Trong kinh tế thị trường, thị phần đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự thành công của một doanh nghiệp. Hiểu rõ thị phần là gì và cách tính toán nó chính xác sẽ giúp doanh nghiệp đánh giá năng lực cạnh tranh, đưa ra chiến lược kinh doanh hiệu quả và từng bước chinh phục thị trường.
Thị phần là gì?
Thị phần (Market Share) là tỉ lệ phần trăm tiêu thụ sản phẩm hoặc dịch vụ của một doanh nghiệp so với tổng sản phẩm hoặc dịch vụ cùng loại được tiêu thụ trên toàn thị trường. Doanh nghiệp nào có thị phần cao sẽ có mức doanh thu cao, nhiều lợi thế cạnh tranh và là rào cản gia nhập mạnh mẽ đối với các đối thủ khác.
Để sở hữu được nhiều thị phần trên thị trường, các chủ doanh nghiệp cần có những chiến lược kinh doanh, Marketing và chiến lược giá phù hợp, nhất là khi bắt đầu thâm nhập thị tường. Đồng thời, có những phương án bảo vệ thị phần của mình hiện đang có.
Market Share hay thị phần là tỷ lệ tiêu thụ sản phẩm của một doanh nghiệp với tổng sản phẩm hiện có trên thị trường
Cách tính thị phần
Có hai phương pháp chính để tính toán thị phần của doanh nghiệp là cách tính thị phần tương đối và cách tính thị phần tuyệt đối.
Cách tính thị phần tuyệt đối
Thị phần tuyệt đối là tỷ lệ phần trăm tổng doanh số trong thị trường hoặc ngành của một công ty. Có 2 công thức tính phổ biến:
Công thức 1:
Thị phần = Tổng doanh số của doanh nghiệp / Tổng doanh số của thị trường |
Công thức 2:
Thị phần = Tổng sản phẩm bán ra của doanh nghiệp / Tổng sản phẩm tiêu thụ của thị trường |
Cách tính thị phần tương đối
Đây là cách tính giúp thể hiện rõ quy mô và lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp so với đối thủ cùng ngành. Thông qua đó, nhà quản trị hay chủ doanh nghiệp có thể vạch ra được những chiến lược phù hợp để cạnh tranh và mở rộng thị trường.
Công thức 1:
Thị phần tương đối (%) = Tổng doanh số thu được của doanh nghiệp / Tổng doanh số của đối thủ cạnh tranh thu được trong thị trường |
Công thức 2:
Thị phần tương đối (%) = Tổng sản phẩm bán ra của doanh nghiệp / Tổng sản phẩm bán ra của đối thủ cạnh tranh trên thị trường |
Lưu ý:
-
Nếu thị phần tương đối > 1 thì doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh cao.
-
Nếu thị phần tương đối < 1 thì đối thủ đang chiếm lợi thế cạnh tranh.
-
Nếu thị phần tương đối = 1 thì doanh nghiệp và đối thủ đều khả năng cạnh tranh như nhau.
Ví dụ về thị phần
Vinamilk là công ty lớn nhất ngành sữa Việt Nam với khoảng 50% thị phần và danh mục 250 dòng sản phẩm, đáp ứng hầu hết nhu cầu về sữa ở mọi lứa tuổi. Theo Cafebiz, trong 2023, doanh thu từ thị trường nội địa đóng góp 83,7% vào tổng doanh thu của VNM. Tính theo các danh mục ngành hàng, sữa nước đóng góp tỷ trọng lớn nhất trong tổng doanh thu, theo sau là sữa chua và sữa bột.
Với các chiến lược ngắn và dài hạn của, trong Quý I/2024, Vinamilk đã tăng gần 3% thị phần sữa nước sau khi có bộ nhận diện bao bì mới.
Ví dụ về thị phần ngành sữa tươi tại Việt nam
Vai trò của thị phần trong kinh doanh
Thị phần không chỉ đơn thuần là con số biểu thị tỷ lệ doanh thu của một công ty so với tổng doanh thu của toàn thị trường mà còn là thước đo đánh giá sự cạnh tranh và vị thế của doanh nghiệp trong ngành.
