồng thời sử dụng các nguyên liệu bền vững để giảm tác động môi trường. Các công nghệ như in 3D, robot tự động hóa và hệ thống quản lý dựa trên AI giúp nâng cao năng suất và giảm lãng phí trong sản xuất.

Bên cạnh đó, việc áp dụng các nguyên liệu tái chế hoặc thân thiện với môi trường đang trở thành một xu hướng trong sản xuất. Ví dụ, ngành thời trang đang tích cực áp dụng các quy trình sản xuất xanh bằng việc sử dụng vải tái chế, tiết kiệm nước và giảm phát thải carbon trong quá trình dệt may. Các doanh nghiệp lớn như Nike và Patagonia đã tiên phong trong việc phát triển các sản phẩm bền vững, sử dụng vật liệu tái chế và công nghệ sản xuất sạch.

Chuyển đổi kép ngành tài chính

Trong ngành tài chính, chuyển đổi kép giúp tối ưu hóa dịch vụ thông qua công nghệ số hóa, đồng thời thúc đẩy các hoạt động đầu tư bền vững. Các công nghệ tài chính (FinTech) như blockchain, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn đang được sử dụng để nâng cao khả năng phân tích, quản lý rủi ro và cung cấp dịch vụ tài chính một cách minh bạch, chính xác.

Bên cạnh đó, chuyển đổi xanh trong ngành tài chính hay tài chính xanh được thể hiện qua việc các ngân hàng và quỹ đầu tư ngày càng quan tâm đến các dự án đầu tư xanh, các giải pháp bảo vệ môi trường và giảm thiểu khí thải. Các sản phẩm tài chính như trái phiếu xanh (Green Bonds) hay quỹ đầu tư bền vững (Sustainable Investment Funds) đã trở thành công cụ quan trọng để thúc đẩy các dự án phát triển bền vững. Châu Âu và Mỹ đang dẫn đầu trong việc khuyến khích các tổ chức tài chính chuyển hướng sang các khoản đầu tư xanh.

Thành phố thông minh

Thành phố thông minh (Smart City) là một ví dụ nổi bật của chuyển đổi kép trên quy mô đô thị. Các thành phố thông minh sử dụng công nghệ số để quản lý và tối ưu hóa các dịch vụ công cộng như giao thông, năng lượng, cấp thoát nước và an ninh. Các hệ thống giám sát dựa trên IoT giúp điều phối giao thông theo thời gian thực, giảm tắc nghẽn và giảm thiểu lượng khí thải từ phương tiện giao thông.

Bên cạnh đó, các giải pháp xanh như sử dụng năng lượng tái tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững và phát triển không gian xanh cũng được tích hợp vào quy hoạch đô thị. Thành phố thông minh không chỉ tăng cường hiệu quả sử dụng tài nguyên mà còn cải thiện chất lượng cuộc sống của cư dân, hướng tới mục tiêu bền vững về môi trường và xã hội. Các thành phố như Singapore, Copenhagen và Amsterdam đang đi đầu trong việc triển khai các giải pháp thành phố thông minh, với mục tiêu trở thành các đô thị không phát thải trong tương lai gần.

Làm việc từ xa

Xu hướng làm việc từ xa (remote work) đã được đẩy mạnh nhờ sự kết hợp của chuyển đổi số và mục tiêu giảm thiểu tác động đến môi trường. Với sự hỗ trợ của các nền tảng công nghệ số như điện toán đám mây, video hội nghị và các công cụ quản lý dự án trực tuyến, các doanh nghiệp có thể duy trì hiệu suất công việc mà không cần văn phòng vật lý. Việc giảm nhu cầu di chuyển và sử dụng không gian văn phòng đã giúp giảm thiểu lượng phát thải khí nhà kính, đóng góp vào mục tiêu phát triển xanh.

Các công ty như Google, Microsoft và nhiều doanh nghiệp công nghệ khác đã thúc đẩy mô hình làm việc từ xa, giúp tiết kiệm chi phí và giảm tác động môi trường liên quan đến việc sử dụng văn phòng. Đồng thời, người lao động cũng có thể cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân, giảm bớt stress liên quan đến di chuyển.

Quản lý rác thải công nghệ

Sự bùng nổ của công nghệ số cũng kéo theo sự gia tăng của rác thải công nghệ (e-waste), tạo ra những thách thức lớn về môi trường. Trong bối cảnh này, chuyển đổi kép đóng vai trò quan trọng trong việc tìm kiếm các giải pháp quản lý rác thải công nghệ một cách bền vững. Các doanh nghiệp và tổ chức đang sử dụng công nghệ để giám sát, thu gom và xử lý rác thải điện tử, đồng thời phát triển các quy trình tái chế và tái sử dụng linh kiện để giảm thiểu lượng rác thải.

