Bộ nhận diện thương hiệu gồm những gì? Cách thiết kế thu hút

Thương hiệu được xem là tài sản quý báu của mọi doanh nghiệp và việc xây dựng một bộ nhận diện thương hiệu đúng với giá trị cốt lõi của doanh nghiệp là thách thức lớn. Nó đòi hỏi sự đầu tư kỹ lưỡng từ khâu nghiên cứu, lên ý tưởng chiến lược đến sáng tạo và luôn đảm bảo tính nhất quán. Bởi bộ nhận diện thương hiệu không chỉ gói gọn trong những yếu tố hình ảnh hay màu sắc mà còn là lời nói, tính cách và sự cam kết mạnh mẽ của doanh nghiệp đối với khách hàng của mình. 

Bộ nhận diện thương hiệu là gì?

Bộ nhận diện thương hiệu (Brand Identity Package) là tập hợp các yếu tố hữu hình bên ngoài của một thương hiệu giúp người tiêu dùng có thể nhận diện và nhớ đến. Các thành phần chính của bộ nhận diện thương hiệu có thể là hình ảnh, màu sắc, kiểu chữ, slogan, âm thanh, bao bì sản phẩm, trang phục, phong cách giao tiếp,... Tất cả cùng tạo nên bản sắc riêng biệt cho thương hiệu của doanh nghiệp.

Nghiên cứu của Edgar Dale đã chỉ ra rằng, con người ghi nhớ và phản ứng mạnh mẽ hơn với những trải nghiệm trực quan và tương tác. Cụ thể, chỉ nhớ 10% những gì đã đọc, 20% những gì nghe được, nhưng có thể nhớ tới 95% những gì đã dạy lại cho người khác. Điều này cho thấy rằng, sự tiếp xúc đa chiều với một thương hiệu có thể tạo nên ấn tượng mạnh mẽ và bền vững hơn trong tâm trí khách hàng.

Không chỉ dừng lại ở việc tạo nên một Logo đẹp mắt, bộ nhận diện thương hiệu là sự kết hợp hài hòa của nhiều yếu tố khác nhau nhằm truyền tải thông điệp của doanh nghiệp một cách nhất quán. Đồng thời thể hiện được giá trị của mình đến người tiêu dùng nhằm ghi đậm dấu ấn riêng biệt trong lòng khách hàng, tạo niềm tin và sự trung thành. 

bộ nhận diện thương hiệu là gì
Bộ nhận diện thương hiệu là tập hợp các yếu tố hữu hình giúp người tiêu dùng nhận diện và ghi nhớ thương hiệu

Vai trò của bộ nhận diện thương hiệu

Hiểu rõ và khai thác tối đa vai trò của bộ nhận diện thương hiệu là chìa khóa để doanh nghiệp không chỉ tồn tại mà còn phát triển bền vững trong dài hạn.

  1. Tạo dựng sự khác biệt
  2. Tăng cường nhận diện thương hiệu
  3. Xây dựng lòng trung thành
  4. Nâng cao giá trị doanh nghiệp

Tạo dựng sự khác biệt

Trong một thị trường cạnh tranh gay gắt với nhiều sản phẩm và dịch vụ tương tự, sự khác biệt là yếu tố sống còn để thu hút và giữ chân khách hàng. Sự nổi bật từ bộ nhận diện thương hiệu sẽ giúp doanh nghiệp thể hiện những thuộc tính độc đáo, giá trị cốt lõi và thông điệp của mình. 

Tăng cường nhận diện thương hiệu

Một bản sắc thương hiệu vững chắc và dễ nhớ là yếu tố then chốt để nâng cao nhận thức và giữ cho thương hiệu luôn hiện diện trong tâm trí khách hàng. Trong bối cảnh thị trường năng động hiện nay, 89% các doanh nghiệp B2B đều đặt mục tiêu tăng cường nhận thức thương hiệu lên hàng đầu.

Bên cạnh đó, sự đồng bộ và rõ ràng trong thông điệp sẽ góp phần xây dựng lòng tin và sự trung thành từ khách hàng, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững và mạnh mẽ trên thị trường. Thực tế cho thấy, những doanh nghiệp tập trung vào phát triển bộ nhận diện thương hiệu toàn diện có thể nâng cao doanh thu lên đến 23%.

