Các nghiên cứu chỉ ra rằng, những chiến dịch đa kênh đạt tỷ lệ tương tác là 18,96% trong khi các kênh đường chỉ đạt 5,4% (Omnisend, 2019) và 90% khách hàng mong muốn có trải nghiệm nhất quán trên mọi nền tảng. Đây là những dấu hiệu cho thấy, các doanh nghiệp đang cần cải thiện và thúc đẩy tính nhất quán lẫn sự liền mạch về thông điệp của mình trên mọi kênh. Và IMC sẽ là một công cụ hữu ích giúp các doanh nghiệp không bị tụt hậu lại phía sau trong thời đại cạnh tranh gay gắt này.
IMC là gì?
IMC (viết tắt của Integrated Marketing Communication) có nghĩa là truyền thông Marketing tích hợp, là quá trình thống nhất thông điệp của doanh nghiệp đó trên tất cả các phương tiện truyền thông đến khách hàng. Sự kết hợp này có thể bao gồm các hoạt động như tiếp thị kỹ thuật số, quảng cáo, truyền thông xã hội, quan hệ công chúng,.... Qua đó góp phần tạo nên làn sóng truyền thông đều đặn, rõ ràng và mang lại hiệu quả tối đa.
IMC là hoạt động truyền thông truyền tải một thông điệp trên các nền tảng khác nhau
Vì sao IMC Marketing quan trọng?
Tạo sự nhất quán và tăng nhận diện cho thương hiệu
Mỗi ngày, một người có thể nhìn thấy hơn 100.000 quảng cáo khác nhau và chỉ 14% quảng cáo được ghi nhớ. Do đó, việc tạo thông điệp nhất quán trên tất cả các kênh truyền thông là một cách hiệu quả giúp doanh nghiệp tránh sự xuất hiện rời rạc, củng cố và tăng sự nhận diện thương hiệu với khách hàng mục tiêu. Từ đó, tăng sự chuyển đổi và xây dựng lòng trung thành.
Tăng khả năng tiếp cận
Thay vì bó hẹp trong một kênh quảng cáo riêng lẻ, việc thực hiện chiến dịch tiếp thị nhất quán trên nhiều kênh như radio, biển quảng cáo, mạng xã hội,... sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa hiệu quả tiếp cận khách hàng tiềm năng rộng lớn lơn. Từ đó, gia tăng cơ hội chuyển đổi thành khách hàng thực sự.
Hiệu quả chi phí và tối ưu hóa tài nguyên
Việc thực hiện kế hoạch IMC mang lại hiệu quả chi phí bằng cách hợp lý hóa các chiến dịch tiếp thị và tối ưu hóa các nguồn lực. Thay vì theo đuổi các chiến dịch tiếp thị rời rạc và thiếu hiệu quả, doanh nghiệp có thể củng cố các hoạt động tiếp thị của mình và phân bổ nguồn lực một cách hợp lý hơn. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn tăng cường hiệu quả hoạt động, đảm bảo rằng mỗi đồng chi tiêu đều mang lại giá trị tối đa.
Ví dụ, với một video giới thiệu về sản phẩm, các doanh nghiệp có thể tận dụng để đăng trên nhiều nền tảng như Facebook, Instagram, Tiktok, Youtube, Twitter (X), Zalo,... Mỗi kênh đều có những tệp khách hàng khác nhau giúp doanh nghiệp vừa khai thác tối đa giá trị của nội dung vừa mở rộng phạm vi tiếp cận khách hàng.
Sự nhất quán trên các phương tiện giúp định hình và gợi nhớ về thương hiệu cho khách hàng
Hạn chế của IMC trong truyền thông
Bên cạnh những ưu điểm trên, việc ứng dụng IMC vào chiến lược tiếp thị cũng tồn tại nhiều hạn chế:
Quá tải thông tin
Việc nhiều doanh nghiệp thực hiện truyền tải lượng lớn thông điệp quảng cáo có thể khiến người tiêu dùng bị quá tải và ảnh hưởng quá trình ra quyết định. Theo báo cáo của Accenture, khoảng 75% người tiêu dùng đã không đặt hàng trong vòng 03 tháng bởi cảm thấy bị quá tải khi tiếp nhận nhiều nội dung quảng cáo, choáng ngợp trước nhiều sự lựa chọn và tốn thời gian ra quyết định.
