Podcast hiện đang trở thành một phương tiện giải trí và học tập phổ biến trong kỷ nguyên số. Với hình thức phát sóng qua các tập âm thanh, Podcast mang đến kho tàng nội dung đa dạng, từ giáo dục, văn hóa đến công nghệ và kinh doanh. Nhờ tính linh hoạt và dễ dàng truy cập, Podcast cho phép người nghe dễ dàng tiếp cận và thưởng thức nội dung mọi lúc, mọi nơi, phù hợp với nhịp sống hiện đại.
Podcast là gì?
Podcast là một loại nội dung âm thanh trực tuyến, nơi người dùng có thể nghe các tập phát sóng liên quan đến nhiều chủ đề khác nhau như giáo dục, giải trí, tin tức và kinh doanh. Mỗi tập Podcast thường có nội dung được chia sẻ dưới dạng một cuộc trò chuyện, phỏng vấn hoặc kể chuyện, mang lại cho người nghe sự linh hoạt trong việc lựa chọn thời gian và nơi nghe, chẳng hạn như khi đang lái xe, làm việc hoặc thư giãn.
Trong kinh doanh và Marketing, Podcast đang dần trở thành một kênh truyền thông hiệu quả để tiếp cận khách hàng mục tiêu. Các doanh nghiệp có thể sử dụng Podcast như một công cụ xây dựng thương hiệu, tạo ra nội dung chuyên sâu liên quan đến sản phẩm, dịch vụ hoặc những chủ đề hấp dẫn đối với khách hàng. Để qua đó, tạo dựng mối quan hệ gần gũi và củng cố lòng tin và sự trung thành của họ đối với thương hiệu.
Ngoài ra, Podcast cũng là một nền tảng tiềm năng để các doanh nghiệp triển khai các hoạt động quảng cáo thông qua việc tài trợ hoặc hợp tác với những người sáng tạo nội dung (Content Creator) có sức ảnh hưởng. Marketing qua Podcast được xem là cách giúp tăng độ nhận diện thương hiệu và cải thiện hiệu quả tiếp cận khách hàng theo cách tự nhiên và hấp dẫn.
Podcast là loại nội dung âm thanh với nhiều chủ đề khác nhau như giáo dục, giải trí, kinh doanh, đầu tư,...
Lịch sử ra đời và phát triển của Podcast
Podcast xuất hiện vào đầu những năm 2000 khi công nghệ kỹ thuật số và Internet phát triển mạnh mẽ. Thuật ngữ "Podcast" được ghép từ hai từ: "iPod" (một thiết bị nghe nhạc nổi tiếng của Apple) và "broadcast" (phát sóng). Được giới thiệu lần đầu vào năm 2004 bởi nhà báo người Anh Ben Hammersley, Podcast ra đời như một cách để người dùng tải xuống và nghe các tập phát thanh qua thiết bị di động. Ban đầu, Podcast chỉ là các file âm thanh đơn giản, nhưng nhanh chóng trở thành xu hướng khi người nghe có thể truy cập nội dung mọi lúc, mọi nơi.
Từ năm 2005 trở đi, Podcast bắt đầu ghi dấu ấn trong cộng đồng người dùng toàn cầu. Sự kết hợp giữa công nghệ điện thoại thông minh và sự phát triển của mạng xã hội đã giúp Podcast phát triển nhanh chóng và trở thành một phương tiện truyền thông quan trọng. Với các doanh nghiệp, họ có thể tận dụng sức mạnh của Podcast để thu hút được nhiều khách hàng tiềm năng, xây dựng thương hiệu và tạo dựng vị thế của mình hiệu quả trong môi trường đầy sự cạnh tranh.
Thuật ngữ Podcast được giới thiệu lần đầu bởi nhà báo người Anh Ben Hammersley
Vì sao Podcast lại phổ biến?
Trong đời sống hằng ngày
-
Tính linh hoạt: Podcast cho phép người nghe lựa chọn thời gian và không gian phù hợp nhất để thưởng thức, cho dù họ đang lái xe, tập thể dục hay làm việc nhà. Tính linh hoạt này giúp Podcast dễ dàng hòa vào lịch trình bận rộn, đáp ứng nhu cầu giải trí hoặc học hỏi mọi lúc mọi nơi.