Xây dựng lòng trung thành

Bộ nhận diện thương hiệu sẽ mang đến những nhận thức, cảm xúc và đánh giá của người tiêu dùng về việc sở hữu thương hiệu (Büyükdağ và Kitapci, 2021). Không chỉ là công cụ để thu hút khách hàng ban đầu, nó còn giữ chân khách hàng nếu họ cảm thấy sự đồng điệu và có thể gắn bó lâu dài thông qua thông điệp truyền tải.  

Phần lớn khoảng 65% người tiêu dùng tin rằng, khi họ có sự kết nối cảm xúc với một công ty, họ cảm nhận rằng công ty thực sự quan tâm đến họ như những cá nhân riêng biệt. Vì vậy, điều này không chỉ tạo ra lòng trung thành mà còn thúc đẩy sự ủng hộ từ phía khách hàng, giúp doanh nghiệp xây dựng mối quan hệ bền vững và ý nghĩa hơn với cộng đồng của mình.

Nâng cao giá trị doanh nghiệp

Một bộ nhận diện thương hiệu đẹp, được xây dựng cẩn thận và nhất quán, không chỉ tạo ra ấn tượng sâu sắc với khách hàng mà còn tăng cường giá trị thương hiệu trên thị trường. Khi thương hiệu được định giá cao, nó không chỉ phản ánh sự thành công trong việc xây dựng bản sắc doanh nghiệp mà còn góp phần nâng tầm vị thế cạnh tranh, thu hút đầu tư và mở rộng cơ hội phát triển trong tương lai. 

Bộ nhận diện thương hiệu mạnh mẽ trở thành một tài sản quý giá, đóng góp trực tiếp vào giá trị tổng thể và sự thịnh vượng lâu dài của doanh nghiệp.

vai trò của bộ nhận diện thương hiệu
Bộ nhận diện thương hiệu có vai trò nâng cao giá trị doanh nghiệp

Bộ nhận diện thương hiệu gồm những gì?

Tên thương hiệu

Tên thương hiệu là yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất trong bộ nhận diện thương hiệu. Nó không chỉ là tên gọi mà còn là biểu tượng của giá trị và thông điệp mà doanh nghiệp muốn truyền tải. Một tên thương hiệu hiệu quả cần phải dễ nhớ, dễ phát âm, và có khả năng gợi nhớ đến lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp. Đồng thời, phải độc đáo và tránh trùng lặp với các thương hiệu khác để hạn chế sự nhầm lẫn cho khách hàng.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những công ty có tên thương hiệu ngắn, dễ phát âm và đơn giản thường được các nhà đầu tư ưu ái hơn (T. Clifton Xanh và Russell Jame, 2013). Đồng thời, họ cũng tạo ra khối lượng giao dịch lớn và hoạt động tài chính hiệu quả hơn.

Tên thương hiệu hầu như là không thay đổi trong suốt vòng đời của công ty hoặc sản phẩm, dù các hoạt động quảng cáo, trang Web hay Logo có thể được điều chỉnh theo thời gian, trừ khi có vấn đề pháp lý phát sinh. Vì vậy, việc đầu tư thời gian và tài chính để tạo ra một tên thương hiệu độc đáo và hấp dẫn là điều cần thiết. Một tên thương hiệu nhạt nhòa, dễ bị trùng lặp có thể làm giảm hiệu quả của mọi chiến lược Marketing.

Logo là một biểu tượng, kết hợp giữa văn bản và hình ảnh, đại diện cho sản phẩm/dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp, giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận diện thương hiệu trên thị trường. Những logo được thiết kế độc đáo và mang tính cảm xúc có thể tạo ra ấn tượng tích cực và thúc đẩy quyết định mua hàng của khách hàng tiềm năng (Jonathan Luffarelli và cộng sự, 2019).

