Bắt mạch bệnh ’vô cảm’

Một người mà không còn xúc cảm, không còn tin vào điều gì, nhất là những điều tốt đẹp trong cuộc đời này, thì về cơ bản, người đó đã chết lâm sàng. Và để chữa bệnh vô cảm cho con trẻ thì chỉ khi những “kỹ sư tâm hồn” (người cha người mẹ, người thầy người cô) có tâm hồn thì mới có thể giúp cho con trẻ có tâm hồn...

Chuyên gia giáo dục Giản Tư Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục IRED và Hiệu trưởng Trường Doanh Nhân PACE, dưới góc nhìn chuyên môn, đã dành cho PhunuToday cuộc phỏng vấn ngắn xoay quanh vấn đề “sự vô cảm và việc giáo dục con trẻ ngày nay”.

Xã hội đang rất khó đối diện với sự thật

PV : - Vừa rồi, bài phát biểu ngắn kết thúc năm học của một giáo viên Trường trung học Wellesley, bang Massachusetts, Mỹ đã được dư luận Mỹ tiếp nhận như một lời nói thật, một cảnh báo giáo dục: “Các em chẳng có gì đặc biệt cả”. Xin ông hãy lý giải, tại sao một đất nước tôn trọng tư duy độc lập cá nhân như Mỹ, lời nhận xét trên đáng lẽ là bình thường nhưng lại được tiếp nhận một cách cầu thị nồng nhiệt đến vậy?

Ông Giản Tư Trung : - Sở dĩ bài phát biểu này có thể gây “chấn động” như vậy là vì nó như một tiếng chuông, làm tỉnh thức không chỉ các học sinh, mà còn cho rất đông người Mỹ đang ngủ quên trên ánh hào quang của quá khứ vàng son mà nhiều thế hệ người Mỹ đã tạo ra. Nó cũng đánh thẳng vào sự tự tôn của người Mỹ và nước Mỹ.

Bài phát biểu này đã làm cho vô số người Mỹ giật mình rằng, quá khứ thành công thì không có nghĩa là tương lai cũng thành công. Hôm qua và hôm nay thành công, nhưng ngày mai có thể sẽ lụn bại.

Các thế hệ tương lai của nước Mỹ không nên tự coi mình là “cái rốn của vũ trụ” và những người khác cũng không nên xem các bạn trẻ là “đặc biệt” trong khi các bạn ấy chưa làm được gì cả, chưa có thành tựu hay đóng góp gì.

Các bạn trẻ đang học tại một trong những ngôi trường tốt nhất của một quốc gia đang dẫn đầu thế giới về nhiều mặt. Họ sinh ra và lớn lên, mặc nhiên thừa hưởng rất nhiều thành tựu vĩ đại về văn hóa, xã hội, kinh tế và khoa học công nghệ của các thế hệ đi trước để lại, nên họ tự ảo tưởng và nghĩ về mình như những người mặc nhiên là trung tâm của thế giới.

Tôi đồng tình với người thầy này, vì cuộc sống luôn luôn cần có những góc nhìn khác về một vấn đề tưởng chừng hiển nhiên, tuyệt đối. Chính những luồng tư duy mới mẻ, phá bỏ những trật tự cũ này đã làm nên sức mạnh của nước Mỹ, con người Mỹ và xã hội Mỹ trong suốt mấy trăm năm qua. Đó là điều mà chúng ta cần suy ngẫm và học hỏi (“học hỏi” khác với “học theo”).

PV: - Người Việt mình có câu “thuốc đắng giã tật, sự thật mất lòng”, nhưng theo ông, trên thực tế chúng ta có thói quen nói thật và nghe được lời nói thật hay không?

Ông Giản Tư Trung: Nếu nói rằng ai trong chúng ta cũng sợ nói thật thì không hẳn đúng. Vấn đề là chúng ta đang có nhiều người sợ nghe sự thật. Bởi vì nếu một xã hội có quá nhiều điều không minh bạch, có quá nhiều vấn đề khuất tất bị che đậy, thì đối diện với sự thật là điều rất khó khăn. Lâu dần, nó trở thành một thứ văn hóa chung, lây nhiễm đến từng tổ chức, từng con người sống trong những xã hội đó.