Lúc này, các doanh nghiệp có thể thực hiện đo lường và cải thiện tần suất xuất hiển thị thông điệp để tránh phản tác dụng trong chiến dịch IMC.
Bất đồng giữa các bộ phận
Để thực hiện một chiến dịch IMC thành công, đòi hỏi sự phối hợp giữa nhiều bộ phận với nhau nên việc bất đồng là điều không thể tránh khỏi. Do đó, các bộ phận cần dành thời gian ngồi lại thảo luận và đưa ra ý kiến cùng nhau. Đồng thời giải quyết các xung đột để đảm bảo hiệu quả các các chiến dịch.
Ý tưởng bị hạn chế
Do các hoạt động IMC thường được dựa trên góc nhìn của khách hàng mục tiêu nên doanh nghiệp dễ dàng bỏ qua những ý tưởng sáng tạo, mới lạ. Điều này có thể ảnh hưởng đến năng suất làm việc của phòng sáng tạo và kết quả truyền thông.
Đo lường ROI khó
Chỉ số ROI (Return on Investment) là tỷ số giữa lợi nhuận ròng trên tổng số chi phí đã bỏ ra. Qua đó, nó giúp doanh nghiệp xác định được độ hiệu quả khi sử dụng nguồn vốn để thực hiện chiến dịch IMC. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp sẽ khó có thể đo lường ROI một cách chính xác chiến dịch truyền thông đã chạy. Bởi doanh nghiệp cần phải theo dõi nhiều biến số khó định lượng.
Chẳng hạn, xác định chính xác doanh thu tạo ra từ một chiến dịch tiếp thị cụ thể hoặc có bao nhiêu khách hàng biết đến thương hiệu nhờ chiến dịch.
Việc truyền thông đa phương tiện có thể khiến khách hàng bị quá tải thông tin và khó chịu
Đối tượng của các IMC Plan
Khách hàng tiềm năng
Việc xác định và lên kế hoạch các chiến dịch đúng với chân dung khách hàng tiềm năng có thể giúp các công ty đạt hơn 60% lợi nhuận so thông thường, giảm 10 - 20% chi phí tiếp thị và bán hàng.
Bằng cách phác họa đúng chân dung khách hàng, truyền tải các thông tin hữu ích, nhất quán và liên lục tương tác với khách hàng trên nhiều phương tiện, doanh nghiệp có thể cải thiện sự quan tâm và lòng tin của khách hàng đối với thương hiệu của mình.
Khách hàng trung thành
Khách hàng trung thành là những người có niềm tin và gắn bó lâu dài với một sản phẩm/ dịch vụ/ thương hiệu cụ thể. Nhóm người này không chỉ có tần suất mua hàng từ 2 lần trở lên mà còn sẵn sàng giới thiệu sản phẩm/ dịch vụ/ thương hiệu của doanh nghiệp đó với người khác.
Theo khảo sát của Nielsen, khoảng 92% người tiêu dùng trên thế giới họ tin tưởng hơn vào những lời khuyến nghị từ bạn bè, gia đình hơn là các hình thức quảng cáo khác. Đồng thời, việc tăng 5% tỷ lệ giữ chân khách hàng sẽ làm tăng lợi nhuận kinh doanh từ 25 - 95%, Như vậy, nếu doanh nghiệp không có khách hàng trung thành thì cần phải chi thêm nhiều nguồn lực để có được khách hàng mới.
Do đó, việc doanh nghiệp cần đầu tư và tạo mối quan hệ lâu dài với nhóm khách hàng trung thành trong mọi chiến dịch nói chung và IMC là điều cần thiết.
Khách hàng cũ
Khách hàng cũ hay khách hàng hiện tại là những khách hàng đã từng mua hoặc trải nghiệm sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không có chiến lược giữ chân phù hợp thì nhóm người này có thể trở thành khách hàng “một lần” và không quay lại. Theo nghiên cứu, việc giữ chân khách hàng hiện tại có thể giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và công sức gấp 5 lần so với việc tìm kiếm một khách hàng mới.