Được xem là cầu nối cảm xúc và khơi gợi những liên tưởng tích cực trong tâm trí người tiêu dùng, Logo cần hội tụ các yếu tố quan trọng như dễ nhận diện, độc đáo, dễ đọc và tính nhất quán. Theo khảo sát, 78% người tham gia cho rằng Logo là một tác phẩm nghệ thuật, 42% người cảm nhận được tính cách của công ty qua Logo và hơn một phần ba tin rằng một Logo đẹp phản ánh chất lượng và uy tín của doanh nghiệp.

Slogan

Cùng với tên thương hiệu và Logo, Slogan là thành phần quan trọng trong bộ nhận diện thương hiệu góp phần định hình nên bản sắc thương hiệu đặc trưng cho sản phẩm/dịch vụ. Nó có thể được diễn đạt bằng văn bản hoặc lời nói để định vị cho thương hiệu đó trên thị trường.

Các doanh nghiệp/thương hiệu có thể sử dụng Slogan như một phần của chiến lược Marketing để quảng bá toàn bộ doanh nghiệp hoặc là một đợt ra mắt sản phẩm nhất định. Thông qua Slogan, doanh nghiệp có thể truyền đạt thông điệp rõ ràng đến khách hàng mục tiêu, tạo ra sự khác biệt, tăng lợi thế cạnh tranh, nâng cao doanh số và lợi nhuận.

Theo nghiên cứu của Giáo sư Brady Hodges (Đại học Missouri), Giáo sư Zachary Estes và Giáo sư Caleb Warren (Đại học Arizona), có năm yếu tố ảnh hưởng đến mức độ yêu thích và khả năng ghi nhớ Slogan của công chúng: độ dài, sự xuất hiện của tên thương hiệu, tần suất từ, tính độc đáo và mức độ trừu tượng của từ ngữ. Những Slogan dài có tên thương hiệu thường được ghi nhớ tốt hơn nhưng ít được yêu thích. Trong khi đó, những Slogan sử dụng từ ngữ phổ biến và mang tính trừu tượng thường được công chúng ưa chuộng nhưng lại ít để lại ấn tượng. Đây cũng chính là khó khăn cho các doanh nghiệp khi lựa chọn ngôn từ phù hợp với tối ưu cho Slogan của mình.

Tại Việt Nam, Viettel là một minh chứng về sự thay đổi Slogan tích cực từ Slogan huyền thoại của mình là “Hãy nói theo cách của bạn” sang “Theo cách của bạn” để nhấn mạnh khả năng phục vụ khách hàng mà không cần họ phải nói ra nhu cầu. Sự thay đổi này phản ánh sự chuyển mình của Viettel từ một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông sang một nhà cung cấp dịch vụ số toàn diện, đáp ứng kịp thời các nhu cầu trong thời đại công nghệ 4.0.

Màu sắc

Màu sắc đóng vai trò quan trọng trong bộ nhận diện thương hiệu vì nó có khả năng gợi lên cảm xúc, tạo ấn tượng, ảnh hưởng đến khả năng thích và hình thành nhận thức về thương hiệu của người tiêu dùng (Lauren I.Labrecque và George R.Milne, 2012). Cũng theo nghiên cứu của Đại học Loyola, 80% người tiêu dùng có thể ghi nhớ một thương hiệu dựa trên màu sắc của nó.

Để tạo ra giá trị và định vị được thương hiệu của mình, màu sắc sử dụng phải phù hợp với những sản phẩm/dịch vụ mà doanh nghiệp đang cung cấp (Paul A. Bottomley và cộng sự, 2006). Trong quá trình lựa chọn và xây dựng màu sắc thương hiệu, doanh nghiệp cần nghiên cứu về nhân khẩu học, chân dung khách hàng của mình để phù hợp với tệp khách hàng mục tiêu. Các nghiên cứu của Hallock đã chỉ ra rằng, sự nhận thức và sở thích về màu sắc của nam và nữ có sự khác biệt rõ rệt. Cụ thể, nam giới thường chuộng các màu đậm trong khi nữ giới thì chuộng các màu dịu hơn. 