Do đó, điều đầu tiên mà chúng ta cần học, là học phân biệt và lắng nghe sự thật. Sự thật là chúng ta có giỏi đến mức gần 100% học sinh đậu tốt nghiệp? Sự thật là mọi người dân Việt Nam đều rất hạnh phúc và lạc quan hàng đầu thế giới?

Phân định được chân-giả, thiện-ác, chính-tà, xấu-tốt… đang thực sự là một năng lực mà một con người hiện đại cần phải có, một năng lực mà nếu không có nó thì khó có thể làm một con người theo đúng cái nghĩa của nó được.

Những đứa trẻ vô cảm là sản phẩm của tình thương lệch lạc

PV: - Đa số các phụ huynh ngày nay hành động theo cách “hy sinh đời bố củng cố đời con” mà thực tế là dồn hết khả năng tài chính cùng các mối quan hệ để cho con ăn học ở những trường mà họ cho là tốt nhất. Con cái họ biết rõ điều này và thản nhiên tiếp nhận như một trách nhiệm hoặc một sự hy sinh tất yếu, không phải suy nghĩ. Ông có cho rằng, đây là một nguyên nhân khiến thế hệ tương lai của đất nước sẽ trở nên ích kỷ, vị lợi và vô cảm mà quên mất bổn phận trách nhiệm của mình với những người thân, rộng hơn nữa là với cả xã hội?

Ông Giản Tư Trung: Tôi cho rằng, những đứa trẻ ích kỷ, vị lợi và vô cảm là sản phẩm của tình thương lệch lạc mà thầy cô và cha mẹ đã dành cho chúng. Tình thương lệch lạc đó chính là một loại tình thương vô minh, hay còn gọi là tình thương tội lỗi.

Cha mẹ thương con thì không có gì phải bàn, vì đó là lẽ tự nhiên. Nhưng thương con mà không biết cách thương thì bằng 10 lần hại con. Vì dạy con cũng là một khoa học. Rất nhiều trường hợp “hi sinh đời bố” mà có “củng cố được đời con” đâu, thậm chí còn đẩy con đi ngược lại hoàn toàn những điều mình kỳ vọng.

Điều kiện xã hội đang làm xuất hiện không ít những “đứa con bạo chúa”, muốn gì được nấy, ý con trở thành ý trời, cả nhà đều phải tuân phục. Và không cần bàn gì thêm, những đứa trẻ này sẽ khó mà trưởng thành một cách bình thường được khi bị cha mẹ bảo bọc bằng một thứ tình thương lệch lạc.

Tất nhiên, không ai muốn như thế. Vì vậy, cần phải cụ thể hóa cái kỳ vọng “con cái nên người” là như thế nào, để từ đó, các bậc làm cha, làm mẹ có thể điều chỉnh cách uốn nắn con cái mình từ thuở còn thơ. Dạy con là một khoa học, cha mẹ nào cũng cần phải học hỏi, tìm tòi để có thể hiểu biết được sự thay đổi tâm sinh lý của từng lứa tuổi, hiểu đúng, hiểu đủ về con mình để từ đó tìm ra phương thức dạy dỗ.

Điều quan trọng là phải hướng con cái về việc tự chịu trách nhiệm về bản thân mình và có trách nhiệm với những người xung quanh. Đó là những điều kiện tiên quyết để đứa trẻ có thể “làm người” với đầy đủ ý nghĩa của nó.

PV: - Trong khi ra sức chiều chuộng, chăm sóc… thầm hy vọng con mình sẽ là “thiên tài”, khi ra ngoài xã hội thì chính các bậc phụ huynh lại rất sợ cụm từ “học trò cá biệt”, “học sinh đặc biệt”... Dưới góc nhìn của một chuyên gia về giáo dục, ông có thể lý giải ra sao về hiện tượng nghịch dị này?

Ông Giản Tư Trung: - À, cái đó bắt nguồn từ văn hóa sở hữu. Nó giống như chuyện thí sinh đi thi cuộc thi năng khiếu, ban giám khảo vừa góp ý nhẹ nhàng thì ông bố đã nhào lên bảo vệ con trai mình bằng tất cả những từ ngữ tốt đẹp nhất, tung hô nhất.