-
Nâng cao kiến thức người nghe: Với đa dạng chủ đề từ khoa học, văn hóa, kinh doanh đến phát triển bản thân, Podcast trở thành nguồn tài nguyên học tập dễ tiếp cận. Người nghe có thể tìm hiểu các chủ đề mới mẻ, theo dõi xu hướng của thị trường hoặc lắng nghe những chia sẻ sâu sắc từ các chuyên gia.
-
Giải trí và thư giãn: Ngoài kiến thức, Podcast còn là công cụ giải trí hiệu quả. Với những câu chuyện hấp dẫn hoặc các cuộc trò chuyện hài hước, người nghe có thể dễ dàng tìm thấy niềm vui và thư giãn tinh thần sau những giờ làm việc căng thẳng.
-
Luyện nghe tiếng Anh: Với nhiều chương trình tiếng Anh bản xứ, người học có thể rèn luyện khả năng nghe, nâng cao từ vựng và ngữ pháp thông qua các chủ đề yêu thích. Việc nghe Podcast đều đặn giúp cải thiện kỹ năng ngoại ngữ một cách tự nhiên và thú vị hơn so với các phương pháp truyền thống (Mawar và Hendrikus, 2022, Retno và cộng sự, 2021,...)
Lợi ích cá nhân và kinh doanh
-
Xây dựng thương hiệu: Thông qua việc chia sẻ thông tin giá trị, câu chuyện truyền cảm hứng hoặc chia sẻ kiến thức chuyên môn, người làm Podcast có thể tạo dựng được uy tín và thu hút một lượng khán giả trung thành.
-
Tạo doanh thu: Nhiều nhà sáng tạo nội dung Podcast có thể kiếm tiền từ việc quảng cáo, hợp tác với các thương hiệu hoặc bán sản phẩm, dịch vụ của riêng họ. Điều này giúp Podcast trở thành một nguồn thu nhập bổ sung đáng kể, đặc biệt là với các doanh nghiệp nhỏ và cá nhân có tầm ảnh hưởng.
-
Mở rộng mạng lưới, tăng kết nối: Podcast cung cấp cơ hội mở rộng mạng lưới quan hệ và tăng cường kết nối. Khách mời trên Podcast thường là những chuyên gia hoặc người có ảnh hưởng trong ngành và sự hợp tác này không chỉ giúp nâng cao chất lượng nội dung mà còn mang đến cơ hội kinh doanh và phát triển các mối quan hệ chiến lược.
Podcast vừa giúp người nghe thư giãn vừa tiếp cận nhiều kiến thức hữu ích
Cách làm Podcast cho người mới
- Chuẩn bị và lên kế hoạch
- Thiết bị và âm thanh
- Ghi âm và phát hành Podcast
- Xây dựng và tăng cường đội ngũ người nghe
Chuẩn bị và lên kế hoạch
-
Xác định mục tiêu và đối tượng khách hàng: Bước đầu tiên trong việc làm Podcast là xác định mục tiêu mà bạn muốn đạt được. Podcast này sẽ phục vụ ai? Bạn muốn truyền tải thông tin gì? Từ đó, bạn sẽ dễ dàng hình dung ra nội dung, phong cách và định hướng phù hợp. Xác định đối tượng người nghe cụ thể (ví dụ: doanh nhân, người yêu công nghệ hoặc những người tìm kiếm giải trí) sẽ giúp bạn tối ưu hóa nội dung để thu hút đúng người.
-
Chọn chủ đề phù hợp: Chủ đề là trái tim của mỗi tập Podcast. Lựa chọn chủ đề nên dựa trên sự am hiểu, đam mê và mong muốn chia sẻ thông tin của bạn. Chủ đề không cần quá rộng, nhưng đủ cụ thể để duy trì sự quan tâm của người nghe. Việc chọn một lĩnh vực mà bạn có kiến thức sâu hoặc sẵn sàng nghiên cứu kỹ lưỡng sẽ giúp tạo ra các tập Podcast chất lượng và giàu giá trị.
-
Chuẩn bị kịch bản và nội dung: Mặc dù Podcast thường mang tính tự nhiên và linh hoạt những việc chuẩn bị kịch bản sẽ giúp tránh sự lan man và giữ được sự mạch lạc trong nội dung. Bạn có thể phác thảo các ý chính câu hỏi, hoặc dẫn dắt để duy trì dòng chảy cuộc trò chuyện một cách hợp lý. Điều này cũng giúp giảm thiểu sai sót và đảm bảo thông tin chính được truyền tải một cách hiệu quả.