Font chữ

Font chữ là một yếu tố thiết kế không kém phần quan trọng trong bộ nhận diện thương hiệu giúp nâng cao bản sắc riêng biệt và xây dựng thị phần của thương hiệu trên thị trường (John R Doyle và Paul A Bottomley, 2004). Trong một nghiên cứu nhỏ, 75% người tiêu dùng đã chọn socola từ một hộp socola có phòng chữ phù hợp thay vì một hộp có phòng chữ không phù hợp. 

“Nét chữ - nết người” là câu nói từ bao đời nay vẫn luôn đúng, thông qua Font chữ, người xem có thể đánh giá được tính cách và sự chuyên nghiệp từ thương hiệu. Để chọn được Font chữ phù hợp và định hình bản sắc thương hiệu, doanh nghiệp cần tự làm rõ những yếu tố như tầm nhìn và sứ mệnh, giá trị niềm tin, tệp khách hàng hướng đến hay phương tiện tiếp cận,...

Các thương hiệu như Apple và The New York Times đã thành công trong việc thiết lập bản sắc thương hiệu của mình bằng cách sử dụng nhất quán các phông chữ cụ thể. Nếu Apple được biết đến với phông chữ Sans-serif (hay San Francisco) tối giản và gọn gàng thì The New York Times xây dựng hình ảnh với phông chữ Cheltenham cổ điển và uy quyền.

Hình ảnh

Được công nhận là một trong những động lực thúc đẩy tài sản thương hiệu, hình ảnh đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động Marketing của mọi doanh nghiệp. Khi hình ảnh được truyền tải tích cực, nó có thể dẫn đến lòng trung thành của khách hàng tăng lên, Marketing truyền miệng nhiều hơn và doanh thu cao hơn.

Theo nghiên cứu, bộ não của con người có khả năng xử lý hình ảnh nhanh hơn 60.000 lần so với văn bản và 90% thông tin truyền đến não là hình ảnh. Trong một thế giới đầy cạnh tranh và thông tin dồn dập, hình ảnh được thiết kế tốt sẽ là chìa khóa để doanh nghiệp nổi bật hơn so với đối thủ cạnh tranh

Hình ảnh trong bộ nhận diện thương hiệu có thể bao gồm các biểu tượng, hình ảnh minh họa hoặc hình chụp thực tế. Những hình ảnh này cần phải phản ánh đúng bản chất của thương hiệu và gây ấn tượng mạnh với khách hàng. Đồng thời, được xuất hiện nhất quán trên mọi nền tảng truyền thông và tại mọi điểm tiếp xúc (Customer Touch Points), doanh nghiệp có thể đảm bảo việc để lại ấn tượng tốt với người tiêu dùng, tạo cảm giác quen thuộc và sự tin tưởng với thương hiệu. 

Âm thanh

Khi xây dựng một bộ nhận diện thương hiệu đầy đủ, các doanh nghiệp sẽ thật thiếu sót khi bỏ qua yếu tố âm thanh. Bộ não con người luôn có xu hướng tự động kết nối các loại nhạc cụ thể với một vật thể, địa điểm hoặc một người nào đó. Vì vậy, các nhà làm Marketing hàng đầu cũng sử dụng âm nhạc/âm thanh đặc trưng trong các hoạt động quảng cáo của họ để tạo sự liên kết giữa một bản nhạc thu hút người xem, khiến họ liên tưởng âm thanh đó với thương hiệu của họ. Đặc biệt là trong các phương tiện truyền thông như video quảng cáo trên Social Media, Radio, ứng dụng di động,... 

Để thành công, những âm thanh này cần phải phù hợp với tính cách và thông điệp của thương hiệu và có khả năng gợi nhớ mạnh mẽ. Netflix là ví dụ điển hình khi sử dụng âm thanh Tudum quen thuộc trên toàn cầu và tạo nên giai điệu trải nghiệm cho người xem. Dù đang xem gì trên Netflix thì đoạn âm thanh ngắn này sẽ giúp người xem sẵn sàng cho nội dung tiếp theo. Đây được xem là đặc trưng của thương hiệu này.