Trong thời đại cạnh tranh ngày càng gay gắt và thị trường luôn biến đổi, các doanh nghiệp không chỉ cần tạo ra những sản phẩm/dịch vụ xuất sắc mà còn thông qua các chiến dịch IMC để xây dựng mối quan hệ chặt chẽ và lâu dài với khách hàng của mình.
Cổ đông doanh nghiệp
Cổ đông là người sở hữu một hoặc toàn bộ cổ phần hợp pháp của một công ty cổ phần. Họ có quyền được biết và có thể tham gia vào chiến dịch IMC hoặc bất kỳ hoạt động Marketing nào.
Sự tham gia của cổ đông vào các hoạt động Marketing không chỉ giúp họ hiểu rõ hơn về tình hình kinh doanh và chiến lược của công ty mà còn tạo điều kiện để họ góp ý và đóng góp vào sự phát triển của công ty. Chính sự minh bạch và gắn kết này sẽ làm tăng lòng tin của cổ đông, đồng thời tạo ra sự ủng hộ mạnh mẽ cho các chiến dịch Marketing và hoạt động kinh doanh của công ty.
Chính phủ
Đối với các doanh nghiệp, chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc quy định và giám sát hoạt động của công ty. Khi một doanh nghiệp triển khai một chiến dịch truyền thông, chính phủ có thể hỗ trợ trong khả năng cho phép để đảm bảo chiến dịch tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Khách hàng là đối tượng chính trong chiến lược truyền thông tích hợp
Các công cụ IMC phổ biến
Truyền thông tích hợp có thể được thực hiện và triển khai qua nhiều hình thức khác nhau nhưng chúng có 5 công cụ phổ biến được sử dụng:
Advertising (Quảng cáo)
Đây là một trong những cách hiệu quả để truyền đạt thông điệp và giao tiếp hiệu quả đến lượng lớn khán giả mục tiêu nhanh chóng. Sức mạnh của quảng cáo nằm ở khả năng tiếp cận số lượng lớn người dùng, khiến nó trở nên lý tưởng trong việc xây dựng nhận thức về thương hiệu và truyền tải những thông điệp chính của từng chiến dịch. Một số kênh quảng cáo phổ biến như đài phát thanh, đài truyền hình, báo in và quảng cáo trực tuyến,...
Direct Marketing (Marketing trực tiếp)
Đây là một loại hình truyền thông tích hợp tập trung truyền tải thông điệp và giao tiếp trực tiếp với khách hàng và khách hàng tiềm năng. Mục đích của hoạt động này là giúp doanh nghiệp xây dựng, duy trì và phát triển mối quan hệ bền vững giữa doanh nghiệp và khách hàng.
Bằng cách sử dụng các hình thức phổ biến như Marketing qua điện thoại, Marketing tại điểm bán, Marketing qua Catalog, Tiếp thị tận nhà, tặng phiếu giảm giá,... Marketing trực tiếp vừa mang đến trải nghiệm cá nhân hóa vừa giúp khách hàng cảm thấy được sự quan tâm và hình thành mong muốn có thể gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.
Trong kỷ nguyên kỹ thuật số, với 73% người tiêu dùng thích được các thương hiệu liên hệ qua thư trực tiếp, Email Marketing vẫn là một kênh tiếp thị hiệu quả để thu hút và giữ chân khách hàng hiệu quả của doanh nghiệp.
Personal Selling (Bán hàng cá nhân)
Thông qua giao tiếp hai chiều, nhân viên bán hàng có thể thấu hiểu nhu cầu, mong muốn của khách hàng và cung cấp giải pháp phù hợp, từ đó tạo dựng lòng tin và sự trung thành của khách hàng đối với thương hiệu. Tuy nhiên, để thành công, người bán hàng cần có kỹ năng giao tiếp tốt và ứng biến linh hoạt với mọi phản ứng của khách hàng.
Trong một số trường hợp, khách hàng cần tư vấn hoặc hỗ trợ kỹ thuật, hình thức bán hàng cá nhân cho phép doanh nghiệp tương tác trực tiếp và giải đáp các câu hỏi một cách chi tiết và tỉ mỉ hơn. Do đó, hình thức này vừa mang đến trải nghiệm tốt cho khách hàng, vừa tạo sự an tâm và tăng khả năng mua hàng.