Thiết bị và âm thanh
Chất lượng âm thanh là yếu tố quan trọng quyết định sự chuyên nghiệp của Podcast. Để bắt đầu, bạn không cần phải đầu tư quá nhiều nhưng một số thiết bị cơ bản là cần thiết, chẳng hạn như:
- Microphone: Chọn một chiếc micro có khả năng lọc tiếng ồn và ghi âm rõ ràng.
- Tai nghe: Giúp bạn theo dõi âm thanh trong quá trình ghi âm và chỉnh sửa.
- Phần mềm ghi âm và chỉnh sửa: Sử dụng các công cụ như Audacity (miễn phí) hoặc Adobe Audition (có phí) để ghi âm và xử lý âm thanh.
Ghi âm và phát hành Podcast
Khi mọi thứ đã sẵn sàng, bắt đầu ghi âm là bước tiếp theo. Đảm bảo rằng môi trường ghi âm yên tĩnh và không bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn bên ngoài. Sau khi hoàn tất ghi âm, bạn có thể chỉnh sửa Podcast của mình, cắt bỏ những phần thừa hoặc thêm hiệu ứng âm thanh nếu cần. Sau khi hoàn thành, bạn cần chọn một nền tảng hay ứng dụng Podcast nổi tiếng như Apple Podcasts, Spotify hoặc Google Podcasts để đưa sản phẩm của mình đến với công chúng.
Xây dựng và tăng cường đội ngũ người nghe
Sau khi phát hành, việc thu hút và duy trì người nghe là mục tiêu quan trọng. Podcaster có thể xây dựng cộng đồng người nghe qua việc:
- Quảng bá trên mạng xã hội: Chia sẻ các tập Podcast của bạn trên Facebook, Twitter, và Instagram để tiếp cận nhiều người hơn.
- Giao lưu với người nghe: Khuyến khích người nghe để lại bình luận, đánh giá và góp ý trên các nền tảng Podcast, đồng thời phản hồi và tương tác thường xuyên với họ.
- Cộng tác với các Podcaster khác: Tìm kiếm cơ hội hợp tác hoặc phỏng vấn với các Podcaster nổi tiếng khác để mở rộng tầm ảnh hưởng và thu hút thêm người nghe.
Người làm Podcast cần xây dựng câu chuyện tốt và chuẩn bị thiết bị âm thanh trước khi ghi âm
Các xu hướng phát triển của Podcast
Podcast chuyên biệt
Podcast chuyên biệt tập trung vào một lĩnh vực, chủ đề hoặc đối tượng cụ thể, giúp người nghe dễ dàng tiếp cận nội dung mà họ quan tâm sâu sắc. Đây là xu hướng nổi bật vì nó đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của người nghe. Các Podcast chuyên biệt có thể xoay quanh các chủ đề như sức khỏe, đột phá bản nhân, tài chính hoặc lĩnh vực công nghệ, mang đến trải nghiệm nghe mang tính cá nhân hóa hơn.
Ngoài ra, các Podcast chuyên biệt thường thu hút cộng đồng người nghe trung thành, từ đó tạo ra môi trường thảo luận chuyên sâu và gần gũi. Các nhà sáng tạo nội dung cũng dễ dàng xây dựng một thương hiệu cá nhân/doanh nghiệp mạnh mẽ hơn thông qua các Podcast chuyên biệt, tạo dựng mối liên hệ chặt chẽ với thính giả.
Podcast tương tác
Podcast tương tác là một xu hướng mới, cho phép người nghe tham gia vào cuộc trò chuyện thông qua câu hỏi trực tiếp, bình luận hoặc thậm chí bỏ phiếu cho nội dung sẽ phát sóng. Điều này mang lại sự kết nối mạnh mẽ hơn giữa người nghe và người sản xuất nội dung, tạo nên trải nghiệm tương tác độc đáo, giúp nâng cao tính cộng đồng trong thế giới Podcast.
Xu hướng này cũng mở ra cơ hội cho các nhà sản xuất Podcast mở rộng khả năng thu thập phản hồi từ người nghe, cải thiện nội dung dựa trên sở thích của họ. Các tính năng như câu hỏi trực tiếp hoặc khả năng tương tác qua các kênh Social Media hoặc ứng dụng đang tạo nên một thế hệ Podcast hoàn toàn mới, tăng cường kết nối và sự hấp dẫn của chương trình.