Thể hiện năng lực cạnh tranh
Khi một doanh nghiệp có thị phần lớn thì có nghĩa là họ đang chiếm lĩnh thị trường, sản phẩm/dịch vụ chất lượng cùng chiến lược Marketing hiệu quả hơn so với đối thủ. Lúc này, các chủ doanh nghiệp sẽ đề ra những chiến lược phù hợp để duy trì và mở rộng thị phần của mình.
Ngược lại, khi doanh nghiệp có thị phần thấp thì cần lên chiến lược phát triển đúng đắn cho doanh nghiệp trong tương lai để vượt qua đối thủ.
Xác định tốc độ tăng trưởng
Thông qua thị phần, các nhà quản lý có thể đo lường được tổng quan tình hình phát triển của doanh nghiệp đang ở mức độ nào để có những chiến lược kinh doanh và Marketing phù hợp. Nếu thị phần có giá trị thấp thì có nghĩa doanh nghiệp đang phát triển chậm hơn so với thị trường biến động.
Làm tiền đề xây dựng nguồn lực
Thị phần là một yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp tạo dựng và phát triển nguồn lực. Vì vậy, doanh nghiệp cần nỗ lực tăng thị phần để tăng doanh thu, lợi nhuận và khả năng tiếp cận nguồn vốn. Khi có nguồn lực dồi dào, doanh nghiệp có thể đầu tư vào phát triển, mở rộng thị trường, phát triển sản phẩm mới và nâng cao chất lượng dịch vụ, từ đó tăng sức cạnh tranh và thành công trong kinh doanh.
Các doanh nghiệp có thể đánh giá tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp thông qua thị phần
Xác định thị phần bằng ma trận BCG
Đo lường là một hoạt động quan trọng và mang đến lợi ích to lớn với các doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh kinh tế đang dần suy thoái. Để có kết quả chuẩn xác, các doanh nghiệp thường sử dụng ma trận BCG hoặc các công thức để tính thị phần.
Ma trận BCG (viết tắt của Boston Consulting Group) là công cụ dùng để phân tích đánh giá mối quan hệ giữa thị phần tương đối và tốc độ tăng trưởng thị phần. Mô hình sẽ được chia thành 04 phần gồm: Ngôi sao (Stars), Dấu hỏi (Question Marks), Con bò (Cash Cows), Con chó (Dogs). Bồn hình này sẽ được bố trí trên hệ trục tọa độ: Trục hoành là thị phần và trục tung là tăng trưởng doanh số.
Ma trận BCG giúp doanh nghiệp đánh giá tình trạng sản phẩm/dịch vụ chính xác
Ngôi sao
-
Thị phần cao, tăng trưởng cao.
-
Sản phẩm/dịch vụ có tiềm năng và tính cạnh tranh cao.
-
Doanh nghiệp cần thường xuyên đổi mới và đầu tư vào sản phẩm.
Dấu hỏi
-
Thị phần thấp, tăng trưởng cao
-
Sản phẩm/dịch vụ có thể trở thành Cash Cows hoặc Star nếu có chiến lược đầu tư phù hợp.
Con bò
-
Thị phần cao, tăng trưởng thấp.
-
Đóng vai trò duy trì dòng tiền giúp doanh nghiệp đầu tư, phát triển thêm sản phẩm mới, tái đầu tư vào Stars hoặc Question Marks.
Con chó
-
Thị phần thấp, tăng trưởng thấp.
-
Sản phẩm.dịch vụ có nhiều bất lợi về giá, không tạo ra doanh thu và không được doanh nghiệp đầu tư, phát triển.
Các yếu tố ảnh hưởng đến thị phần
- Chất lượng sản phẩm
- Giá thành
- Chiến lược Marketing
- Đội ngũ nhân viên
- Sự đột phá về sản phẩm và công nghệ
- Sự cạnh tranh của đối thủ
- Mạng lưới phân phối
Chất lượng sản phẩm
Chất lượng sản phẩm là yếu tố then chốt ảnh hưởng trực tiếp đến thị phần của doanh nghiệp. Khi một công ty luôn cung cấp những sản phẩm chất lượng sẽ tạo dựng được danh tiếng tốt. Điều này sẽ trở thành tài sản quý giá giúp thu hút khách hàng mới và giữ chân khách hàng hiện có.