Ai xem cũng thấy buồn cười, nhưng điều này lý giải được vì việc đánh giá con cái mình thường hoàn toàn bị yếu tố tình cảm chi phối. Người mẹ, người cha có thể rất sáng suốt trong mọi chuyện nhưng lại rất dễ rơi vào tình trạng mù quáng, vô minh khi nhận định về con mình. Mà khi không hiểu đúng, hiểu đủ về con cái mình, mọi bài học, phương thức giáo dục áp dụng cho con cái đều sẽ bị sai lệch.

Dưới góc nhìn chuyên môn về giáo dục, có ba cấu phần để tạo thành một đứa con “ngon lành” mà gia đình nào cũng mong muốn: có một cái đầu khai minh, một con tim xúc cảm và một cơ thể khỏe đẹp. Và có 3 yếu tố quan trọng để làm nên các cấu phần của con người “ngon lành” này: gia đình, nhà trường và xã hội.

Bên ngoài khung cửa gia đình, là một xã hội rộng lớn, do đó đứa trẻ cần được trang bị một nền tảng cơ bản về cuộc sống và thế giới xung quanh. Để từ đó, đứa trẻ khi lớn lên có cái đầu khai minh, là cái đầu có khả năng phân biệt được những vấn đề của cuộc sống, đâu là đúng, đâu là sai, đâu là đẹp, đâu và xấu trong cái thế giới rộng lớn này. Hay đơn giản hơn, biết được bản thân mình là ai…

Bên ngoài mái ấm được bảo bọc của cha mẹ, là rất nhiều những biến cố khác nhau. Vì thế, ngoài cái đầu “khai minh” thì đứa trẻ cần phải có một trái tim “xúc cảm” trước những điều diễn ra trong cuộc sống để có thể sẻ chia, biết yêu thương và được yêu thương: biết rung cảm trước cái đẹp, biết thổn thức trước nỗi đau và biết phẫn nộ trước cái ác.

Và bên ngoài vòng tay của những người ruột thịt, còn là một cuộc sống mà đứa trẻ phải tự chịu trách nhiệm về mình và biết nghĩ cho bao người khác. Hãy giúp con trẻ, nhưng hãy để cho con trẻ tự làm những việc mà con trẻ có thể tự làm. Đó cũng chính là tư tưởng giáo dục quan trọng bậc nhất mà các nhà tư tưởng giáo dục lớn nhất của thế kỷ 20 như John Dewey, Maria Montessori, Jean Piaget… từng chia sẻ.

Sau nữa, đứa trẻ cần được nuôi dưỡng đúng cách, cần học được cách tự chăm sóc sức khỏe của mình để có một sức vóc khỏe đẹp, một thể lực đầy đủ để nuôi dưỡng một bộ óc minh mẫn, một tâm hồn xúc cảm.

Cần một cuộc canh tân sâu rộng về giáo dục

PV: - Dư luận cũng đã lên tiếng khá nhiều về sự nhẫn tâm với đồng loại như nạn thực phẩm bẩn, độc hại tràn lan ngày càng nhiều và không có dấu hiệu suy giảm. Điều này phải chăng nảy sinh từ những vấn đề cơ bản trong giáo dục thế hệ tương lai hiện nay: nạn chạy trường, chạy điểm, không chú ý giáo dục nhân cách sống…mọi mối quan hệ đều có thể quy giảm về mua-bán sặc mùi kim tiền? Ông lý giải thế nào về sự lệch pha giữa kinh tế và văn hóa này?

Ông Giản Tư Trung: Tôi gọi đó là sự vô cảm, sự vô văn hóa. Trong ba yếu tố cơ bản để hình thành một con người là cái đầu, trái tim và sức vóc, thì một con tim có xúc cảm là thành tố vô cùng quan trọng. Vì sao người ta thờ ơ trước cái đẹp? Vì sao người ta dửng dưng trước cái xấu? Và vì sao người ta bàng quan trước cái ác?

Bởi vì người ta đã không còn tâm hồn, không còn lòng trắc ẩn nữa. Nói một cách nôm na, tâm hồn của người ta đã bị hỏng, có thể tự nó hỏng, hoặc do những người làm cha mẹ, thầy cô đã không tạo cho người ta một tâm hồn từ thuở nhỏ. Nói cách khác, chỉ có những “kỹ sư tâm hồn” - người thầy người cô, người cha người mẹ - có tâm hồn và giàu lòng trắc ẩn thì mới có thể giúp cho con trẻ có tâm hồn.