Nhiều quốc gia đã triển khai các chính sách và quy định nghiêm ngặt để kiểm soát rác thải công nghệ, khuyến khích tái chế và thúc đẩy sản xuất các thiết bị điện tử thân thiện với môi trường. Công ty như Apple đã đưa ra sáng kiến tái chế thiết bị cũ để thu hồi vật liệu quý giá và giảm thiểu tác động môi trường của quá trình sản xuất.

xử lý rác thải thông minh
Hệ thống xử lý rác thải thông minh giúp hạn chế ô nhiễm môi trường

Xu hướng chuyển đổi kép tại Việt Nam

  1. Chính sách hỗ trợ từ nhà nước
  2. Chuyển đổi số: Động lực cho kinh tế số
  3. Chuyển đổi xanh: Hướng đi tất yếu cho sự phát triển bền vững
  4. Sự hợp tác giữa các doanh nghiệp và quốc tế
  5. Những thách thức và cơ hội

Trích dẫn báo cáo năm 2023 của Ngân hàng Thế giới về xu hướng chuyển đổi kép và chỉ ra rằng Việt Nam nắm giữ 15% trong tổng số 493 bằng sáng chế xanh tại các thị trường mới nổi, chỉ sau Malaysia (51%) và Thái Lan (20%). Trong khi đó, xét về công nghệ chuyển đổi số, Việt Nam chiếm 8% trong tổng số 537 bằng sáng chế của các nền kinh tế đang phát triển, đứng sau Malaysia (58%), Philippines (16%) và Thái Lan (11%).

Hội nghị thượng đỉnh năm 2024, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã dẫn chứng khi kinh tế xanh đóng góp khoảng 2% GDP của Việt Nam với tốc độ tăng trưởng trên 10% trong năm 2020. Kinh tế số của đất nước cũng đóng góp 12% GDP trong năm. Tuy nhiên, theo tính toán của MIC, nền kinh tế số đã đóng góp 16,5% GDP và có tốc độ tăng trưởng hơn 20% vào năm ngoái. Trong đó, hai lĩnh vực chuyển đổi số và chuyển đổi xanh có tốc độ tăng trưởng cao gấp ít nhất hai lần, thậm chí gấp bốn lần tốc độ tăng trưởng GDP của đất nước.

Chính sách hỗ trợ từ nhà nước

Nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi kép, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách và chương trình nhằm thúc đẩy cả hai quá trình chuyển đổi này. Các kế hoạch như Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn 2030Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030 đều nhấn mạnh sự song hành giữa số hóa và phát triển bền vững.

Chính phủ cũng đã cam kết tại COP26 rằng Việt Nam sẽ đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp và tổ chức áp dụng các giải pháp công nghệ và quy trình sản xuất thân thiện với môi trường. Các chính sách này không chỉ định hướng mà còn cung cấp các công cụ và nguồn lực hỗ trợ cho doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi kép.

Tại Hội Thảo "Chuyển đổi số 2024 - Động lực phát triển kinh tế số Việt Nam”, Việt Nam cũng đặt mục tiêu phấn đấu đến sẽ đóng góp 20% GDP vào năm 2025 và 30% vào năm 2030. Hạ tầng 5G được xác định là là một trong những yếu tố then chốt trong việc thúc đẩy quá trình này. Hiện tại, Việt Nam đang tiến hành loại bỏ mạng 2G để tiến tới triển khai toàn diện 5G. Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp phép cho ba nhà mạng thử nghiệm 5G và những kết quả ban đầu cho thấy sự thành công đáng khích lệ.

Chuyển đổi số: Động lực cho kinh tế số

Việt Nam hiện đang trên con đường trở thành một trong những nền kinh tế số phát triển nhanh nhất Đông Nam Á. Chuyển đổi số đã trở thành động lực tăng trưởng chính, đặc biệt trong các lĩnh vực như thương mại điện tử, dịch vụ tài chính và công nghệ thông tin. Các doanh nghiệp Việt Nam, từ các tập đoàn lớn đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), đã và đang đầu tư mạnh vào công nghệ số nhằm cải thiện năng suất, tối ưu hóa quy trình và nâng cao năng lực cạnh tranh. Hiện nay, khoảng 30,8% trong tổng số hơn 850.000 doanh nghiệp tại Việt Nam đang sử dụng các nền tảng số trong hoạt động kinh doanh của mình. Chính phủ đặt mục tiêu nâng tỷ lệ này lên 50% vào năm 2025 và 70% vào năm 2030, nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và tăng cường khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong kỷ nguyên số hóa. 