Khi khách hàng nhận được sản phẩm đáp ứng hoặc vượt quá mong đợi, họ có nhiều khả năng trở thành người mua trung thành và giới thiệu thương hiệu đó cho người khác. Những lời truyền miệng tích cực này có thể thúc đẩy đáng kể doanh số bán hàng và thị phần.
Apple là một ví dụ điển hình về sức mạnh của chất lượng sản phẩm. Nhờ cam kết không ngừng nghĩ về chất lượng, Apple đã xây dựng được lượng khách hàng trung thành và duy trì thị phần đáng kể trong thị trường điện thoại thông minh và máy tính bảng. Khách hàng Apple sẵn sàng trả giá cao vì họ tin tưởng vào chất lượng và độ tin cậy của sản phẩm.
Giá thành
Giá thành sản phẩm là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quyết định mua sắm của khách hàng và thị phần của doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp cần xác định mức giá hợp lý để cạnh tranh với các đối thủ mà vẫn đảm bảo lợi nhuận. Đồng thời, áp dụng các chính sách giá linh hoạt như giảm giá, khuyến mãi và chương trình khách hàng thân thiết để giữ chân khách hàng.
Bằng cách thấu hiểu hành vi của người tiêu dùng, định vị thương hiệu một cách hiệu quả và tạo sự khác biệt so với đối thủ cạnh tranh, các công ty có thể phát triển những chiến lược định giá thành công giúp tăng thị phần và lợi nhuận tổng thể.
Chiến lược Marketing
Chiến lược Marketing đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì và tăng thị phần cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, một số sai lầm trong quá trình triển khai có thể làm giảm thị phần của doanh nghiệp như:
-
Chiến lược không phù hợp với đối tượng mục tiêu.
-
Thông điệp không rõ ràng, không liên quan đến sản phẩm/dịch vụ và không thu hút.
-
Sử dụng sai kênh Marketing, không tiếp cận được đối tượng khách hàng mục tiêu.
-
Không thường xuyên theo dõi và đánh giá hiệu quả của các chiến dịch Marketing.
-
Bỏ qua đối thủ cạnh tranh khi phân tích chiến lược Marketing.
Đội ngũ nhân viên
Đội ngũ nhân viên là tài sản quý giá của doanh nghiệp, ảnh hưởng lớn đến chất lượng sản phẩm, dịch vụ và trải nghiệm khách hàng. Đồng thời, đây cũng chính là yếu tố chính giúp tạo được lòng tin của khách hàng.
Có thể khẳng định rằng, làm hài lòng và mang đến những chính sách phúc lợi tốt cho nhân viên chính là chìa khóa dẫn đến thành công của mọi doanh nghiệp. Điều này đã được minh chứng bởi nhiều nghiên cứu uy tín, điển hình như:
-
Nghiên cứu được công bế trên tạp chí Forbes: Những công ty có văn hóa doanh nghiệp tốt thường xuyên khuyến khích các sáng kiến lãnh đạo toàn diện và đánh giá cao nhân viên có mức tăng trưởng khách hàng và doanh thu trung bình 68,2%.
-
Nghiên cứu của Gallup: Cho thấy lợi nhuận của doanh nghiệp có nhân viên gắn kết chặt chẽ sẽ tăng 21%.
-
Theo Harvard Business Review: Những doanh nghiệp có nhân viên hạnh phúc sẽ vượt trội hơn so với đối thủ 20%.
Sự đột phá về sản phẩm và công nghệ
Đột phá về sản phẩm, công nghệ giúp doanh nghiệp cải thiện chất lượng sản phẩm/ dịch vụ, mang lại nhiều lợi ích khác như tối ưu hóa quy trình sản xuất, giảm chi phí và tăng cường hiệu quả kinh doanh.