Public Relations (Quan hệ công chúng)
Trong một bản kế hoạch IMC, PR đóng vai trò quan trọng nhằm hỗ trợ mục tiêu Marketing như nâng cao nhận thức, cung cấp thông tin và giải thích, tăng sự hiểu biết, tạo dựng lòng tin cùng một số lý do để người tiêu dùng mua hàng,... Hầu hết các chiến lược quan hệ công chúng đều được phát triển với mục tiêu dài hạn vì chúng giúp xây dựng danh tiếng tích cực cho thương hiệu.
Một số hình thức quan hệ công chúng (PR) phổ biến mà doanh nghiệp có thể lựa chọn như gây quỹ, tổ chức sự kiện, truyền tải thông điệp qua báo chí hoặc các trang mạng xã hội uy tín,...
Sales Promotion (Khuyến mãi)
Khuyến mãi là hoạt động tiếp thị góp phần thúc đẩy doanh số bán sản phẩm hoặc dịch vụ bằng cách tăng thêm giá trị cơ bản được cung cấp. Chẳng hạn như mua một tặng một, ưu đãi 50% tất cả mặt hàng,... Theo các nghiên cứu, hơn 80% người tiêu dùng luôn bị ảnh hưởng bởi các chương trình khuyến mãi ở một mức độ nào đó và 40% người bị ảnh hưởng mạnh khi ra quyết định mua hàng (Opia, 2021).
Tùy vào mục tiêu, các doanh nghiệp có thể triển khai các chương trình như: giảm giá, dùng thử sản phẩm, quà tặng Mini Game, bốc thăm trúng thưởng, hoàn tiền, giảm giá cho khách hàng thân thiết,..
Sponsorships (Tài trợ)
Tài trợ cho một sự kiện được xem là giải pháp hiệu quả trong chiến dịch IMC giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng nhận diện và tiếp cận được nhiều khách hàng hơn. Tuy nhiên, hình thức này phù hợp với các doanh nghiệp có ngân tiếp thị lớn.
Quảng cáo là một trong những công cụ IMC hiệu quả của các doanh nghiệp
Các bước thiết lập kế hoạch IMC
Để xây dựng kế hoạch truyền thông tích hợp hiệu quả (IMC Plan), các doanh nghiệp cần:
- Bước 1: Xác định mục tiêu
- Bước 2: Xây dựng chân dung khách hàng
- Bước 3: Consumer Insight
- Bước 4: Phát triển thông điệp
- Bước 5: Triển khai kế hoạch IMC
- Bước 6: Đánh giá hiệu quả
Bước 1: Xác định mục tiêu
Bước đầu tiên và quan trọng nhất là xác định mục tiêu cụ thể của chiến dịch IMC. Mục tiêu này cần SMART (Specific - Cụ thể, Measurable - Đo lường được, Achievable - Có thể đạt được, Relevant - Liên quan và Time-bound - Có thời hạn). Ví dụ: Tăng nhận thức thương hiệu 20% trong 6 tháng đầu năm, tăng doanh số bán hàng 15% trong quý 4,....
Bước 2: Xây dựng chân dung khách hàng
Hiểu rõ đối tượng khách hàng mục tiêu là chìa khóa để thiết kế chiến dịch IMC phù hợp. Doanh nghiệp cần nghiên cứu để xác định thông tin nhân khẩu học, hành vi, sở thích, nhu cầu và mong muốn của khách hàng. Từ đó, xây dựng chân dung khách hàng chi tiết, bao gồm các yếu tố như độ tuổi, giới tính, nghề nghiệp, thu nhập, lối sống,...
Bước 3: Consumer Insight
Consumer Insight là những hiểu biết sâu sắc về suy nghĩ, cảm xúc và động cơ thúc đẩy hành vi của khách hàng. Doanh nghiệp có thể thu thập Consumer Insight thông qua các phương pháp nghiên cứu thị trường như khảo sát, phỏng vấn nhóm, phân tích dữ liệu khách hàng,... Consumer Insight giúp doanh nghiệp thấu hiểu khách hàng một cách rõ ràng và đưa ra những thông điệp truyền thông phù hợp, hiệu quả.