Các nền tảng số đang được áp dụng để giải quyết các bài toán về quản lý chuỗi cung ứng, dịch vụ khách hàng và vận hành nội bộ. Chẳng hạn, nhiều doanh nghiệp sản xuất đã triển khai hệ thống quản lý tự động và ứng dụng công nghệ để theo dõi và phân tích dữ liệu trong thời gian thực, từ đó nâng cao hiệu quả sử dụng nguyên liệu và giảm lãng phí, góp phần hỗ trợ chuyển đổi xanh.

Theo Báo cáo giao ban quản lý nhà nước tháng 6/2024, trong nửa đầu năm 2024, tỷ trọng kinh tế số của Việt Nam được ước tính chiếm 18,3% GDP, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm trước. Ngành Thông tin và Truyền thông đóng góp khoảng 467.048 tỷ đồng vào GDP, tăng trưởng 19,5% so với cùng kỳ năm 2023. Kết quả này chiếm 47,6% mục tiêu cả năm, với kế hoạch dự kiến là 981.865 tỷ đồng.

kinh tế số việt nam
Việt Nam đang có những bước tiến vượt bậc trong kinh tế khi thực hiện chuyển đổi kép

Chuyển đổi xanh: Hướng đi tất yếu cho sự phát triển bền vững

Trong hơn 2 thập kỷ qua, Việt Nam đã và đang đối mặt với nhiều thách thức về biến đổi khí hậu, bão lũ, suy thoái đất canh tác,.... Vì vậy, chuyển đổi xanh trở thành yêu cầu cấp thiết không chỉ đối với nền kinh tế mà còn đối với đời sống xã hội. Định hướng và mục tiêu xanh hóa nền kinh tế được thể hiện chi tiết tại Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Đây là chiến lược quốc gia đầu tiên, toàn diện về lĩnh vực phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam.

Thực tế cho thấy, Việt Nam đã tích cực triển khai nhiều biện pháp thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững, với sự gia tăng quan tâm đến tiêu dùng xanh. Các bước tiến nổi bật bao gồm việc ký kết các văn bản quan trọng như: Tuyên ngôn quốc tế và Kế hoạch hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững (năm 1999), Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Tuyên ngôn quốc tế về sản xuất sạch (1999),...

Trong bối cảnh này, phong trào Tết trồng cây – một truyền thống ý nghĩa, đã được đẩy mạnh với sáng kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc trồng mới 1 tỷ cây xanh trong giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu này không chỉ hướng đến việc cải thiện môi trường, mà còn tạo dựng một nền tảng xanh cho tương lai. Năm 2021, chỉ tiêu trồng cây được đặt cao hơn 1,5 lần so với các năm trước, và từ năm 2022 đến 2025, con số này sẽ tăng gấp đôi so với kết quả đạt được trong năm 2020, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc bảo vệ và phát triển hệ sinh thái bền vững.

Song song đó, Việt Nam cũng đặt ra mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên mỗi đơn vị GDP, với cam kết đến năm 2030 sẽ giảm ít nhất 15% so với mức của năm 2014. Đến năm 2050, mục tiêu này được nâng lên, hướng tới việc giảm ít nhất 30% so với năm 2014. Đây là những bước tiến cụ thể nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững và phù hợp với các cam kết quốc tế về khí hậu.

Các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất và năng lượng đều đã nhận thấy vai trò quan trọng của việc phát triển bền vững và bắt đầu tích hợp các tiêu chuẩn xanh vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhiều công ty đã đầu tư vào các giải pháp năng lượng tái tạo, như năng lượng mặt trời và gió, nhằm giảm phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch. Bên cạnh đó, các mô hình kinh tế tuần hoàn, trong đó tài nguyên được tái chế và sử dụng lại thay vì bị lãng phí, cũng đang được phát triển mạnh mẽ. Các doanh nghiệp sản xuất lớn như Vinamilk và TH True Milk đang tiên phong trong việc xây dựng các quy trình sản xuất thân thiện với môi trường, từ việc giảm thiểu phát thải carbon đến sử dụng vật liệu tái chế và công nghệ sản xuất sạch.

Sự hợp tác giữa các doanh nghiệp và quốc tế

Xu hướng chuyển đổi kép tại Việt Nam cũng được thúc đẩy bởi sự hợp tác quốc tế và quan hệ đối tác giữa các doanh nghiệp trong nước với các tổ chức quốc tế. Nhiều chương trình và dự án hợp tác với các quốc gia phát triển, tổ chức phi chính phủ và tổ chức quốc tế đã hỗ trợ Việt Nam trong việc triển khai các giải pháp công nghệ xanh và số hóa. 