Song đó, doanh nghiệp cũng có thể nâng cao vị thế trên thị trường, thu hút thêm khách hàng mới và giữ chân khách hàng hiện tại. Đặc biệt trong các ngành công nghiệp có tốc độ phát triển nhanh chóng, sự đổi mới và đột phá có thể là yếu tố quyết định rất lớn đến sự thành công và phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Sự cạnh tranh của đối thủ
Sự cạnh tranh của đối thủ là một trong những yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến thị phần của doanh nghiệp. Khi các đối thủ cạnh tranh tung ra sản phẩm mới, giảm giá hoặc triển khai các chiến lược Marketing hiệu quả, họ có thể thu hút khách hàng từ doanh nghiệp và làm giảm thị phần của doanh nghiệp.
Mạng lưới phân phối
Mạng lưới phân phối rộng khắp và hiệu quả giúp doanh nghiệp tiếp cận khách hàng một cách nhanh chóng và thuận tiện. Theo đó, doanh nghiệp có thể mở rộng và tối ưu hóa các kênh phân phối để đảm bảo sản phẩm đến tay khách hàng một cách nhanh nhất.
Sự cạnh tranh của đối thủ làm ảnh hưởng đến thị phần doanh nghiệp
Cách gia tăng thị phần cho doanh nghiệp
Gia tăng thị phần là mục tiêu quan trọng mà mọi doanh nghiệp đang hướng đến. Doanh nghiệp cần áp dụng các chiến lược phù hợp để cải thiện trải nghiệm khách hàng như:
Cải tiến sản phẩm
Trong thị bối cảnh thị trường cạnh tranh cao, sản phẩm có chất lượng vượt trội và đáp ứng sự hài lòng của người dùng chính là nền tảng quan trong giúp các doanh nghiệp mở rộng thị phần. Doanh nghiệp có thể thông qua các phản hồi từ khách hàng và xu hướng thị trường để liên tục cải tiến sản phẩm.
Một chiến lược sản phẩm thành công, doanh nghiệp có thể thu hút khách hàng mới, giữ chân khách hàng cũ, thúc đẩy lòng trung thành với thương hiệu,...
Cải thiện trải nghiệm khách hàng
Thay vì chỉ tập trung vào việc phát triển sản phẩm, các doanh nghiệp cũng cần chú trọng vào dịch vụ khách hàng. Bởi khi khách hàng hài lòng với những trải nghiệm tốt tại doanh nghiệp thì khả năng gắn bó lâu dài và trở thành khách hàng trung thành cao. Do đó, dù thị phần doanh nghiệp thấp hoặc cao thì cũng cần có một quy trình chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp và giải quyết nhanh các khiếu nại, thắc mắc của khách hàng.
Theo kết quả nghiên cứu của Forrester về “Bảng xếp hạng trải nghiệm khách hàng Ngân hàng Hoa Kỳ 2023”, việc mang đến những trải nghiệm tốt cho khách hàng có ảnh hưởng rất lớn đến lòng trung thành của họ đến với thương hiệu. Đây được xem là giải pháp hữu hiệu trong mọi ngành. Ngoài ra, Harvard Business Review cũng nhận định rằng, trải nghiệm khách hàng có ảnh hưởng đến thương hiệu và tác động đến hiệu quả kinh doanh mạnh mẽ và lâu dài.
Lên chiến lược giá phù hợp
Chiến lược giá phù hợp có vai trò quan trọng trong sự phát triển, mở rộng thị phần giúp các doanh nghiệp định vị mình trong thị trường cạnh tranh ngày nay. Không chỉ vậy, nó còn ảnh hưởng đến nhận thức và nhu cầu của khách hàng.
Nếu một doanh nghiệp đưa ra mức giá thấp hơn so với đối thủ cạnh tranh thì họ có thể lôi kéo những người tiêu dùng nhạy cảm về giá - mong muốn tìm kiếm giá trị tốt nhất cho số tiền họ bỏ ra. Ví dụ, Walmart - một công ty bán lẻ hàng đầu tại Mỹ đã chiếm được thị phần đáng kể nhờ áp dụng chiến lược giá thấp của mình (Nguồn).