Trong bối cảnh mua hàng trực tuyến tăng cao và đại dịch Covid bùng nổ làm gián đoạn các hoạt động đi lại, mua sắm và ăn uống, các sàn thương mại điện tử cần phải tạo ra sự khác biệt trong các chiến dịch quảng cáo của mình. Shopee đã thành công tạo nên sự nổi bật riêng biệt với đoạn nhạc đặc trưng “cùng Shopee pi pi pi...”.

bộ nhận diện thương hiệu gồm những gì
Bộ nhận diện thương hiệu gồm Logo, Slogan, Font chữ,..

Các bước xây dựng bộ nhận diện thương hiệu chất lượng, thu hút

  1. Bước 1: Phân tích thị trường
  2. Bước 2: Xây dựng giá trị và lên ý tưởng
  3. Bước 3: Thiết kế các yếu tố nhận diện
  4. Bước 4: Xây dựng hệ thống nhận diện
  5. Bước 5: Triển khai, quản lý và cải tiến

Bước 1: Phân tích thị trường

Phân tích thị trường là bước đầu tiên và quan trọng nhất trong việc xây dựng bộ nhận diện thương hiệu. Quá trình này bao gồm việc phân tích các đối thủ cạnh tranh, hiểu rõ nhu cầu và mong muốn của khách hàng mục tiêu, cũng như xác định những yếu tố văn hóa, xã hội có thể ảnh hưởng đến thương hiệu. Qua đó, doanh nghiệp sẽ có cái nhìn tổng quan về thị trường, từ đó định vị thương hiệu của mình một cách khác biệt và nổi bật.

Bước 2: Xây dựng giá trị và lên ý tưởng

Sau khi có được những thông tin cần thiết từ thị trường, bước tiếp theo là xác định giá trị cốt lõi mà thương hiệu sẽ mang đến cho khách hàng. Giá trị này cần phản ánh được mục tiêu của doanh nghiệp, tầm nhìn và sứ mệnh. Từ đó, hình thành các ý tưởng cho hình ảnh, Slogan, âm thanh, màu sắc hay các biểu tượng liên quan.

Với mục tiêu là tạo ra một hình ảnh độc đáo, dễ nhớ và phản ánh chính xác bản sắc thương hiệu, giai đoạn này yêu cầu sự tham gia chặt chẽ của các bên liên quan trong doanh nghiệp để đảm bảo rằng mọi khía cạnh đều được đồng thuận và nhất quán.

Bước 3: Thiết kế các yếu tố nhận diện

Đây là bước cụ thể hóa các ý tưởng và giá trị đã được xác định. Các yếu tố này bao gồm logo, màu sắc chủ đạo, phông chữ, biểu tượng và phong cách hình ảnh. Mỗi yếu tố cần được thiết kế sao cho phù hợp với tính cách của thương hiệu và dễ dàng nhận diện. Ngoài ra, thiết kế không chỉ dừng lại ở việc tạo ra những hình ảnh đẹp mắt mà còn phải đảm bảo tính ứng dụng cao trên nhiều nền tảng và vật liệu khác nhau.

Bước 4: Xây dựng hệ thống nhận diện

Hệ thống này bao gồm các quy tắc và hướng dẫn sử dụng tất cả các yếu tố nhận diện thương hiệu trên mọi phương tiện truyền thông và kênh giao tiếp. Các doanh nghiệp cần có một bộ quy chuẩn thương hiệu (Brand Guidelines) chi tiết, bao gồm cách sử dụng logo, màu sắc, phông chữ và các yếu tố hình ảnh khác trong các ngữ cảnh khác nhau. 

Hệ thống nhận diện này giúp đảm bảo rằng thương hiệu được sử dụng một cách nhất quán, chuyên nghiệp và dễ nhận diện trong mắt khách hàng, bất kể là trên nền tảng số hay in ấn.

Bước 5: Triển khai, quản lý và cải tiến

Việc triển khai bao gồm áp dụng các yếu tố nhận diện thương hiệu vào tất cả các kênh truyền thông từ website, mạng xã hội đến bao bì sản phẩm và tài liệu Marketing. Người quản lý thương hiệu (Brand Manager) cần giám sát liên tục để đảm bảo rằng các yếu tố nhận diện được sử dụng đúng cách và nhất quán. 