Trong chuyến công tác tại Hoa Kỳ và Liên Hợp Quốc vào tháng 5/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhận được sự cam kết từ Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) về hỗ trợ tư vấn chính sách và huy động nguồn lực cho giai đoạn phát triển mới của Việt Nam. Đặc biệt, sự hỗ trợ này tập trung vào việc xây dựng các chính sách và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội theo hướng xanh, bền vững và toàn diện. UNDP cam kết thúc đẩy đầu tư vào công nghệ xanh và nguồn tài chính xanh để giúp Việt Nam tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu và đẩy mạnh quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng.

Ngoài ra, trong cuộc gặp Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos, Thụy Sĩ, Chủ Tịch COP26 Alok Sharma cũng đưa tin rằng Việt Nam là một trong các quốc gia được các nước G7 ưu tiên trong hợp tác về năng lượng, thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ cho nỗ lực của Việt Nam trong lĩnh vực này.

Quỹ Đầu tư Khí hậu (CIF) cùng với các tổ chức quốc tế đã hỗ trợ nhiều dự án xanh tại Việt Nam, với trọng tâm là năng lượng tái tạo, nông nghiệp bền vững, và quản lý tài nguyên nước. Các đối tác quốc tế đã cam kết huy động khoản đầu tư ban đầu trị giá 15,5 tỷ USD trong vòng 3 đến 5 năm tới nhằm giải quyết các nhu cầu cấp bách và thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng tại Việt Nam. Trong đó, Nhóm Đối tác IPG cam kết huy động 7,75 tỷ USD với các điều khoản vay ưu đãi hơn so với thị trường, và Liên minh tài chính Glasgow về Phát thải ròng bằng 0 (GFANZ) cũng cam kết huy động ít nhất 7,75 tỷ USD từ tài chính tư nhân, nhằm trực tiếp hỗ trợ các doanh nghiệp thông qua các khoản đầu tư từ các tập đoàn quốc tế. 

Các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ xanh đang nhận được nhiều sự quan tâm từ các nhà đầu tư, nhờ vào tiềm năng phát triển lớn trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng bền vững tăng cao. heo báo cáo Triển vọng Doanh nghiệp năm 2024 của UOB, hơn 45% doanh nghiệp đã chủ động áp dụng các biện pháp phát triển bền vững nhằm thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư. 

chuyển đổi kép tại việt nam
Việt Nam với mục tiêu phát triển bền vững vào những năm tới

Những thách thức và cơ hội

Mặc dù xu hướng chuyển đổi kép tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, nhưng vẫn tồn tại nhiều thách thức cần được giải quyết. Đối với chuyển đổi số, một trong những rào cản lớn nhất là sự thiếu hụt nguồn nhân lực có kỹ năng công nghệ cao và khả năng thích ứng nhanh với các thay đổi công nghệ. Hơn nữa, việc triển khai các giải pháp số hóa đòi hỏi sự đầu tư lớn về hạ tầng và tài chính, điều này có thể gây khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Trong khi đó, chuyển đổi xanh đòi hỏi sự thay đổi về tư duy và văn hóa kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp còn e ngại về chi phí đầu tư ban đầu cho các giải pháp xanh và chưa nhận thức đầy đủ về lợi ích dài hạn của việc phát triển bền vững. Hơn nữa, cần có sự đồng bộ trong chính sách và các khung pháp lý để hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi này.

Tóm lại, xu hướng chuyển đổi kép tại Việt Nam mang lại nhiều cơ hội lớn. Các doanh nghiệp nhanh chóng thích nghi và tận dụng được xu thế này sẽ có cơ hội gia tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế, đồng thời đóng góp vào sự phát triển bền vững của xã hội và nền kinh tế quốc gia.

Chương trình đào tạo

GLP - LÃNH ĐẠO TOÀN CẦU
GLP - Global Leadership Program

Phát triển "NĂNG LỰC LÃNH ĐẠO ĐỘT PHÁ"
với Chương trình "LÃNH ĐẠO TOÀN CẦU"

Dành cho Lãnh đạo Cấp cao của các doanh nghiệp.

GLP là chương trình đào tạo danh giá nhất của PACE,
được triển khai bởi PACE & 5 đối tác danh tiếng toàn cầu:
FranklinCovey; Blanchard; AMA; SHRM & BSV.

Vui lòng xem thông tin chương trình
tại đây

Bài viết được quan tâm

Bài viết mới nhất

Trang trên 379