Ai cũng sợ thiếu tiền, nhưng có một thứ còn đáng sợ hơn thiếu tiền nữa đó là thiếu văn hóa. Sự lệch pha giữa “túi tiền” và “túi văn hóa” này chỉ có thể được lý giải về việc con người không được giáo dục thực sự bởi những giá trị sống, những lẽ sống cao đẹp, đặc biệt là sự bồi dưỡng tâm hồn thông qua sự cảm thụ văn học nghệ thuật một cách cẩn thận và có khoa học.

PV: - Theo cá nhân ông, làm thế nào để khắc phục được những hiện tượng vô cảm, ích kỷ đang diễn ra hiện nay? Liệu có thể kỳ vọng mọi sự sẽ tốt đẹp hơn trong một thời gian không quá dài?

Ông Giản Tư Trung: - Sự thay đổi bắt đầu từ đâu thì luôn có nhiều cách tiếp cận: từ trên xuống hoặc từ dưới lên; từ mình hay từ mọi người; từ hôm nay hay từ mai sau… Bản thân tôi thích suy nghĩ theo chiều từ dưới lên, bắt đầu từ hôm nay và bắt đầu từ những cá nhân, những hạt nhân nhỏ nhất trong xã hội.

Tôi hay kể một ví dụ với mọi người: Một tiếp mục hay vừa kết thúc, cô dẫn chương trình bảo: xin quý vị cho một tràng pháo tay. Cả hội trường hàng nghìn người nhưng chỉ có lác đác vài tiếng vỗ lạc nhịp. Vì sao?

Vì ai cũng nghĩ đã có người khác vỗ tay rồi, nên mình không vỗ tay cũng được. Khi ai cũng nghĩ vậy, nên kết cục là chẳng ai vỗ tay cả. Đó là một ví dụ đơn giản và rõ rệt nhất về lối tư duy thiếu trách nhiệm với bản thân và với những người quanh mình.

Một gia đình không ai nhận trách nhiệm về sự thay đổi mà chỉ có phàn nàn về nhau thì gia đình đó cũng chẳng có tương lai gì; một tổ chức mà chẳng một thành viên nào xung phong cho sự thay đổi thì tổ chức đó cũng không có hy vọng gì nhiều; và một xã hội mà ít ai dấn thân cho sự thay đổi thì cũng không nên trông đợi gì ở ngày mai của xã hội đó. Còn một người mà không còn xúc cảm, không còn tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc đời này thì về cơ bản người đó đã chết lâm sàng.

Còn nói về kỳ vọng, chúng ta nên tư duy theo hướng “luôn hi vọng về những điều tốt đẹp nhất, nhưng luôn chuẩn bị cho điều tệ hại nhất có thể xảy đến”. Vì vậy, tất nhiên là chúng ta có thể tin rằng mọi việc sẽ thay đổi.

Về lâu dài, vô cảm cũng là một hiện trạng của văn hóa. Mà văn hóa sản phẩm của giáo dục. Vì vậy, trong lâu dài thì chúng ta cần một cuộc canh tân sâu rộng về giáo dục. Và điều này thì lại tùy thuộc nhiều vào yếu tố lãnh đạo và cấu trúc của nền quản trị quốc gia.

Còn trong ngắn hạn, việc gần gũi nhất là mỗi người trong chúng ta thử ngồi và nghĩ lại về bản thân mình, nhìn ngẫm những người xung quanh mình và tự tìm cách để trả lời hai câu hỏi: Mình có vô cảm không? Và tại sao lại như thế?

Chỉ cần trả lời thông suốt hai câu hỏi này, thì mỗi người cũng sẽ biết cách để điều chỉnh. Nhiều người cùng nhau điều chỉnh thì chúng ta sẽ có một cộng đồng nhân văn và giàu lòng trắc ẩn hơn.

Hoàng Hạnh thực hiện

Theo Giản Tư Trung / PhuNuToDay

Bài viết được quan tâm

Bài viết mới nhất

Trang trên 369