Bước 4: Phát triển thông điệp
Thông điệp là nội dung cốt lõi của chiến dịch IMC, cần truyền tải đến khách hàng một cách rõ ràng, súc tích và hấp dẫn. Nó cần phù hợp với mục tiêu, chân dung khách hàng và Consumer Insight. Theo đó, doanh nghiệp cần lựa chọn kênh truyền thông phù hợp để truyền tải thông điệp đến khách hàng một cách hiệu quả nhất.
Bước 5: Triển khai kế hoạch IMC
Sau khi hoàn thành các bước trên, doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch IMC chi tiết, bao gồm các hoạt động cụ thể, ngân sách, thời gian thực hiện và người chịu trách nhiệm. Kế hoạch IMC cần được triển khai một cách thống nhất và đồng bộ trên tất cả các kênh truyền thông.
Bước 6: Đánh giá hiệu quả
Doanh nghiệp cần thường theo dõi và đánh giá hiệu quả của chiến dịch IMC sau khi triển khai. Việc này giúp doanh nghiệp xác định những điểm thành công và hạn chế, từ đó điều chỉnh chiến lược IMC phù hợp cho các chiến dịch tiếp theo.
Xác định mục tiêu phù hợp là tiền đề xây dựng hoạch IMC thành công
Case Study về chiến dịch IMC thành công
Microsoft Corporation là một tập đoàn đa quốc gia của Hoa Kỳ, đặt trụ sở chính tại Washington, chuyên phát triển, sản xuất, cấp phép, hỗ trợ và bán phần mềm máy tính, thiết bị điện tử tiêu dùng, máy tính cá nhân và các dịch vụ liên quan. Được sáng lập bởi Bill Gates và Paul Allen vào 1975. Microsoft hoạt động với sứ mệnh là: Truyền cho mọi cá nhân và mọi tổ chức trên thế giới sức mạnh và khả năng để đạt được nhiều thành tựu hơn.
Thương hiệu này đã thành công trong việc thực thi chiến lược truyền thông tích hợp với các hoạt động như:
-
Báo tin và phương tiện truyền thông là là một phần quan trọng trong chiến lược tiếp thị của Microsoft khi đã chi hơn 1,5 tỷ đô la chỉ riêng cho hai kênh này.
-
Một trong những chiến dịch quảng cáo in ấn sáng tạo cho phần mềm Office 365 của Microsoft là chương trình khuyến mãi có hỗ trợ WiFi trên tạp chí Forbes. Một bộ định tuyến bóng bẩy có pin được đặt bên trong tạp chí đã cung cấp cho người dùng wifi miễn phí trong 15 ngày. Chiêu trò này đảm bảo rằng độc giả phải giữ tạp chí bên mình mọi lúc và đóng góp nhiều lần hiển thị quảng cáo cho người đọc.
Hiện tại, Microsoft đang thực hiện quá trình chuyển đổi chậm rãi từ phương tiện truyền thông truyền thống sang phương tiện truyền thông xã hội và các nền tảng trực tuyến khác. Cụ thể: Microsoft đã liên tục thực hiện một số dự án Trí tuệ nhân tạo (AI) và đã đưa AI lên vị trí cao trong danh mục sản phẩm của mình. Để quảng bá các dịch vụ AI của mình, Microsoft đã hợp tác với Carlsberg - một công ty sản xuất bia, nhằm đẩy nhanh quá trình sản xuất.
Để tăng hiệu cho chiến dịch, các nhà tiếp thị của Microsoft cũng tận dụng quảng cáo trên khắp các nền tảng Internet, điển hình là Facebook và Youtube. Đồng thời, triển khai thông cáo báo chí trên các tờ báo lớn như Financial Times.
(Nguồn: Tại đây)
Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ và sự thay đổi trong hành vi của khách hàng, các chiến dịch IMC cũng cần được cập nhật và đổi mới liên tục để đảm bảo hiệu quả. Doanh nghiệp cần theo dõi xu hướng thị trường, áp dụng các công nghệ mới và sáng tạo trong việc thiết kế và triển khai chiến dịch IMC để đạt được mục tiêu kinh doanh một cách hiệu quả nhất.