Ngược lại, với các thương hiệu xa xỉ như Louis Vuitton hay Rolex, họ luôn bán ra các sản phẩm giá cao để tạo hình ảnh sự độc quyền và chất lượng, thu hút một phân khúc khách hàng cụ thể sẵn sàng trả giá cao cho sản phẩm của họ. Đồng thời, các hãng này cũng định giá sản phẩm của mình ở những con số chẵn như 1000 USD hoặc 10000 USD thay vì 999,99 USD. Bởi lẽ những con số này khiến sản phẩm có vẻ cao cấp và độc quyền hơn và đáp ứng được những nhu cầu của người tiêu dùng hàng xa xỉ. (Nguồn: The Psychology of Luxury Pricing)
Đa dạng hình thức tiếp thị
Tiếp thị đa kênh là một phương pháp được các doanh nghiệp lớn lựa chọn nhằm tăng khả năng hiển thị thương hiệu và tạo điều kiện thuận lợi cho việc tương tác với khách hàng trong nhiều giai đoạn khác nhau. Đặc biệt, trong thời đại 4.0, việc tận dụng sự lan truyền mạnh mẽ của các kênh tiếp thị trực tuyến được xem là cách giúp các doanh nghiệp thu hút được sự chú ý của người tiêu dùng và nâng cao thị phần của mình.
Các hình thức Marketing hiện nay là:
Marketing truyền thống:
- Event Marketing
- Print Marketing
- Traditional Marketing
- Telemarketing
Marketing kỹ thuật số:
- Digital Marketing
- Content Marketing
- Search Engine Marketing (SEM)
- Search Engine Optimization (SEO)
- Influencer Marketing
- Social Media Marketing
- Email Marketing
- Affiliate Marketing
Dù sử dụng bất kỳ hình thức hay kênh nào, các doanh nghiệp cần có sự nhất quán về hình ảnh, màu sắc, giọng nói và thông điệp để đảm bảo sự ấn tượng mạnh mẽ, tích cực và lâu dài. Đồng thời, quảng cáo phải nhắm đúng khách hàng mục tiêu.
Tiếp cập thị trường mới
Đa dạng hóa sản phẩm hay tiếp cận thị trường mới cũng là cách giúp các doanh nghiệp thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững với các ngành khác ngoài danh mục hiện tại. Với chiến lược tốt và thành công, việc đa dạng hóa sản phẩm có thể giúp doanh nghiệp mở rộng thị phần, tăng dòng doanh thu và phân tán các rủi ro hiệu quả.
Samsung là tập đoàn Hàn Quốc có chiến lược đa dạng hóa sản phẩm thành công với khoảng 100 công ty con, cho các ngành nghề gồm điện tử tiêu dùng, xây dựng, dịch vụ tài chính, dịch vụ y tế và đóng tàu. Nhờ vậy, Samsung đã thành công vượt qua các thời kỳ khủng hoảng kinh tế và duy trì lợi nhuận, ngay cả khi đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt.
Mua lại thị phần của đối thủ
Một trong những cách đơn giản nhất để doanh nghiệp tăng thị phần trên thị trường tổng thể là mua lại đối thủ. Theo đó, doanh nghiệp sẽ có được thị phần của đối thủ, giảm bớt sự cạnh tranh và tận dụng được nguồn lực của hai doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp nếu việc mua lại đối thủ không khả thi về mặt tài chính hay khó khăn trong các thủ tục pháp lý thì các doanh nghiệp cũng có thể xem xét việc tìm kiếm và thu hút nhân viên chủ chốt ở các công ty đối thủ cạnh tranh.
Doanh nghiệp cần tiếp cận thị trường mới để giảm thiểu rủi ro
Thị phần là một chỉ số quan trọng giúp doanh nghiệp đánh giá vị thế cạnh tranh, đưa ra chiến lược kinh doanh hiệu quả và từng bước chinh phục thị trường. Việc tính toán và theo dõi thị phần một cách thường xuyên sẽ giúp doanh nghiệp có được lợi thế cạnh tranh và đạt được mục tiêu kinh doanh đề ra.