Bên cạnh đó, cải tiến là yếu tố không thể thiếu, khi thị trường và xu hướng luôn thay đổi. Doanh nghiệp cần thường xuyên đánh giá hiệu quả của bộ nhận diện và điều chỉnh nếu cần thiết để duy trì sự phù hợp và hấp dẫn với khách hàng.

các bước xây dựng bộ nhận diện thương hiệu
Bộ nhận diện thương hiệu cần phù hợp với các giá trị và khách hàng mục tiêu

Một số câu hỏi liên quan đến bộ nhận diện thương hiệu

  1. Khi nào nên xây dựng bộ nhận diện thương hiệu?
  2. Bộ nhận diện thương hiệu thường xuất hiện ở đâu?
  3. Cần lưu ý gì khi xây dựng bộ nhận diện thương hiệu?

Khi nào nên xây dựng bộ nhận diện thương hiệu?

Bộ nhận diện thương hiệu là biểu tượng rõ nét của bản sắc doanh nghiệp và thường được giữ vững qua thời gian. Tuy nhiên, trong một số tình huống, doanh nghiệp có thể điều chỉnh hoặc cải tiến để phù hợp hơn với mục tiêu, sứ mệnh và các giá trị cốt lõi mà họ hướng đến.

  • Khi khởi nghiệp hoặc ra mắt một thương hiệu mới: Một thương hiệu mới cần một bộ nhận diện để xây dựng sự hiện diện ban đầu và thu hút khách hàng. Đây là cơ hội để doanh nghiệp xác lập bản sắc và tạo ra ấn tượng đầu tiên mạnh mẽ.

  • Khi tái định vị thương hiệu: Nếu doanh nghiệp quyết định thay đổi chiến lược hoặc mở rộng thị trường, một bộ nhận diện mới có thể giúp phản ánh những thay đổi này và kết nối tốt hơn với khách hàng mục tiêu.

  • Khi thương hiệu cũ trở nên lỗi thời: Theo thời gian, bộ nhận diện thương hiệu có thể trở nên lỗi thời hoặc không còn phù hợp với xu hướng thị trường và sự phát triển của doanh nghiệp. Đây là lúc cần cập nhật hoặc xây dựng lại một bộ nhận diện mới để giữ vững tính cạnh tranh.

  • Khi doanh nghiệp hợp nhất hoặc sáp nhập: Khi có sự hợp nhất hoặc sáp nhập giữa các công ty, một bộ nhận diện mới giúp thể hiện sự kết hợp này và xây dựng một hình ảnh thương hiệu mới, đại diện cho sự hợp tác và phát triển.

  • Khi doanh nghiệp mở rộng sang thị trường mới: Mở rộng sang thị trường mới có thể yêu cầu một bộ nhận diện phù hợp với văn hóa và sở thích của khách hàng tại khu vực đó. Điều này giúp thương hiệu dễ dàng hòa nhập và được chấp nhận tại thị trường mới.

Quá trình cải tiến hoặc xây dựng lại bộ nhận diện thương hiệu mới có thể mang đến nhiều lợi ích nhưng nó cần được thực hiện một cách cẩn trọng. Để qua đó, duy trì tính nhất quán và không làm mất đi những giá trị cốt lõi mà thương hiệu đã xây dựng trước đó.

Bộ nhận diện thương hiệu thường xuất hiện ở đâu?

Bộ nhận diện thương hiệu thường được các doanh nghiệp sử dụng tại mỗi điểm tiếp xúc với khách hàng, để qua đó tăng cường sự hiện diện và nâng cao nhận thức thương hiệu.

Địa điểm xuất hiện

Mô tả chi tiết

Trên các phương tiện truyền thông trực tuyến

Website, Social Media, Marketing Online, Email Marketing, ứng dụng di động,...

Trên các phương tiện truyền thông truyền thống

Radio, báo chí, tạp chí, biển quảng cáo, TVC trên Tivi,...

Sản phẩm

Logo, màu sắc và phong cách thiết kế trên bao bì sản phẩm, nhãn mác, tem bảo hành, hóa đơn,...

Tài liệu Marketing

Brochure, Catalog, Tờ rơi, danh thiếp (Name Card), báo cáo,...