Podcast Video
Podcast Video là xu hướng kết hợp giữa âm thanh và hình ảnh, tạo ra trải nghiệm phong phú hơn cho người nghe và người xem. Thay vì chỉ có âm thanh, người dùng còn có thể xem video các cuộc phỏng vấn, cuộc trò chuyện hoặc các hoạt động diễn ra trong quá trình sản xuất nội dung. Điều này giúp thu hút sự chú ý của nhiều đối tượng hơn, đặc biệt là thế hệ trẻ yêu thích nội dung đa phương tiện.
Hình thức Podcast này vừa giúp nhà sản xuất mở rộng tệp người dùng vừa có thể khai thác các nền tảng Social Media khác như Youtube, Facebook, Instagram,... Từ đó, khả năng tương tác, quảng bá và kiếm tiền từ Podcast cũng được nâng cao nhờ hình thức này.
Podcast và AI
Podcast tích hợp AI là xu hướng mới nổi trong việc cải thiện cả quá trình sản xuất lẫn trải nghiệm người nghe. AI có thể giúp tự động hóa việc biên tập nội dung, phân tích giọng nói, thậm chí đề xuất nội dung dựa trên sở thích của người dùng. Sự hỗ trợ từ AI giúp các nhà sản xuất tiết kiệm thời gian và công sức, đồng thời cung cấp trải nghiệm cá nhân hóa hơn cho người nghe. Các khảo sát cho thấy, những nội dung Podcast bởi AI có độ chính xác 99% trong việc nhắm đến khách hàng mục tiêu.
AI cũng có khả năng cải thiện chất lượng âm thanh và giảm bớt các lỗi nhỏ trong quá trình ghi âm, giúp Podcast trở nên chuyên nghiệp hơn. Các ứng dụng AI cũng đang bắt đầu được sử dụng để phát triển các nội dung tự động, tạo ra sự sáng tạo không giới hạn cho ngành công nghiệp Podcast.
Podcast và Social Media
Podcast không chỉ giới hạn trong các nền tảng nghe truyền thống mà còn được kết nối chặt chẽ với mạng xã hội để tăng cường khả năng lan tỏa nội dung. Các nhà sáng tạo Podcast thường sử dụng các kênh như Instagram, Facebook hoặc TikTok để chia sẻ các đoạn trích nội dung nổi bật, thúc đẩy sự tương tác và tiếp cận nhiều đối tượng hơn.
Sự kết hợp giúp xây dựng cộng đồng nghe trung thành và thúc đẩy khả năng lan tỏa nội dung một cách tự nhiên. Người nghe có thể dễ dàng chia sẻ các tập Podcast yêu thích trên trang cá nhân hoặc thảo luận với cộng đồng, tạo ra hiệu ứng lan truyền mạnh mẽ.
Podcast Marketing
Khi hơn 63% người nghe Podcast có xu hướng cân nhắc mua các sản phẩm/dịch vụ được đề cập trên những Podcast thường nghe. Podcast đang dần trở thành kênh Marketing mạnh mẽ giúp doanh nghiệp xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với khách hàng thông qua nội dung chất lượng và giá trị. Các thương hiệu có thể tạo Podcast riêng để chia sẻ kiến thức, cập nhật thông tin về sản phẩm hoặc dịch vụ, hoặc hợp tác với các nhà sản xuất Podcast nổi tiếng để quảng bá thương hiệu.
Podcast Marketing còn có thể kết hợp với các chiến lược Marketing khác như Email Marketing, social media và SEO để tối ưu hóa khả năng tiếp cận khách hàng. Đây là một kênh mới, nhưng đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp muốn tạo dấu ấn khác biệt trên thị trường.
Dự báo về doanh thu Podcast cho thấy một triển vọng tươi sáng, nhờ vào sự gia tăng không ngừng của số lượng người nghe Podcast cùng với sự đa dạng hóa các hình thức quảng cáo. Thị trường quảng cáo Podcast trên toàn thế giới năm 2024 dự kiến đạt 4,02 tỷ USD và tăng trưởng mạnh mẽ, đạt 5,03 tỷ USD vào 2027 hay 43 tỷ USD năm 2032.
Podcast đang được tối ưu và đầu tư mạnh mẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận nhanh chóng đến khách hàng mục tiêu
Những kênh Podcast hay cho dân Marketing
Với những ai đang làm trong lĩnh vực Marketing và muốn nâng cao kiến thức cũng như cập nhật các xu hướng mới nhất từ Podcast thì có thể theo dõi các kênh như:
Tên kênh Podcast |
Chủ đề chính |
Mô tả nội dung |
Ha Chu Works |
F&B, kinh doanh |
Chia sẻ kinh nghiệm thực tế của Hà Chu về kinh doanh F&B, các chiến lược Marketing hiệu quả. |
Những câu chuyện làm "ngành" |
Marketing tổng quan |
Câu chuyện thực tế của các marketer, bài học kinh nghiệm, xu hướng Marketing. |
Ba Chấm |
Marketing, khởi nghiệp, cuộc sống |
Nội dung đa dạng, từ Marketing đến các vấn đề trong cuộc sống, chia sẻ góc nhìn mới mẻ. |
Advertising Vietnam Podcast |
Quảng cáo |
Cập nhật xu hướng quảng cáo tại Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm từ các chuyên gia. |
M.A.D |
Marketing, Art, Design |
Tập trung vào 3 lĩnh vực Marketing, Art và Design, mang đến những góc nhìn sáng tạo. |
Marketing School |
Marketing tổng quan |
Các bài học Marketing ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu. |
Marketing Over Coffee |
Marketing tổng quan |
Các cuộc phỏng vấn với các chuyên gia Marketing, chia sẻ kinh nghiệm thực tế. |
The Marketing Companion |
Marketing tổng quan |
Thảo luận về các vấn đề hot trong ngành Marketing. |
Social Media Marketing Podcast |
Marketing trên mạng xã hội |
Cập nhật xu hướng và chiến lược Marketing trên các nền tảng mạng xã hội. |
On Strategy Showcase |
Chiến lược Marketing |
Phân tích các chiến dịch Marketing thành công, chia sẻ cách xây dựng chiến lược hiệu quả. |
Cách nghe Podcast đơn giản trên điện thoại, máy tính
Podcast đã trở thành một công cụ giải trí và học tập phổ biến trên toàn thế giới. Bạn có thể dễ dàng nghe Podcast thông qua các thiết bị điện tử như điện thoại hoặc máy tính, chỉ cần có kết nối internet.
Cách nghe Podcast bằng điện thoại
Đối với người dùng điện thoại, cả hệ điều hành Android và iOS đều cung cấp nhiều cách để nghe Podcast. Trên iOS, bạn có thể sử dụng ứng dụng Apple Podcasts tích hợp sẵn trong hệ điều hành. Ứng dụng này cho phép người dùng tìm kiếm, theo dõi và tải về các tập Podcast yêu thích.
Ngoài ra, người dùng ở hai hệ điều hành này cũng có thể dùng Spotify hoặc Google Podcast, Youtube hay các nền tảng mạng xã hội khác để nghe các nội dung hay mà mình quan tâm. Các ứng dụng này cung cấp giao diện thân thiện, giúp việc tìm kiếm và lưu trữ các Podcast yêu thích dễ dàng.
Cách nghe Podcast bằng máy tính
Nghe Podcast trên máy tính là một phương pháp thuận tiện cho những người thường xuyên làm việc với màn hình lớn. Trên Windows, người dùng có thể nghe Podcast thông qua các trình duyệt web bằng cách truy cập các nền tảng như Spotify hoặc trực tiếp trên các trang web của Podcast yêu thích. Nếu thích sử dụng phần mềm, bạn có thể tải về các ứng dụng như Spotify hoặc iTunes để nghe Podcast mà không cần trình duyệt.
Trên máy Mac, bạn có thể sử dụng ứng dụng Apple Podcasts có sẵn trong hệ điều hành macOS. Tương tự như trên điện thoại, ứng dụng này cung cấp hàng loạt chương trình Podcast phong phú, cho phép bạn dễ dàng quản lý và theo dõi. Ngoài ra, bạn cũng có thể cài đặt Spotify hoặc sử dụng các trình duyệt web để truy cập và nghe Podcast trực tuyến trên máy Mac.
Người dùng điện thoại hoặc máy tính đều có thể dễ dàng nghe Podcast trên nhiều nền tảng khác nhau
Đối với những người làm kinh doanh và Marketing, Podcast mở ra cơ hội kết nối sâu hơn với khách hàng, chia sẻ kiến thức chuyên môn và xây dựng lòng tin một cách tự nhiên. Bằng cách cung cấp nội dung chất lượng, nhất quán và hấp dẫn, các doanh nghiệp có thể không chỉ gia tăng giá trị cho người nghe mà còn tạo dựng thương hiệu vững mạnh và tiếp cận khách hàng tiềm năng một cách hiệu quả.