Bộ nhận diện văn phòng

Cửa hàng, văn phòng, điểm giao dịch, quầy hàng, bảng hiệu, trang trí nội thất, đồng phục nhân viên, bút viết, sổ tay, phong bì,...

Sự kiện và triển lãm

Standee, Backdrop, Banner, quà tặng, vật phẩm khuyến mãi,...

Trên các phương tiện di chuyển

Xe công ty, xe chở hàng, xe phục vụ sự kiện trang trí bằng logo, màu sắc,...

Cần lưu ý gì khi xây dựng bộ nhận diện thương hiệu?

Khi xây dựng bộ nhận diện thương hiệu, có một số lưu ý quan trọng mà doanh nghiệp cần phải cân nhắc để đảm bảo hiệu quả và sự nhất quán trong việc truyền tải thông điệp thương hiệu:

  • Hiểu rõ bản sắc thương hiệu, sứ mệnh và giá trị cốt lõi doanh nghiệp để tạo nên sự liên kết chặt chẽ và thể hiện đúng tinh thần của thương hiệu.

  • Tất cả các yếu tố trong bộ nhận diện cần phải được sử dụng nhất quán trên mọi kênh truyền thông và điểm chạm với khách hàng nhằm xây dựng nhận thức mạnh mẽ và dễ nhận biết hơn cho thương hiệu.

  • Mặc dù cần nhất quán, bộ nhận diện thương hiệu cũng phải đủ linh hoạt để thích ứng với nhiều môi trường và nền tảng khác nhau. Ví dụ, Logo cần được thiết kế để dễ dàng hiển thị trên cả nền tảng kỹ thuật số lẫn in ấn, cũng như trên các sản phẩm với kích thước và chất liệu đa dạng.

  • Thiết kế cần phải đơn giản, rõ ràng và dễ hiểu, giúp khách hàng dễ dàng nhận diện và ghi nhớ thương hiệu của bạn.

  • Phù hợp với sở thích, văn hóa và kỳ vọng của nhóm khách hàng mà doanh nghiệp muốn hướng đến.

  • Hạn chế sự phụ thuộc theo xu hướng và thay đổi quá thường xuyên vì có thể khiến khách hàng khó nhận diện.

  • Trước khi chính thức ra mắt bộ nhận diện, doanh nghiệp nên thử nghiệm với một nhóm nhỏ đối tượng mục tiêu để thu thập phản hồi. Điều này giúp nhận biết sớm những điểm cần cải thiện và đảm bảo rằng bộ nhận diện đáp ứng tốt nhu cầu và mong đợi của khách hàng.

  • Cần có kế hoạch quản lý để đảm bảo tất cả các bên liên quan trong doanh nghiệp đều tuân thủ đúng hướng dẫn và quy chuẩn. Đồng thời, thương hiệu cần được bảo vệ pháp lý để tránh việc sao chép hoặc sử dụng trái phép.

Bộ nhận diện thương hiệu không chỉ là những yếu tố hình ảnh mà còn là cách doanh nghiệp thể hiện giá trị, cam kết và bản sắc độc đáo của mình trước công chúng. Một bộ nhận diện thương hiệu mạnh mẽ sẽ giúp doanh nghiệp tạo ra ấn tượng sâu sắc, tăng cường sự nhận diện và xây dựng lòng trung thành từ khách hàng. Đầu tư vào một bộ nhận diện thương hiệu chỉn chu và nhất quán là một bước đi chiến lược quan trọng, góp phần đưa doanh nghiệp vươn xa và khẳng định vị thế trên thị trường.

Chương trình đào tạo

CMO - GIÁM ĐỐC MARKETING
CMO - Chief Marketing Officer

Khóa học CMO là chương trình đào tạo Giám Đốc Marketing chuyên nghiệp tại PACE
giúp bạn xây dựng và triển khai chiến lược Marketing tổng thể đa kênh trong bối cảnh Marketing 5.0 & AI.

Định nghĩa lại "chân dung" của Giám đốc Marketing trong kỷ nguyên số.

Vui lòng xem thông tin chương trình
tại đây

Bài viết được quan tâm

Bài viết mới nhất

Trang trên 368